Những cô gái đột ngột biến mất ở lãnh địa ma túy Mexico

Bất ổn trong quan hệ giữa các trùm ma túy và chính khách kéo theo sự biến mất hàng loạt đầy bí ẩn của các cô gái Mexico.

Những cô gái đột ngột biến mất ở lãnh địa ma túy Mexico - 1

16 trong tổng số 50 số cô gái biến mất bí ẩn khỏi bang Veracruz.

Lizbeth Amores để đứa con ở nhà mẹ đẻ và tới một bữa tiệc cùng cô bạn thân Verenice Guevara. Đó là lần cuối cùng cả hai xuất hiện ở một quán bar dành riêng cho những kẻ máu mặt tại Mexico.

Cũng đêm hôm đó, Marie de Jesus Marthen là một trong hàng chục cô gái trẻ được mời tới bữa tiệc riêng ở một điền trang cách trung tâm thành phố một tiếng lái xe. Trên đường tới sự kiện, Marthen nhắn tin cho bạn trai cầu cứu.

Ngày hôm sau, Karrla Saldana và cô bạn Luisa Quintana đi ăn ở một tiệm taco. Họ rời khỏi quán bar trên một chiếc xe không rõ biển kiểm soát.

Tất cả những trường hợp kể trên đều rơi vào cảnh “một đi không trở lại”. Từ tháng 11.2011 tới nay, ít nhất 50 cô gái trẻ đã đột ngột biến mất khỏi thủ phủ Xalapa, bang Veracruz, Mexico. Nơi đây nổi tiếng với bạo lực tràn lan và bất ổn chính trị.

Hầu hết những cô gái mất tích đều khoảng 20 tuổi và đến từ những gia đình bình thường. Một số là mẹ đơn thân, số khác là gái mại dâm, sinh viên hoặc mong mỏi trở thành nữ hoàng sắc đẹp. Theo một tài liệu được tờ Guardian tìm hiểu, nhiều cô gái mất tích thường tháp tùng những nhân vật cấp cao hoặc là “chân dài tiếp khách” cho các sự kiện chính trị.

Số phận của hơn 50 cô gái mất tích vẫn là ẩn số và nhiều đồn đoán cho rằng họ buộc phải biến mất vì mối quan hệ giữa chính trị gia Mexico và các ông trùm ma túy gặp trục trặc.

Cuộc chiến chống ma túy

Những cô gái đột ngột biến mất ở lãnh địa ma túy Mexico - 2

Hàng ngàn binh sĩ được huy động trong cuộc chiến chống ma túy ở Mexico 10 năm qua.

Tổng thống Felipe Calderon bắt đầu phát động cuộc chiến ma túy vào năm 2006 sau khi nhậm chức và nhận được hơn 1,5 tỉ USD từ Mỹ tài trợ. Cách đây 10 năm, Tổng thống Calderon đã huy động hàng ngàn binh sĩ tấn công các băng nhóm, tội phạm có tổ chức. Đây là cuộc chiến tổng lực lớn nhất lịch sử nhằm vào tội phạm ma túy.

Từ đó tới nay, hơn 100 nhân vật hình sự cộm cán nhất Mexico đã bị tiêu diệt hoặc bắt giữ. Hàng tỉ USD được tiêu nhưng chiến dịch vẫn chưa kết thúc.

Ở chiều hướng ngược lại, cuộc chiến 10 năm đã tàn phá xã hội Mexico: bạo lực leo thang giữa các băng nhóm ma túy khi miếng bánh nhỏ dần và cơ quan an ninh cũng đối mặt nhiều hiểm nguy hơn.

Tác hại về mặt xã hội vô cùng khủng khiếp: hơn 200.000 người đã bị giết và ít nhất 28.000 người đột ngột mất tích từ năm 2007. Lực lượng hành pháp bị cáo buộc lạm dụng quyền lực và bắn người không nương tay.

Nhiều nạn nhân là nam giới nhưng cũng có nữ giới bị tra tấn, đánh đập bởi cảnh sát nhưng lực lượng hành pháp không hề bị xét xử.

Số liệu của chính phủ Mexico cho thấy 7.000 phụ nữ và trẻ em gái biến mất từ năm 2007 tới nay. Một nhà vận động nhân quyền cho rằng con số thực tế còn lớn hơn. Chính quyền bang Veracruz cho biết có 164 người mất tích suốt 10 năm qua trong khi con số mà nhóm phi chính phủ khác công bố là trên 500.

Rupert Knox, điều tra viên tổ chức Ân xá Quốc tế ở Mexico, nói: “Ở đất nước mà mối liên hệ giữa tội phạm có tổ chức và chính trị gia ăn sâu, bén rễ hàng chục năm qua, phụ nữ rất dễ trở thành đối tượng bị tấn công. Tội phạm và nhiều quan chức đơn giản chỉ muốn bịt miệng những người biết quá nhiều, trong đó có phụ nữ”.

Từ năm 2007 tới 2015, khoảng 20.000 phụ nữ đã bị giết hại, tăng 49% so với thập kỉ trước. Con số trên được Viện Thống kê Quốc gia Mexico công bố. Tại Veracruz, một bang nhiều dầu mỏ với dân số 8 triệu người, 168 phụ nữ bị giết trong năm 2016.

Vị trí địa lý chiến lược và cảng biển lớn biến nơi đây là một tuyến đường quan trọng trung chuyển ma túy trái phép. Quyền lực chính trị đã phủ tới những hợp đồng phi pháp giữa tội phạm có tổ chức và các ông trùm.

50 phụ nữ biến mất sau khi nhiều băng đảng Zeta mất quyền kiểm soát Veracruz. Băng đảng này do một kẻ từng phục vụ trong đội đặc nhiệm dựng lên với đế chế ma túy từ năm 2004-2010.

Năm 2011, khi người kế nhiệm thị trưởng thành phố là Javier Duarte lên cầm quyền, bạo lực trở thành vấn đề nhức nhối. Các cuộc xả súng diễn ra thường xuyên như cơm bữa, thân thể chặt nát nhừ bị ném ra đường.

Thời điểm đó, Karla Saldana, 20 tuổi đang học ngành sư phạm. Cô lái một xe hơi đắt tiền và có tiền phẫu thuật thẩm mỹ do một doanh nhân trong vùng chi trả. Cô được gọi là búp bê Barbie. Bố mẹ Saldana biết rằng con gái mình thường lui tới các sự kiện tổ chức bởi chính trị gia và các chỉ huy băng Zeta. Ngày 29.11.2011 cũng là ngày cuối cùng mà người ta nhìn thấy Saldana và cô bạn Luisa Quintana.

“Tôi đã điều tra vụ việc của con gái mình từ khi nó không về nhà. Ban đầu, tôi nghĩ rằng Saldana bị bán. Sau đó, tôi biết là con gái mình đã bị giết. Nó biết quá nhiều, nhìn và nghe quá nhiều bí mật”, ông Carlos, cha Saldana, nói.

Địa điểm cuối cùng Saldana gọi điện thoại là gần một ngọn núi hẻo lánh giáp biên giới thị trấn Puebla. Đây là nơi băng Zeta hoạt động mạnh. Cuộc điều tra sự biến mất bí ẩn của Saldana không mang lại kết quả khả quan nào.

Vết chàm của cơ quan hành pháp

Những cô gái đột ngột biến mất ở lãnh địa ma túy Mexico - 3

Nghi phạm ma túy bị bắn chết sau một 1 cuộc đụng độ.

Lực lượng hành pháp Mexico thường bị chỉ trích là chọn biện pháp mạnh tay thay vì ngăn chặn. Nhiều phụ nữ bị bắt cóc, tra tấn để lấy lời khai hoặc tăng tỉ lệ xử tội. Binh sĩ được đưa tới các con phố mà không huấn luyện chống bạo động. Theo Liên Hiệp Quốc, lực lượng hành pháp Mexico đã lạm dụng quyền lực quá mức cần thiết.

Tại bang Veracruz, khi thị trưởng Duarte nắm quyền năm 2011, ông đã yêu cầu binh sĩ dọn sạch tội phạm, bắn chết bất kì ai dính líu tới băng nhóm Zeta.

Một đơn vị đặc nhiệm được cử tới Poza Rica, thành phố nhỏ gần biên giới bang Tamaulipas, nơi từng là mỏ dầu quan trọng ở Mexico. Năm 2011, đây là thành trì của tội phạm có tổ chức.

Tháng 8.2011, Carolina Rosales, nữ y tá 24 tuổi bị bắt giữ sau khi bạn trai cô bị tình nghi là một kẻ bắt cóc từ băng Zetas. Cô bị bịt mắt trong 4 ngày ở một căn cứ quân sự, bị đánh đập và hãm hiếp.

“Một kẻ mặc thường phục nói rằng hắn đến từ phòng nhân quyền và sẽ chụp ảnh vết thương của tôi trong nhà tắm. Sau đó hắn hãm hiếp tôi”, Rosales nói. Sau đó, một lính thủy đánh bộ vào nhà tắm. “Hắn đề nghị giúp tôi và cũng hãm hiếp tôi”.

Rosales bị giam trong vài tuần mà không được gặp luật sư. Cô kể với bác sĩ về vụ hãm hiếp. Họ kê một toa thuốc an thần và mãi tới gần đây cô mới dừng sử dụng.

Năm 2013, các bác sĩ trong tù chẩn đoán cô bị HIV do bị hãm hiếp. Năm sau, cô bị buộc tội 39 năm dù một bản cáo trạng khẳng định cô bị tra tấn và ảnh hưởng thể chất, tinh thần nghiêm trọng. Khi cô kháng cáo, Rosales bị tăng hình phạt lên 51 năm tù.

Rosales chỉ được phép gặp con trai  của mình 5 lần trong 5 năm qua. Giờ con trai cô đã tròn 8 tuổi.

Sau khi bị bắt giữ, Rosales cho biết tên lính thủy đánh bộ nói rằng hắn làm việc cho một tổ chức tội phạm. “Tôi không tin lời hắn, nhưng sau đó thì tin. Lực lượng an ninh chính là những kẻ tội phạm mặc quân phục”.

Mối quan hệ mafia-chính trị gia

Những cô gái đột ngột biến mất ở lãnh địa ma túy Mexico - 4

Cảnh sát canh phòng số ma túy thu giữ được.

Tại bang Veracruz, bạo lực sẽ giảm khi một chỉ huy hoặc kẻ cầm đầu băng nhóm tội phạm bị giết hoặc bắt giữ. Tuy nhiên sau đó những kẻ mafia sẽ đào tẩu sang nhóm khác hoặc tự thành lập tổ chức của riêng mình.

Tội phạm có tổ chức thực hiện bắt cóc tống tiền, tra tấn, buôn bán người và ma túy đã nở rộ ở Poza Rica và nhiều thành phố khác.

“Cuộc chiến chống ma túy đã bỏ qua mối liên hệ khăng khít giữa chính trị gia và tội phạm có tổ chức”, Estela Casados, một nhà hoạt động xã hội, nói. “Số lượng và cách thức phụ nữ bị giết là bằng chứng rõ nhất về tình trạng bạo lực ở Mexico”. Cựu thị trưởng Duarte hiện đang bị truy lùng vì dính líu và tiếp tay cho tội phạm xã hội đen.

Cuộc chiến chống ma túy ở Mexico cho thấy bộ mặt méo mó của xã hội nơi đây. Những thi thể không đầu, cơ thể bị tra tấn dã man thường xuyên xuất hiện trên những cây cầu trong thành phố. “Trào lưu” này xuất hiện ở thành phố Ciudad Juarez, gần biên giới Mỹ từ thập niên 1990. Thời điểm đó, hàng trăm cô gái trẻ bị tra tấn, hãm hiếp và giết hại rồi treo xác ở lề đường.

 “Tình trạng này ai cũng biết nhưng chưa có cách giải quyết. Giờ đây ai cũng có thể là nạn nhân. Toàn bộ đất nước Mexico đang lâm nguy”, Mariana Berlaga, một chuyên gia nghiên cứu về bạo lực nữ giới, nói.

Việc giết hại phụ nữ ở Mexico khiến nhiều tổ chức quốc tế lên án và xuất hiện cả trong những bộ phim của điện ảnh Mỹ. Tại bang Veracruz, hàng trăm nạn nhân bị biến mất cho thấy một điều: sự thờ ơ, lãnh cảm sẽ nảy sinh ra tội phạm.

Tháng trước, khu dân cư ở Xalapa phát hiện ra thi thể của bà giáo Maria de Guadalupe, 71 tuổi bọc trong băng dính ở nhà riêng. Không ai bị bắt sau vụ việc này. Một người hàng xóm nói: “Không có chính phủ nào ra tay, tất cả đều vô tội. Đây chẳng khác gì lễ hội ma Halloween”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh – Guardian ([Tên nguồn])
Những trùm ma túy khét tiếng thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN