Phản ứng nhiều chiều về việc xét nghiệm người đến từ TQ

Ngày càng nhiều nước ra quy định xét nghiệm COVID-19 với người đến từ Trung Quốc, dù Bắc Kinh phản ứng, song theo nhiều chuyên gia, điều này không bảo đảm hiệu quả ngăn dịch hay chặn biến thể mới.

Trung Quốc (TQ) sẽ bỏ yêu cầu kiểm dịch đối với khách quốc tế và cho phép công dân du lịch ra nước ngoài bắt đầu từ ngày 8-1. Những ngày gần đây ngày càng nhiều nước ra các quy định nhằm tăng kiểm soát COVID-19, bất chấp phản ứng của TQ.

Lý lẽ của các nước

Mỹ từ ngày 5-1 sẽ xét nghiệm tất cả khách nhập cảnh từ TQ, Hong Kong, Macau, “bất kể quốc tịch và tình trạng tiêm chủng”, khả năng sẽ xét nghiệm mẫu nước thải lấy trên máy bay quốc tế để theo dõi biến thể mới, theo hãng tin Reuters. Mỹ cũng khuyến cáo công dân cân nhắc việc đến TQ, Hong Kong và Macau.

Hành khách trên một chuyến bay từ Thượng Hải đến sân bay Heathrow ở London (Anh) hồi tháng 12-2022. Ảnh: GETTY IMAGES

Hành khách trên một chuyến bay từ Thượng Hải đến sân bay Heathrow ở London (Anh) hồi tháng 12-2022. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), các quy định này nhằm làm chậm sự lây lan của COVID-19 tại Mỹ. Trong thời gian số ca nhiễm gia tăng ở TQ, Mỹ thiếu dữ liệu dịch tễ học và trình tự gen đầy đủ và minh bạch của virus. Những dữ liệu này rất quan trọng để theo dõi hiệu quả tình trạng tăng nhiễm và ngăn biến thể mới xâm nhập. Việc giảm xét nghiệm và báo cáo ca bệnh ở TQ, việc hạn chế chia sẻ dữ liệu trình tự bộ gen của virus có thể làm chậm quá trình xác định các biến thể nếu chúng phát sinh. CDC sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và điều chỉnh cách tiếp cận khi cần thiết.

Tại châu Âu, danh sách các nước quy định xét nghiệm người đến từ TQ ngày càng nhiều: Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Ý… Bộ Y tế Ý - nước đầu tiên trên lục địa hứng chịu làn sóng dịch vào năm 2020 - tuyên bố cần thiết phải xác định kịp bất kỳ biến thể nào để bảo vệ người dân. Đức thì đang tính toán một hệ thống phối hợp để giám sát các biến thể trên khắp các sân bay châu Âu.

Tại châu Phi, Morocco thậm chí sẽ áp lệnh cấm nhập cảnh với người đến từ TQ bất kể quốc tịch gì kể từ ngày 3-1.

Tại châu Á, Hàn Quốc, Nhật, Malaysia, Ấn Độ, lãnh thổ Đài Loan cũng quy định xét nghiệm khách đến từ TQ. Malaysia cũng sẽ xét nghiệm mẫu nước thải trên máy bay đến từ TQ. Hiệp hội Cơ quan Du lịch Malaysia kêu gọi chính phủ tạm thời đình chỉ việc nhập cảnh khách du lịch từ TQ cho đến khi tình hình dịch ở đó được cải thiện.

Philippines chưa áp dụng quy định xét nghiệm nhưng cho biết sẽ tăng cường giám sát và thực hiện kiểm soát biên giới đối với các cá nhân đến, đặc biệt là từ TQ. Singapore cũng chưa áp dụng quy định xét nghiệm người nhập cảnh từ TQ nhưng sẽ thực hiện “cách tiếp cận thận trọng”. Bộ Y tế Singapore lo lắng về nguy cơ xuất hiện các biến thể mới và nguy hiểm hơn, chưa kể những du khách bị nhiễm bệnh có thể tạo thêm gánh nặng đáng kể cho hệ thống y tế nước này.

Úc sẽ xét nghiệm COVID-19 đối với người nhập cảnh từ TQ từ ngày 5-1. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Úc Mark Butler, quyết định này là biện pháp tạm thời do lo ngại về việc thiếu thông tin chi tiết về tình hình dịch tễ học ở TQ.

Nhiều nước vẫn chào đón du khách Trung Quốc

Trong khi nhiều nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Anh… áp đặt các hạn chế phòng dịch COVID-19 khi TQ mở cửa, nhiều quốc gia khác nói rõ rằng họ sẵn sàng chào đón du khách TQ - lượng khách trước đại dịch từng là động lực chính của du lịch quốc tế.

Theo đài CNN, các sở du lịch và đại sứ quán nhiều nước như Pháp, Thái Lan, New Zealand, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Áo và Thụy Sĩ đều đăng trên Weibo - phiên bản Twitter của TQ - thông báo hoan nghênh khách du lịch TQ.

“Những người bạn TQ, nước Pháp dang rộng vòng tay chào đón các bạn!” - Đại sứ quán Pháp viết trên Weibo. Còn Cơ quan quản lý du lịch quốc gia Thái Lan thì viết: “Thái Lan đã chờ đợi bạn trong ba năm!”. Du khách TQ thường chiếm 30% tổng số lượt khách đến Thái Lan.

Trước đại dịch, TQ là thị trường lớn nhất thế giới về du lịch nước ngoài. Lượng khách TQ tăng vọt từ 4,5 triệu vào năm 2000 lên 150 triệu vào năm 2018. TQ cũng là quốc gia chi tiêu nhiều nhất thế giới, chiếm 277 tỉ USD hay 16% trong tổng số 1.700 tỉ USD tổng chi tiêu du lịch quốc tế, theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc.

Theo Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới, riêng TQ đã đóng góp 51% GDP du lịch và lữ hành ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2018.

Các quy định này dường như có phần mang yếu tố “chính trị”, các chính phủ không muốn “bị buộc tội là không làm đủ để bảo vệ công dân”.

TS Michael Osterholm, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Minnesota (Mỹ)

Các chuyên gia nói gì?

Bên cạnh quyết định của các nước trên còn có ý kiến có phần khác của các chuyên gia. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng yêu cầu xét nghiệm như các nước quy định không hiệu quả trong ngăn dịch hay ngăn biến thể mới, theo đài CNN.

Ngày 28-12-2022 Ủy ban An ninh Y tế Liên minh châu Âu (EU) họp thảo luận về chiến lược của khối nhằm giảm thiểu lây lan COVID-19 trong bối cảnh người dân TQ tăng du lịch sau mở cửa. Ý đã kêu gọi áp quy định xét nghiệm người đến từ TQ với toàn EU để tăng hiệu quả ngăn chặn dịch nhưng Đức và Bồ Đào Nha cho rằng không cần thiết, trong khi Áo nhấn mạnh lợi ích kinh tế khi khách du lịch TQ quay lại châu Âu. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đánh giá rằng sự gia tăng ca nhiễm ở TQ dự kiến sẽ không ảnh hưởng đến tình hình dịch ở EU và gọi những hạn chế đối với khách du lịch từ TQ là “không chính đáng”.

Mỹ lo ngại về việc không có thông tin giải trình tự bộ gen có thể giúp phát hiện các biến thể mới. Tuy nhiên, GISEAD - một cơ sở dữ liệu virus toàn cầu - cho biết chính quyền TQ đã gửi thêm thông tin về bộ gen từ các mẫu gần đây - và những mẫu này dường như khớp với các biến thể đang lưu hành trên toàn cầu.

Ông Yanzhong Huang, thành viên cấp cao về y tế toàn cầu tại tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), thừa nhận có nguy cơ xuất hiện biến thể mới trong “dân số chưa được tiêm chủng”. Thực tế dù 90% dân số TQ đã được tiêm hai liều vaccine bất hoạt nhưng vẫn có một tỉ lệ lớn người lớn tuổi chưa được tiêm, chưa kể nhiều người đã tiêm hơn sáu tháng trước, vì vậy mức độ kháng thể của họ đã thấp. Ông Huang không loại trừ khả năng các biến thể mới thực sự có thể xuất hiện ở TQ và lan sang các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, theo ông Huang, giả sử thực sự có những biến thể mới xuất hiện ở TQ thì các hạn chế sẽ chỉ trì hoãn chứ không ngăn được virus lây lan sang các khu vực khác của thế giới.

PGS Karen Grepin tại Trường Y tế công cộng thuộc ĐH Hong Kong đồng tình rằng nếu biến thể mới xuất hiện nó có thể sẽ xâm nhập vào Mỹ thông qua các quốc gia khác chứ không hẳn từ TQ. Các hạn chế “có tác dụng rất ít” khi biến thể Omicron xuất hiện vào mùa thu năm ngoái, theo bà Grepin.

Theo PGS Grepin, cách phòng thủ tốt nhất của một quốc gia trước các biến thể tiềm ẩn là tập trung vào các chính sách trong nước để bảo vệ người dân của chính họ, chẳng hạn như đẩy mạnh tiêm chủng, duy trì giãn cách xã hội và tuân thủ các biện pháp y tế công cộng cơ bản.

“Ở nhiều nơi trên thế giới, đại dịch có vẻ như đã kết thúc… nhưng cuối cùng thì (những biện pháp này) mới là thứ ngăn chặn sự lây truyền của virus. Nếu các nước nghĩ rằng những điều đó không còn quan trọng nữa, chẳng hạn như vì họ đã phát triển khả năng miễn dịch dân số thì tại sao lại quan tâm đến vài trường hợp mới đến từ TQ?” - CNN dẫn ý kiến của PGS Grepin.

Trung Quốc phản ứng động thái của các nước

Phản ứng động thái từ Mỹ, ngày 28-12-2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Vương Văn Bân nói rằng: “TQ luôn tin rằng các biện pháp phòng chống dịch bệnh của các quốc gia khác nhau phải khoa học và phù hợp, đồng thời không ảnh hưởng đến các hoạt động trao đổi nhân sự bình thường”. Ông Vương lưu ý việc “các biện pháp tạm thời để trao đổi nhân sự TQ và nước ngoài đã được nhiều quốc gia hoan nghênh”.

Truyền thông nhà nước TQ cũng thể hiện sự không hài lòng với động thái từ các nước, chỉ trích việc các nước áp đặt yêu cầu xét nghiệm COVID-19 với người đến từ TQ là “phân biệt đối xử”, “vô căn cứ”, làm chậm quá trình mở cửa trở lại của TQ.

TQ bác bỏ những chỉ trích về dữ liệu COVID-19, dự đoán các đột biến trong tương lai dù có khả năng lây truyền cao hơn nhưng ít nghiêm trọng hơn.

Nguồn: [Link nguồn]

COVID-19: WHO lên tiếng về việc các nước ”soi” người đến từ Trung Quốc

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 29-12 cho rằng những hạn chế do một số nước đưa ra để đối phó làn sóng COVID-19 mới của Trung Quốc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Khoa ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN