Nữ Tổng thống Slovakia kiện cựu Thủ tướng

Bà Zuzana Caputova - Tổng thống Slovakia, mới đây đã kiện cựu Thủ tướng Robert Fico vì phát tán thông tin sai sự thật về mình trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trước cuộc bầu cử Quốc hội quan trọng vào ngày 30-9 tới.

Tổng thống Zuzana Caputova dù không tranh cử Tổng thống Slovakia nhiệm kỳ thứ hai nhưng vẫn phản ứng quyết liệt với cựu Thủ tướng Robert Fico - ứng cử viên tiềm năng

Tổng thống Zuzana Caputova dù không tranh cử Tổng thống Slovakia nhiệm kỳ thứ hai nhưng vẫn phản ứng quyết liệt với cựu Thủ tướng Robert Fico - ứng cử viên tiềm năng

Bà Caputova (50 tuổi) - một chính trị gia cấp tiến đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2019 và trở thành mục tiêu chỉ trích thường xuyên của ông Robert Fico - người đứng đầu đảng đối lập SMER-SSD.

Ông Fico nhiều lần cáo buộc (mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào) rằng, nữ Tổng thống có sự hậu thuẫn của Mỹ và đại diện cho lợi ích của George Soros (một nhà tài phiệt Mỹ). Những âm mưu bịa đặt khác cũng liên tục được được các ứng cử viên và quan chức SMER-SSD (đang dẫn đầu các cuộc thăm dò bầu cử) cùng các đảng cánh hữu khác đưa ra trong chiến dịch tranh cử gần đây.

Lý giải về đơn kiện mới nhất, Văn phòng của Tổng thống Caputova ngày 13-9 cho biết: “Tổng thống nhận thấy, với tư cách là người của công chúng, bà có nghĩa vụ phải chịu sự chỉ trích ở mức độ cao, nhưng không có nghĩa phải chịu tình trạng bắt nạt leo thang một cách công khai cùng những cáo buộc không chính đáng. Những cáo buộc vô căn cứ là hành vi lạm dụng quyền tự do ngôn luận nhằm kích động lòng hận thù đối với một người”.

Nhà lãnh đạo cao nhất của Slovakia lần đầu tiên đưa ra khả năng khởi kiện cựu Thủ tướng Fico vào đầu năm nay sau khi bà và gia đình nhận được những lời dọa giết vì những cáo buộc sai trái chống lại bà. Nữ Tổng thống cũng đã tuyên bố không tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm tới. Quyết định này đã khiến những người cấp tiến ở Slovakia và châu Âu thất vọng bởi bà Caputova là người ủng hộ mạnh mẽ việc hội nhập châu Âu, quyền của người thiểu số... Theo các cuộc thăm dò, bà cũng là chính trị gia Slovakia được yêu thích nhất.

Các nhà phân tích cho biết, Slovakia đang bị phân cực sâu sắc về các vấn đề như di cư, quyền của người thiểu số và cuộc xung đột ở Ukraine. Ông Fico được một bộ phận cử tri ủng hộ khi lớn tiếng cam kết bảo vệ lợi ích quốc gia, chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Kiev và phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Nga có thể gây tổn hại cho Slovakia.

Hôm 13-9, đảng của ông kêu gọi chính phủ bắt đầu kiểm tra biên giới để ngăn chặn dòng người di cư ngày càng tăng từ Hungary đến Tây Âu. Chính trị gia này đã buộc phải từ chức Thủ tướng sau các cuộc biểu tình rộng rãi vì vụ sát hại một nhà báo điều tra và vợ chưa cưới vào năm 2018. Người ta cho rằng, ông Fico muốn theo bước ông Viktor Orban - nhà lãnh đạo dân túy của Hungary với quan điểm tấn công sự “pha trộn” giữa các chủng tộc châu Âu và ngoài châu Âu, đồng thời phản đối các lệnh trừng phạt đối với Nga.

“Trong Liên minh châu Âu, tất cả các quốc gia thành viên đều ủng hộ Ukraine. Hungary là nước có tiếng nói ngoại lệ duy nhất, nhưng với các cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Ba Lan và Slovakia, có thể còn nhiều trường hợp như vậy hơn. Slovakia là một quốc gia nhỏ chỉ có 5,5 triệu dân nhưng vẫn có thể có tác động đến các quyết định cần có sự đồng thuận của châu Âu” - Tiến sĩ Ilke Toygur, cộng tác viên cấp cao của chương trình châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS nhận định.

Tại Slovakia, liên minh gồm các đảng cánh tả và trung dung đã nắm quyền từ năm 2020, nhưng cử tri đã vỡ mộng trước những tranh chấp phe phái và xung đột cá nhân không ngừng. Cùng với tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, liên minh đã tan rã vào năm ngoái và một nội các tạm thời đã được Tổng thống bổ nhiệm vào tháng 5 vừa qua.

Các nhà phân tích cho rằng, không thể dự đoán trước kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội ở Slovakia bởi rất nhiều cử tri chưa quyết định ủng hộ ai và bất kỳ người chiến thắng nào cũng sẽ buộc phải thành lập một liên minh để có thể cầm quyền. Đầu tuần qua, vụ ẩu đả giữa cựu Thủ tướng Igor Matovic và cựu Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak (thuộc đảng SMER-SSD) trong một sự kiện tranh cử cho thấy mặt trái ngày càng tồi tệ của cuộc cạnh tranh chính trị ở nước này.

Nguồn: [Link nguồn]

Cựu Ngoại trưởng quốc gia thuộc EU chuyển tới sống ở Nga

Vị cựu quan chức gần đây đã tiết lộ mục đích bà chuyển tới Nga sinh sống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Vũ Guardian ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN