Mỹ - Trung căng về TikTok, thuế quan

Trung Quốc yêu cầu Mỹ bỏ thuế quan “càng sớm càng tốt” và cảnh báo Mỹ thận trọng trong hành xử với TikTok, trong bối cảnh giám đốc điều hành TikTok phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) có nguy cơ nóng thêm sau loạt động thái mạnh tay và phát ngôn rắn từ hai bên liên quan đến an ninh và thương mại.

Trung Quốc yêu cầu Mỹ bỏ thuế quan, cảnh báo về TikTok

Ngày 23-3, Bộ Thương mại TQ yêu cầu Mỹ hủy bỏ hoàn toàn tất cả mức thuế bổ sung áp dụng đối với hàng hóa TQ càng sớm càng tốt, theo Tân Hoa xã. Theo Bộ Thương mại TQ, các mức thuế bổ sung mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa TQ cấu thành chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại, làm gián đoạn nghiêm trọng thương mại song phương cũng như gây bất ổn cho chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu.

Ngày 23-3, Mỹ thêm 14 công ty của TQ vào danh sách dán cờ đỏ thuộc dạng chưa xác minh, đồng nghĩa các công ty xuất khẩu của Mỹ phải thẩm định kỹ hơn trước khi giao dịch với các công ty này. Nếu tình trạng không được cải thiện, sau 60 ngày, các công ty này có thể phải chịu nhiều hạn chế hơn nữa từ phía Mỹ.

Bộ Thương mại TQ có phản ứng này sau báo cáo ngày 15-3 của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ thừa nhận rằng các mức thuế bổ sung Mỹ áp dụng đối với một số mặt hàng nhập khẩu nhất định từ TQ đã làm giảm hoạt động nhập khẩu của Mỹ với các sản phẩm này, ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất hoặc bán các sản phẩm này hoặc sử dụng chúng làm đầu vào. Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ là cơ quan chính phủ Liên bang Mỹ tư vấn cho các ngành lập pháp và hành pháp về các vấn đề thương mại, là một thực thể độc lập, lưỡng đảng chuyên phân tích các vấn đề thương mại như thuế quan, khả năng cạnh tranh.

Bộ Thương mại TQ cũng tuyên bố sẽ “kiên quyết phản đối” các kế hoạch có thể có của Mỹ buộc chủ sở hữu TQ của TikTok phải bán ứng dụng này tại Mỹ. Việc bán hoặc thoái vốn tiềm năng của TikTok sẽ có tác động đến xuất khẩu công nghệ, vốn cần phải thông qua các thủ tục cấp phép hành chính theo luật pháp và quy định của TQ, chính phủ TQ sẽ đưa ra quyết định theo luật.

Theo phía TQ, việc Mỹ ép buộc bán TikTok “sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả TQ, khi đầu tư vào Mỹ” và TQ sẽ phản đối bất kỳ hoạt động mua bán nào. TikTok tuần trước cho biết Mỹ đã yêu cầu các chủ sở hữu TQ thoái vốn cổ phần nếu không sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ.

Các nghị sĩ Mỹ “xoay” giám đốc điều hành TikTok

Tại Mỹ cùng ngày 23-3, Giám đốc điều hành TikTok Châu Thụ Tư điều trần trước Ủy ban Năng lượng và thương mại Hạ viện Mỹ liên quan đến hoạt động ứng dụng này, theo hãng tin Reuters. Theo mô tả của Reuters, trong hơn 5 tiếng điều trần, ông Châu đã phải trả lời nhiều câu hỏi hóc búa của các nghị sĩ Mỹ quanh quan ngại về khả năng chính phủ TQ có ảnh hưởng lên TikTok và lo ngại các video trên ứng dụng này có thể gây hại đến sức khỏe tâm thần trẻ em.

Giám đốc điều hành TikTok Châu Thụ Tư điều trần trước Ủy ban Năng lượng và thương mại Hạ viện Mỹ vào ngày 23-3 tại trụ sở Quốc hội Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES

Giám đốc điều hành TikTok Châu Thụ Tư điều trần trước Ủy ban Năng lượng và thương mại Hạ viện Mỹ vào ngày 23-3 tại trụ sở Quốc hội Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Châu liên tục phủ nhận việc TikTok chia sẻ dữ liệu hoặc có mối liên hệ với chính phủ TQ và khẳng định rằng nền tảng này đang làm mọi cách để đảm bảo an toàn cho 150 triệu người dùng Mỹ. Cụ thể theo ông Châu, hơn hai năm qua TikTok đã “xây dựng một bức tường lửa để ngăn chặn các bên ở nước ngoài truy cập trái phép dữ liệu được bảo vệ của người dùng Mỹ”. Ông Châu khẳng định “dữ liệu của Mỹ được lưu trữ trên đất Mỹ, do công ty Mỹ phụ trách, được người Mỹ giám sát”. Trước đó TikTok cho biết đã chi hơn 1,5 tỉ USD cho “dự án Texas” do Công ty công nghệ Oracle Corp (trụ sở ở Texas) phụ trách để lưu trữ dữ liệu người dùng của TikTok tại Mỹ.

Tuy nhiên, theo Reuters, các thông tin ông Châu đề cập trong phiên điều trần không thuyết phục được các nghị sĩ Mỹ. Họ cho rằng ông Châu lảng tránh đề cập chi tiết đến TQ và không đưa ra bất kỳ nỗ lực mới nào để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Về lo ngại tác động tiêu cực của TikTok với trẻ em Mỹ, ông Châu chỉ nói vấn đề “phức tạp” này không chỉ xảy ra với TikTok, với cam kết ứng dụng này sẽ sàng lọc nghiêm ngặt nội dung có thể gây hại cho trẻ em.

Thậm chí tại phiên điều trần, một số nghị sĩ Mỹ trích dẫn phát ngôn phản đối của Bộ Thương mại TQ để bác bỏ lập luận của TikTok rằng ứng dụng này tách biệt với chính phủ TQ.

Chưa rõ các nghị sĩ Mỹ sẽ hành động thế nào sau phiên điều trần của ông Châu. Mỹ đã cấm sử dụng TikTok trên điện thoại do chính phủ cấp. Lưỡng đảng Mỹ cũng đang xem xét dự luật cho phép chính quyền của Tổng thống Joe Biden cấm TikTok trên cả nước.

Lầu Năm Góc đề xuất gói ngân sách quốc phòng khủng

Ngày 23-3, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley có phiên điều trần trước tiểu ban phân bổ ngân sách quốc phòng của Hạ viện Mỹ về việc cần thiết phải tăng sức mạnh quân đội Mỹ, theo hãng tin AP.

Cả Bộ trưởng Austin và tướng Milley thúc giục Quốc hội phê chuẩn ngân sách 842 tỉ USD do Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất, nhằm hiện đại hóa lực lượng ở châu Á và trên toàn thế giới, tăng sức mạnh cho quân đội Mỹ, sẵn sàng khả năng đối đầu với TQ.

“Đây là một ngân sách định hướng chiến lược, được thúc đẩy bởi mức độ nghiêm trọng của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa chúng ta với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” - Bộ trưởng Austin nói trước tiểu ban, đồng thời cho biết ngân sách đề xuất chi hơn 9 tỉ USD - tăng 40% so với năm ngoái - để xây dựng khả năng quân sự ở Thái Bình Dương và bảo vệ các đồng minh.

Tướng Milley ủng hộ đề xuất ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ. Hai thập niên chiến tranh ở Iraq và Afghanistan đã làm xói mòn thiết bị quân sự và khả năng sẵn sàng của quân đội, vì vậy Mỹ đã nỗ lực thay thế các hệ thống vũ khí và cho quân đội thời gian để thiết lập lại, tướng Milley nói trước tiểu ban.

Và lúc này tỉ lệ sẵn sàng hoạt động của quân đội Mỹ hiện ở mức cao so với nhiều năm trước. 60% lực lượng đang ở trạng thái sẵn sàng cao nhất và có thể triển khai chiến đấu trong vòng chưa đầy 30 ngày, 10% có thể triển khai trong vòng 96 giờ. Ông Milley cảnh báo rằng những lợi ích đó sẽ bị mất nếu Quốc hội không thông qua ngân sách đúng hạn, vì sẽ ảnh hưởng ngay đến việc đào tạo.

Nguồn: [Link nguồn]

Lừa đảo hơn 4 tỉ USD, “nữ hoàng tiền ảo” cho FBI ”hít khói” là ai?

Ruja Ignatova, người được mệnh danh "nữ hoàng tiền ảo", hiện đã bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đưa vào danh sách 10 đối tượng cần truy nã gắt gao nhất, ABC News đưa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khoa Điềm ([Tên nguồn])
Chuyện lạ Thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN