Nơi dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng: 119% người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Gibraltar, một lãnh thổ hải ngoại của Anh ở miền nam Tây Ban Nha, đã nổi lên là nơi dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng với 119% người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Vì sao có tỷ lệ 119%?

Được biết, Gibraltar, một lãnh thổ hải ngoại của Anh ở bờ biển phía Nam của Tây Ban Nha, chỉ có dân số khoảng 3.679 người nhưng đã khiến nhiều nơi khác trên thế giới ghen tị về tỷ lệ tiêm chủng của họ. Tính đến ngày 30/9, tại khu vực này chỉ có khoảng 1,04% người trưởng thành đủ điều kiện chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Theo Our World in Data, một trang web chuyên theo dõi các trường hợp mắc, tử vong và tỷ lệ tiêm chủng trên toàn thế giới, vùng lãnh thổ nhỏ bé này đang đứng đầu bảng xếp hạng với tỷ lệ tiêm chủng 119%, chưa tính nhóm trẻ em dưới 12 tuổi. Lý giải về tỷ lệ này, trang news.au.com cho biết Gibraltar đã tiêm chủng cho cả công dân nước ngoài tới đó làm việc.

Gibraltar có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với 119% người dân đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 (tính đến ngày 28/9). Ảnh: Our World in Data

Gibraltar có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với 119% người dân đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 (tính đến ngày 28/9). Ảnh: Our World in Data

Báo cáo cho biết phần lớn người đến Gibraltar làm việc là công nhân Tây Ban Nha. Những người này đã được chính phủ tại Gibraltar tiêm vaccine và được tính vào tỷ lệ tiêm chủng tại vùng lãnh thổ này.

Chính phủ Gibraltar đã triển khai các đợt tiêm chủng cho công dân nước ngoài từ 16 trở lên sinh sống tại đây dù họ có thị thực hay không. Trao đổi với hang tin AP, Bộ trưởng Y tế Gibraltar thông tin họ đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 40.000 người, nhiều hơn cả số công dân của họ.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Gibraltar chỉ mới ghi nhận 97 trường hợp tử vong liên quan tới dịch bệnh này. Tuy nhiên, Gulf News cho biết các trường hợp tử vong được ghi nhận trước thời điểm Gibraltar triển khai tiêm chủng.

Tính từ tháng 2/2021 đến tháng 6/2021, Gibraltar gần như không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới. Trong khi đó, các chiến dịch tiêm chủng đã được triển khai và mở rộng tại vùng lãnh thổ. Tính tới ngày 11/2, khu vực này đã tiêm được hơn 22.000 liều vaccine ngừa COVID-19.

Gibraltar là vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh. Ảnh: News.au.com

Gibraltar là vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh. Ảnh: News.au.com

Đến ngày 15/4, Gibraltar đã tiêm được 66.232 liều vaccine ngừa COVID-19, tương đương với khoảng 100% cư dân tại đây. Tuy nhiên, có báo cáo cho rằng 3,5% dân số nước này đã từ chối tiêm chủng.

Từ đầu tháng 7/2021, số ca mắc COVID-19 mới đã được ghi nhận tại Gibraltar sau nhiều tháng. Trong đó, số ca mắc COVID-19 cao nhất được ghi nhận trong 1 ngày là 43 trường hợp vào ngày 21/7. Tuy nhiên, sau đó, số ca bệnh lại có xu hướng giảm.

 Vào ngày 28/9/2021, Gibraltar đã báo cáo về 15 trường hợp mắc COVID-19 mới nhưng tỷ lệ từ chối tiêm vaccine đã giảm từ 3,5% xuống chỉ còn 1,04%.

Không còn ca tử vong

Vào ngày 28/9, Gibraltar đã báo cáo về 15 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh đang được điều trị tại vùng lãnh thổ trong thời gian ấy lên 62 trường hợp, trong đó chỉ có 2 ca nặng.

Tuy nhiên, đáng chú ý, từ ngày 28/2/2021, Gibraltar không hề báo cáo về bất kỳ trường hợp tử vong nào do COVID-19. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao tại vùng lãnh thổ này.

Những người tiêm mũi vaccine thứ 2 tại đây đã được cấp chứng nhận tiêm chủng. Hiện nay, Gibraltar cũng đang phát triển một ứng dụng lưu trữ dữ liệu vaccine và kết quả xét nghiệm, trong đó các nhà chức trách muốn liên kết với các nền tảng ở những nơi khác, để khôi phục hoạt động du lịch quốc tế.  

Gibraltar đang có kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch. Ảnh: News.au.com

Gibraltar đang có kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch. Ảnh: News.au.com

Gibraltar đã trở thành một hình mẫu cho thấy việc tiêm chủng rộng rãi có thể đưa cuộc sống dần trở lại bình thường như thời trước đại dịch. Ngoài ra, những nơi khác có ít nhất 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ, như UAE, Bồ Đào Nha, Malta và Tây Ban Nha , cũng không còn ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 tăng đột biến như trước.

Trong khi đó, tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn do người dân còn do dự như Mỹ (mới khoảng 55% người dân được tiêm vaccine) đã chứng kiến sự tăng vọt cả về số ca mắc mới và tử vong do COVID-19.

Tạp chí y tế BMJ cho biết kể từ khi biến thể Delta thống trị thế giới, những người Mỹ không được tiêm chủng có tỷ lệ tử vong cao gấp 11 lần so với những người được tiêm chủng đầy đủ. Vào ngày 28/9/2021, Mỹ đã báo cáo về 105.633 ca mắc mới và 1.836 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này vượt mốc 700.000 người. Phần lớn những trường hợp tử vong này là những người đã từ chối vaccine.

Có thể thấy, vaccine là một “vũ khí” hiệu quả trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Việc do dự tiêm vaccine đã gây ra nhiều tác động trái chiều và cản trở kế hoạch trở lại cuộc sống bình thường.

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc gia châu Âu trở lại ”bình thường” nhờ tiêm chủng: Cuộc sống ra sao?

Nơi duy nhất ở thủ đô của quốc gia châu Âu này còn có dấu hiệu của đại dịch Covid-19 là sân bay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hạnh  (Theo News.au.com, Gulf News) ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN