Phải nhượng bộ Mỹ, Trung Quốc cố tránh mất mặt

Khi lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngồi với nhau trong bữa tối ở Buenos Aires hôm 1/12 với hy vọng đạt được thỏa thuận “đình chiến” cho cuộc đối đầu kéo dài suốt mấy tháng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mở đầu cuộc nói chuyện bằng màn độc thoại kéo dài 30 phút, các quan chức Mỹ có mặt trong cuộc gặp cho biết.

Phải nhượng bộ Mỹ, Trung Quốc cố tránh mất mặt - 1

Ảnh ông Tập và ông Trump bắt tay nhau tại Buenos Aires trên một tờ báo Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Nhưng vài ngày sau khi cuộc gặp đó diễn ra, thế giới, và đặc biệt là người dân Trung Quốc, vẫn chưa biết chính xác ông Tập đã nói những gì, hay những phát biểu của ông ở đó có giúp xuống thang cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc hay không.

Những ngày đó cho thấy thế khó xử của Trung Quốc: cần phải nhượng bộ nhưng không muốn trở nên yếu thế trong con mắt của thế giới.

Nhà Trắng ngay lập tức công bố một danh sách những nhượng bộ của Trung Quốc, từ lời hứa mua thêm hàng Mỹ đến việc đồng ý sẽ giải quyết vấn đề ép buộc chuyển giao công nghệ Mỹ cho các đối tác liên doanh Trung Quốc. Nhưng mãi mấy ngày sau Trung Quốc mới thừa nhận rằng hai bên đã đồng ý “đình chiến” trong 90 ngày.

Vào thời điểm đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc trở về từ thủ đô của Argentina, chỉ số Dow Jones của 30 mã chứng khoán mạnh nhất thế giới đã chứng kiến làn sóng bán tháo ồ ạt, làm mất 3,1% giá trị vì tâm lý bất định trước kết quả đàm phán song phương Mỹ - Trung ở Buenos Aires.

Nhà Trắng nói rằng Trung Quốc sẽ mua “một lượng rất đáng kể” các mặt hàng công nghiệp, năng lượng và nông nghiệp cùng những loại hàng hóa khác từ Mỹ, sẽ đối thoại về vấn đề chuyển giao công nghệ ép buộc và đánh cắp sở hữu trí tuệ.

Bắc Kinh cuối cùng cũng xác nhận những lĩnh vực đó là trọng tâm của cuộc đối thoại, nhưng công bố muộn hơn 4 ngày, với lời lẽ hạn chế hơn nhiều so với ngôn ngữ Washington sử dụng.

Nhạy cảm với dư luận

Các nhà phân tích Trung Quốc và Mỹ cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục thận trọng khi nói về tiến triển đàm phán, nhưng chính Trung Quốc có lợi ích khi xác nhận lại cam kết của họ trong cải tổ thị trường được chờ đợi từ lâu.

Làm như vậy sẽ phức tạp hơn với Bắc Kinh, trong bối cảnh làn sóng chủ nghĩa dân tộc đã trỗi dậy ngay từ những ngày đầu nổ ra chiến tranh thương mại.

Ông Wang Yong, giám đốc Trung tâm Kinh tế chính trị quốc tế tại ĐH Bắc Kinh, cho rằng các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung rất phức tạp và nhạy cảm.

“Những nhượng bộ của Trung Quốc, nếu bị nói quá lên, sẽ gây ra nhiều vấn đề chính trị trong nước và gây tranh cãi ở Trung Quốc. 3 tháng đàm phán khá là ngắn, nên không cần phải gây rắc rối không cần thiết trong dư luận”, ông Wang nói.

Ngày 3/12, Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh phát đi tuyên bố phiên bản tiếng Trung của Nhà Trắng về cuộc gặp ở Buenos Aires trên WeChat, mạng xã hội phổ biến nhất ở Trung Quốc. Nhưng các cơ quan quản lý Trung Quốc đã can thiệp để ngăn chặn tài liệu này được chia sẻ rộng rãi, báo SCMP dẫn các nguồn tin từ Bắc Kinh cho biết.

Đối với nhiều người, những điều  này gợi nhớ lại vụ cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ bị phe diều hâu ở Trung Quốc gọi là “đồ phản bội” khi cố gắng đàm phán để đưa Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào những năm 1990.

Ông David Zweig, một giáo sư ngành khoa học chính trị tại ĐH Khoa học Công nghệ Hong Kong, cũng cho rằng Bắc Kinh không muốn mọi người biết họ đã phải nhượng bộ Mỹ những gì trong cuộc đàm phán vừa qua.

“Chu Dung Cơ...không muốn người dân Trung Quốc muốn biết ông ấy đã nhượng bộ gì vào năm 1999 để Trung Quốc vào WTO, rồi sau đó Mỹ đăng hết những nhượng bộ đó lên trang web của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ. Ông Chu hồi đó suýt mất chức”, ông Zweig nói.

“Họ biết họ phải chấp nhận một số nhượng bộ thực sự, nhưng họ không muốn mọi người biết điều đó, nhất là khi quá trình đàm phán đang diễn ra”, ông Zweig đánh giá.

Ông Wu Qiang, một nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh, cho rằng quan điểm cứng rắn của chính phủ Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ như phản ánh trong các bài bình luận trên báo chí và tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này giờ đang rơi vào tình thế khó khăn.

Giọng điệu chính thức của chính phủ Trung Quốc về chiến tranh thương mại đã mềm mỏng hơn trong 2 tháng qua nhưng số lượng các phát biểu cứng rắn ở Bắc Kinh và truyền thông nhà nước vẫn chưa dứt.

Vài tuần sau khi Washington triển khai vòng áp thuế đầu tiên lên hàng Trung Quốc hồi tháng 7 năm nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cảnh báo “một số người Mỹ” chớ nên như “Đôn Kihôtê ở thế kỷ 17”, nghĩa là chính quyền của Tổng thống Donald Trump cần nhượng bộ để không làm điều không thể, giống như chàng kỵ sĩ Đôn Kihôtê trong tiểu tuyết Tây Ban Nha được xuất bản đầu những năm 1600.

Tuy nhiên, cách nói đó tương phản với chiến lược thực sự của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán mà ông Wu gọi là “thỉnh cầu hòa bình”, nghĩa là sẵn sàng trả giá cao để đổi lấy đình chiến thương mại.

Cách xử lý của Bắc Kinh đã gây ra nhiều ý kiến phản đối trong dư luận nước này, ông Wu cho biết.

Trong những tháng gần đây, ngày càng có nhiều học giả tự do, thậm chí cựu quan chức Trung Quốc, lên tiếng bày tỏ không ủng hộ cách xử lý của chính phủ trong cuộc chiến.

Ông Sheng Hong, thành viên của một câu lạc bộ các nhà kinh tế do Phó Thủ tướng Lưu Hạc đồng sáng lập, tháng trước nói rằng cuộc chiến thương mại lần này là giữa một bên là nhóm lợi ích kinh tế mạnh nhất của Trung Quốc với bên kia là Mỹ và người dân Trung Quốc.

Nhóm lợi ích mà ông Sheng nói đến bao gồm chủ yếu là những doanh nghiệp nhà nước do chính phủ kiểm soát.

Cựu trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc về WTO, ông Long Yongtu, cũng chỉ trích việc Bắc Kinh áp thuế trừng phạt lên đậu nành Mỹ - nhằm tấn công vào nhóm cử tri ủng hộ ông Trump.

Nắm được dư luận này, Bắc Kinh luôn thận trọng trong những thông báo công khai về sự nhượng bộ của họ với Mỹ.

Trong mỗi thông báo về thỏa thuận với Mỹ, Bắc Kinh luôn nhắc lại rằng đó không phải nhượng bộ. Họ nói rằng việc tăng mua năng lượng hay nông sản Mỹ chỉ là để đáp ứng “nhu cầu ngày càng tăng của người dân Trung Quốc”; khả năng thay đổi quy định về tiếp cận thị trường và bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng vì lợi ích của các công ty Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc cấm cửa gần như toàn bộ iPhone

Một tòa án Trung Quốc đã cấm bán và nhập khẩu phần lớn các mẫu điện thoại iPhone của Công ty Apple, động thái có thể...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN