Quốc gia là kho dự trữ khẩu trang lớn nhất châu Âu, ung dung xài trong dịch Covid-19

Không giống như những quốc gia khác cùng khu vực, quốc gia này chưa bao giờ ngừng trữ thiết bị y tế kể từ sau Thế chiến II và giờ họ có một kho vật tư y tế khổng lồ để ứng phó với dịch Covid-19, thậm chí còn xuất khẩu.

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang “đỏ mắt” tìm kiếm nguồn cung vật tư y tế giữa dịch Covid thì Phần Lan không những đã dự trữ sẵn nhiều thiết bị y tế mà còn mua thêm từ trước khi dịch bệnh bùng phát ở châu Âu.

Phần Lan được xem là “kho” trữ vật tư lớn nhất của châu Âu trong suốt hàng chục năm qua. Không chỉ thiết bị y tế, nước này còn dự trữ rất nhiều dầu thô, ngũ cốc, lương thực, hạt giống, nông cụ… đủ để ứng phó với bất kỳ thảm họa nào, kể cả thiên tai hay dịch bệnh.

Khả năng tích trữ của Phần Lan không những đáng khen mà còn làm nổi bật những lỗ hổng trong việc trù bị ứng phó với dịch bệnh của nhiều quốc gia châu Âu khác, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay.

Thời điểm dịch Covid-19 tấn công và lây lan mạnh mẽ tại châu Âu cũng là lúc Phần Lan mở kho và xuất khẩu thiết bị y tế cho các quốc gia khác, lần đầu tiên kể từ khi Thế chiến II kết thúc năm 1945.

Bức tượng 3 người thợ rèn nổi tiếng ở Phần Lan được đeo khẩu trang trong dịch Covid-19 (ảnh: NY Times)

Bức tượng 3 người thợ rèn nổi tiếng ở Phần Lan được đeo khẩu trang trong dịch Covid-19 (ảnh: NY Times)

“Phần Lan là một quốc gia rất biết cách lo xa. Họ luôn sẵn sàng tinh thần và vật chất cho một thảm họa lớn, kể cả là Thế chiến III”, ông Magnus Hakenstad, chuyên gia phân tích chính trị đến từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy, cho biết.

Mặc dù năm này qua năm khác, Phần Lan luôn được bình chọn là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, nhưng một thời kỳ lịch sử đầy biến động từ 2 cuộc Thế chiến đã để lại cho quốc gia 5,5 triệu dân bài học luôn chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

“Sự chuẩn bị và tích trữ từ lâu đã nằm trong gene của người dân Phần Lan”, ông Tomi Lounema, Giám đốc điều hành Cơ quan cung ứng khẩn cấp Phần Lan, nhận xét.

Đến ngày 5.4, Phần Lan ghi nhận tổng cộng 1.880 ca nhiễm Covid-19 và 25 người tử vong. Khẩu trang và các thiết bị y tế đã được phân phối đầy đủ cho các bệnh viện khắp Phần Lan.

“Khẩu trang đã được trữ từ lâu, nhưng giờ chúng vẫn dùng tốt”, ông Lounema cho biết.

Dược sĩ tại một hiệu thuốc ở Phần Lan cũng được sử dụng đồ bảo hộ đầy đủ (ảnh: NY Times)

Dược sĩ tại một hiệu thuốc ở Phần Lan cũng được sử dụng đồ bảo hộ đầy đủ (ảnh: NY Times)

Một điểm đáng chú ý, dù tích trữ được rất nhiều vật tư y tế nhưng số lượng cụ thể và địa chỉ nơi lưu trữ số thiết bị này luôn được Phần Lan giữ bí mật.

Giới chức Phần Lan chỉ bật mí một chút thông tin rằng, nước này đã bắt đầu việc dự trữ vật tư y tế kể từ năm 1950. Quả là một khoảng thời gian tích trữ vô cùng ấn tượng.

Việc luôn chuẩn bị sẵn tinh thần và vật chất đã giúp Phần Lan có lợi thế lớn trước dịch Covid-19.

Trong khi các nước bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như Pháp, Đức, Italia, Mỹ đang “đau đầu” tìm kiếm, thậm chí là đấu khẩu với nhau chỉ vì một lô vật tư y tế, Phần Lan vẫn có thể đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, hỗ trợ một số quốc gia khác đối phó với Covid-19.

Lấy cảm hứng từ phong cách dự trữ của Phần Lan, ngày 19.3, Liên minh châu Âu (EU) đã lần đầu tiên thành lập một kho dự trữ thiết bị y tế cho toàn khối trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan và cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Xét nghiệm Covid-19 trên xe ô tô tại Phần Lan (ảnh: NY Times)

Xét nghiệm Covid-19 trên xe ô tô tại Phần Lan (ảnh: NY Times)

Hôm 5.4, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo, nước này có hơn 15.000 nhân viên y tế dương tính với Covid-19, con số này tại Italia là hơn 10.000 người. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là thiếu thốn khẩu trang, thiết bị bảo hộ.

Một số quốc gia châu Âu hiện đã ra lệnh cấm xuất khẩu vật tư y tế ra nước ngoài trong dịch Covid-19.

Mới đây, công ty sản xuất thiết bị y tế Molnlycke Health Care có trụ sở tại Thụy Điển muốn xuất hàng từ kho lưu trữ ở Pháp sang cho Tây Ban Nha và Italia nhưng đã bị chặn lại bởi quy định cấm xuất khẩu của Pháp.

“Đây là một quy định rất đáng lo ngại trong lúc dịch bệnh đang lây lan. Giờ không có chiếc khẩu trang nào có thể được gửi ra nước ngoài từ Pháp”, ông Richard Twomey, Giám đốc điều hành của Molnlycke Health Care, cho biết.

Nhiều chuyên gia lo ngại, các lệnh cấm xuất khẩu thiết bị y tế được nhiều nước áp đặt có thể gây mất đoàn kết nội bộ châu Âu. Trong bài phát biểu mới đây, Thủ tướng Tây Ban Nha – ông Pedro Sanchez, đã kêu gọi 27 nước EU hãy cùng đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhìn lại đại dịch khiến ông nội Tổng thống Trump và hơn 20.000 dân New York tử vong

Một đại dịch khác cách đây hơn 100 năm đã tấn công New York (Mỹ) và cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 người. Đại dịch...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – New York Times ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN