Quân đội Ukraine sử dụng những vũ khí nào chống xe tăng Nga?

Trong 5 tuần xung đột ở Ukraine, Nga giành được một số bước tiến đáng kể, nhưng cũng gặp những tổn thất, đặc biệt là tổn thất đối với các xe tăng.

Xác một xe tăng Nga bị phá hủy ngày 29.3.2022.

Xác một xe tăng Nga bị phá hủy ngày 29.3.2022.

Một trong những nguyên nhân khiến xe tăng Nga trở thành mục tiêu hàng đầu của quân đội Ukraine là vì phương Tây đã viện trợ một lượng lớn các vũ khí chống tăng hiện đại.

Nhờ các vũ khí này, bước tiến của Nga trên thực địa bị ảnh hưởng đáng kể. 

Hầu hết các thành phố lớn ở Ukraine hiện vẫn do quân đội nước này kiểm soát, bao gồm thủ đô Kiev và thành phố Kharkiv.

Trong những tuần qua, truyền thông và quân đội Ukraine đăng tải nhiều video quay cảnh bắn cháy xe tăng Nga. Các xe tăng bị phá hủy bởi nhiều vũ khí khác nhau, như mìn chống tăng, tên lửa Stunga-P, Javelin và NLAW.

Đầu tháng 3, Mỹ và NATO đã chuyển hơn 17.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine. Từ đó đến nay, số lượng vũ khí được chuyển tới Ukraine vẫn không ngừng tăng lên, theo New York Times.

Ước tính Nga đã tổn thất khoảng 340 xe tăng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, tính đến ngày 29.3, theo Business Insider.

Mìn chống tăng

Mìn chống tăng là một loại mìn được thiết kế để vô hiệu hóa hay phá huỷ các phương tiện như xe tăng, xe bọc thép. Các xe tăng Nga di chuyển ở Ukraine trên các tuyến đường cố định, rất dễ bị trúng bẫy mìn của quân đội Ukraine.

Loại mìn này thường được chôn sâu dưới đất, một khi xe tăng đi qua tạo sức nặng sẽ được kích hoạt, tạo ra vụ nổ rất lớn. Video do quân đội Ukraine đăng tải ngày 15.3, cho thấy một xe tăng T-72 của Nga đang di chuyển đột ngột nổ tung, dường như do trúng phải mìn.

Tên lửa Javelin

Javelin là mẫu tên lửa chống tăng vác vai uy lực nhất hiện nay. Với tầm bắn 4km, Javelin có thể tiêu diệt bất cứ loại xe tăng nào theo cơ chế lao thẳng xuống mục tiêu từ trên nóc.

Mẫu tên lửa này cũng rất dễ sử dụng khi binh sĩ chỉ cần ngắm bắn và sau đó có thể di chuyển đến nơi ẩn nấp. Tên lửa sẽ tự động tìm tới mục tiêu. Tên lửa Javelin do hãng Lockheed Martin và Raytheon của Mỹ hợp tác sản xuất. Nhược điểm của loại tên lửa này là chi phí sản xuất cao, lên tới 178.000 USD, trong đó mỗi đạn tên lửa là 78.000 USD.

Javelin cũng cần không gian rộng, tầm bắn đủ xa, ít nhất 70 mét để có thể tấn công xe tăng một cách hiệu quả.

Tên lửa Stugna-P

Stugna-P là mẫu tên lửa chống tăng do Ukraine tự nghiên cứu và sản xuất. Mẫu tên lửa này nặng tới 97kg, chỉ có thể được khai hỏa trên giá đỡ 3 chân, mức độ linh hoạt kém hơn nhiều so với tên lửa Javelin.

Stugna-P có tầm bắn hiệu quả từ 100 – 5.000 mét, có hai chế độ khai hỏa, gồm dẫn đường chủ động hoặc dẫn đường bằng laser.

Mỗi kíp sử dụng tên lửa Stugna-P cần từ 3-4 binh sĩ. Sử dụng đạn tên lửa chuyên dụng, Stugna-P có thể xuyên phá các xe tăng được trang bị giáp phản ứng nổ như T-90A hay thậm chí là M1 Abrams.

Tên lửa NLAW

Giống như Javelin, NLAW là mẫu tên lửa chống tăng có thể được khai hỏa bởi một binh sĩ duy nhất mà không cần phải đào tạo chuyên sâu.

NLAW sẽ tự tính toán quãng đường tấn công phù hợp để tiêu diệt mục tiêu. Tên lửa được thiết kể để phát nổ ngay phía trên đầu xe tăng, tạo ra sức công phá từ trên xuống.

NLAW cũng có chế độ bắn trực diện nhằm vào mục tiêu, nhưng hiệu quả tùy thuộc vào khả năng ngắm bắn của binh sĩ. Tầm bắn hiệu quả của NLAW là từ 20 – 400 mét và xa nhất lên tới 800 mét.

Nguồn: [Link nguồn]

Video: Xe tăng Nga không hề hấn sau khi trúng tên lửa Anh sản xuất ở cự ly gần

Một xe tăng Nga di chuyển trên đường phố ở Mariupol, đông nam Ukraine, gần đây bị trúng tên lửa chống tăng NLAW do Anh sản xuất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - BI ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN