Ông Putin nêu cách khởi động đường ống Nord Stream 1 "ngay ngày mai"

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông, Tổng thống Nga Putin bác bỏ cáo buộc của phương Tây rằng Moscow đang “vũ khí hóa” khí đốt.

Ông Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông, tổ chức tại Vladivostok (Nga) hôm 7/9 (ảnh: Reuters)

Ông Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông, tổ chức tại Vladivostok (Nga) hôm 7/9 (ảnh: Reuters)

Trong bài phát biểu hôm 7/9, ông Putin cho rằng, các biện pháp trừng phạt từ EU và Mỹ là nguyên nhân khiến đường ống Nord Stream 1 phải dừng hoạt động vô thời hạn.

“Trên thực tế, Nord Stream 1 đã dừng hoạt động”, ông Putin tuyên bố và kêu gọi Đức sớm bàn giao cho Nga một tuabin để thay thế cho tuabin đang gặp sự cố tại trạm nén khí Portovaya.

“Có sự cố rò rỉ dầu ở đường ống. Nó có thể gây cháy nổ, khiến tuabin không thể hoạt động. Họ trả lại tuabin cho chúng tôi và chúng tôi sẽ vận hành Nord Stream 1 ngay ngày mai. Nhưng họ không làm gì cả”, ông Putin nói về Đức.

Tổng thống Nga cũng cho biết, trong khi Nord Stream 1 gặp nhiều sự cố, Moscow đã sẵn sàng để bơm khí đốt qua đường ống Nord Stream 2.

“Chúng tôi không xây dựng bất cứ thứ gì mà không có lý do. Chúng tôi đã hoàn thiện Nord Stream 2 và sẽ khởi động nếu cần”, ông Putin nói.

Trước đó, hôm 31/8, Gazprom thông báo dừng đường ống Nord Stream 1 vô thời hạn vì phát hiện sự cố rỉ dầu ở tuabin.

Trong bài phát biểu mới, ông Putin cũng cảnh báo Nga sẽ đáp trả nếu phương Tây áp đặt giá trần đối với các mặt hàng dầu mỏ, khí đốt xuất khẩu của nước này.

“Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt, dầu mỏ, than đá. Chúng tôi sẽ không cung cấp bất kỳ thứ gì”, ông Putin cảnh báo.  

Theo ông Putin, việc áp đặt giá trần đối với năng lượng Nga là “ý tưởng ngớ ngẩn” và là “giải pháp phi thị trường” được đưa ra bởi giới lãnh đạo phương Tây. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, các biện pháp trừng phạt Moscow đang có tác động ngược đối với châu Âu.

“Nếu các nước châu Âu muốn từ bỏ lợi thế cạnh tranh của họ, vậy thì tùy. Chúng tôi sẽ không bán bất cứ thứ gì đi ngược lại với lợi ích của mình, trong trường hợp này là lợi ích kinh tế. Không khí đốt, không dầu, không than, không nhiên liệu, không gì cả”, ông Putin nhấn mạnh.

Tổng thống Nga cũng thừa nhận, trong khi nhiều nước châu Âu điêu đứng do giá năng lượng tăng cao, nền kinh tế Nga cũng bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt. Ông Putin dự đoán, quy mô kinh tế Nga có thể thu hẹp “khoảng 2% hoặc hơn một chút” trong năm 2022.

Trước xung đột ở Ukraine, Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ khí đốt và 30% nhu cầu tiêu thụ dầu của châu Âu.

Một kho chứa ngũ cốc của Ukraine ở cảng Odessa (ảnh: Reuters)

Một kho chứa ngũ cốc của Ukraine ở cảng Odessa (ảnh: Reuters)

Bình luận về tình hình kinh tế Ukraine, ông Putin cho biết Moscow đang có kế hoạch xem xét lại một thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian về việc cho phép Ukraine xuất khẩu năng lượng.

Ông Putin cho rằng, Kiev đã vi phạm thỏa thuận khi chỉ tập trung cung cấp ngũ cốc cho EU, thay vì cho các nước gặp khó khăn như đã cam kết. Ông chủ Điện Kremlin cho biết, ông sẽ thảo luận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan về vấn đề này.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng cáo buộc phương Tây không thực hiện cam kết dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với ngũ cốc và phân bón xuất khẩu của Nga, sau khi Moscow tạo điều kiện cho Ukraine bán ngũ cốc.

Hồi tháng 7, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, việc Ukraine được phép xuất khẩu ngũ cốc là rất quan trọng đối với Kiev. Nước này có khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc tồn kho từ năm 2021 và có thể thu được khoảng 10 tỷ USD nếu bán hết.

Hôm 7/9, Mykhailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Ukraine, cho rằng, “không có lý do nào” để Nga xem xét lại thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc do Liên hợp quốc làm trung gian.

“Chúng tôi vẫn tuân thủ nghiêm ngặt những gì đã thỏa thuận. Những tuyên bố bất ngờ và thiếu căn cứ như vậy có thể gây áp lực đối với Liên hợp quốc và khiến căng thẳng gia tăng”, ông Podolyak nói về ý định của Tổng thống Nga.

Nguồn: [Link nguồn]

Nga - Ukraine phản ứng về báo cáo nhà máy Zaporizhia của Liên hợp quốc

Moscow bày tỏ thất vọng khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trực thuộc Liên hợp quốc không công bố bên nào phải chịu trách nhiệm cho những vụ pháo kích nhằm vào...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Chính Pháp – Reuters ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN