Những biện pháp Nga có thể đáp trả trước việc NATO kết nạp thêm Thụy Điển và Phần Lan

Sự kiện: Tin tức Nga

Việc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhất trí mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự này đang tạo thêm căng thẳng với khả năng Nga sẽ có hành động phản ứng.

Từ bỏ quy chế trung lập để gia nhập NATO

Xe thiết giáp Thụy Điển diễn tập cùng lực lượng NATO ở Na Uy hồi cuối tháng 3-2022

Xe thiết giáp Thụy Điển diễn tập cùng lực lượng NATO ở Na Uy hồi cuối tháng 3-2022

Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh tại Madrid (Tây Ban Nha) vừa diễn ra, NATO ra tuyên bố chung nêu rõ các nhà lãnh đạo của khối đã thống nhất về khái niệm chiến lược mới và nhất trí mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự này. Quyết định kết nạp Phần Lan và Thụy Điển cần được Quốc hội của 30 nước thành viên NATO thông qua và Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết quá trình này sẽ được đẩy nhanh hơn bình thường.

Nội dung tuyên bố chung của NATO nhấn mạnh việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên giúp “NATO an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và khu vực châu Âu - Đại Tây Dương ổn định hơn”. Liên minh quân sự này cũng dự định tăng cường hiện diện quân sự ở vùng Bắc Âu, tổ chức thêm các cuộc tập trận quân sự và tuần tra hải quân trên biển Baltic để đảm bảo an ninh cho 2 nước này.

Như vậy, cuối cùng Phần Lan và Thụy Điển đã từ bỏ quy chế trung lập tồn tại từ lâu ở 2 nước này. Ở châu Âu, một số quốc gia tiến tới quy chế trung lập theo nhiều cách khác nhau. Quá trình đó có thể dễ dàng được thực hiện nhờ yếu tố địa lý nhưng đôi khi là do sự ép buộc bên ngoài. Các quốc gia tiêu biểu đã lựa chọn con đường này là Thụy Sĩ, Áo, Thụy Điển, Phần Lan và Ireland. Bỉ cũng từng là một đất nước trung lập về quân sự, nhưng sau đó đã gia nhập NATO.

Với Thụy Điển, nước này duy trì quy chế trung lập đã hàng thế kỷ. Lần gần nhất Thụy Điển tham gia một cuộc chiến là từ năm 1814. Trong thế kỷ 20, Thụy Điển cố gắng tránh xa các cuộc xung đột. Nước này trung lập trong Chiến tranh thế giới thứ hai và không tham gia hay chống lại khối liên minh nào trong Chiến tranh Lạnh. Nguyên tắc trung lập của Thụy Điển đã bị loại bỏ sau Chiến tranh Lạnh khi nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nhưng quy chế không liên kết quân sự vẫn được duy trì.

Khác với chính sách trung lập của Thụy Điển có gốc rễ từ thế kỷ 19 và gần như không có liên quan gì đến nước Nga, chính sách trung lập của Phần Lan lại là hệ lụy trực tiếp của hai cuộc chiến tranh giữa nước này với Liên Xô vào năm 1939 và 1941. Nó được quy định trong “Hiệp ước hữu nghị” ký giữa Phần Lan và Liên Xô năm 1948. Theo hiệp ước này, Phần Lan thực hiện quy chế trung lập hay còn gọi là Phần Lan hóa, để duy trì hòa bình với nước láng giềng. Phần Lan có thể theo đuổi con đường dân chủ và tư bản, nhưng đổi lại, Helsinki phải đứng ngoài NATO và giữ thái độ trung lập trong các cuộc đối đầu giữa Liên Xô và phương Tây. Tình trạng này kéo dài đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc với sự tan rã của Liên Xô.

Không như đối với các nước khác ở châu Âu muốn gia nhập, NATO luôn mời chào Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh. Trong nội bộ NATO luôn có sự đồng thuận quan điểm rất sâu rộng về việc nhanh chóng chấp nhận Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh quân sự. Nguyên nhân bởi 2 nước này giúp NATO gia tăng vị thế, vai trò và ảnh hưởng chính trị, quân sự và an ninh ở châu Âu, đặc biệt là giúp NATO vừa tiến sát Nga nhờ hơn 1.300km đường biên giới chung giữa Phần Lan và Nga, lại vừa giúp NATO tạo thế vây hãm Nga về chiến lược ở châu Âu.

Bản thân Thụy Điển và Phần Lan cũng đã nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với NATO, đặc biệt sau khi hai nước tham gia thỏa thuận Quan hệ Đối tác vì Hòa bình (PFP) năm 1994. Đây được coi là bước đầu tiên để các quốc gia này gia nhập liên minh. Thụy Điển và Phần Lan cũng thường xuyên cử lực lượng tham gia các cuộc tập trận chung với NATO. Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong huấn luyện quân sự từ năm 2015.

Những biện pháp mà Nga có thể áp dụng

NATO coi việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập là thắng lợi quan trọng của NATO và thất bại to lớn của Nga trong vấn đề mở rộng NATO và là một hệ lụy tai hại đối với Nga từ cuộc xung đột ở Ukraine. Vậy nước Nga sẽ phản ứng như thế nào trước thực tế này?

Từ trước khi Phần Lan và Thụy Điển công khai mong muốn nâng mối quan hệ với NATO từ đối tác lên thành viên, Nga đã nhiều lần cảnh báo Matxcơva xem viễn cảnh này là mối đe dọa an ninh quốc gia. Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích 2 nước láng giềng đã “lựa chọn sai lầm”, trong khi một số quan chức ngoại giao Nga cho rằng Phần Lan và Thụy Điển sẽ “trả giá đắt”.

Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO không phải là mối đe dọa trực tiếp đối với Nga nhưng việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của liên minh NATO tại các nước này chắc chắn sẽ khiến Matxcơva phải đáp trả. Ông Vladimir Putin coi đây là diễn biến mới làm trầm trọng thêm tình hình an ninh quốc tế vốn đã phức tạp.

Biện pháp trước hết mà Nga có thể áp dụng là tăng cường phòng thủ tại vùng Baltic, trong đó có triển khai tàu chiến mang vũ khí hạt nhân và tên lửa tại Biển Baltic và Biển Bắc. Điều này đồng nghĩa nguy cơ xung đột sẽ gia tăng tại châu Âu. Phần Lan và Thụy Điển khi đó sẽ trở thành tiền đồn của NATO và có thể là những nước hứng chịu hậu quả đầu tiên.

Nga cũng có thể điều máy bay áp sát hoặc xâm nhập không phận các quốc gia NATO, trong đó có Thụy Điển và Phần Lan, để “thử thách kiên nhẫn” của NATO. Theo con số thống kê, năm 2020, các lực lượng không quân NATO đã xuất kích hơn 400 lần chặn những máy bay lạ áp sát không phận của liên minh, với gần 90% trong số đó là máy bay quân sự Nga. Tháng 3 năm ngoái, các máy bay của NATO đã phải xuất kích 10 lần trong 6 giờ để giám sát một đợt “gia tăng bất thường” các máy bay chiến đấu Nga gần không phận của NAO trên Bắc Đại Tây Dương, Biển Bắc, Biển Đen và Biển Baltic.

Một vũ khí khác mà Nga có thể tung ra là đòn trả đũa trong lĩnh vực năng lượng. Phần Lan nhập khẩu điện từ Nga trong 20 năm qua, nguồn cung này chiếm khoảng 10% lượng điện của quốc gia Bắc Âu này. Hồi tháng 5-2022, công ty điện lực nhà nước Nga Inter RAO từng ngừng xuất khẩu điện sang Phần Lan với lý do Phần Lan thanh toán chưa đủ, dù việc làm này được nhiều người coi là hành động trả đũa.

Nga cũng đang lên kế hoạch tăng cường lực lượng ở phía Tây và Tây-Bắc. Theo đại tướng Sergey Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, đến cuối năm 2022, Quân khu phía Tây sẽ thành lập 12 thêm đơn vị quân đội. Ông Sergey Shoigu còn cho biết quân đội Nga dự kiến nhận hơn 2.000 đơn vị khí tài và vũ khí. Động thái này nhằm đáp trả việc mà ông Sergey Shoigu cáo buộc “Trong 8 năm qua, các chuyến bay của oanh tạc cơ chiến lược Mỹ tại châu Âu tăng gấp 15 lần. Các chiến hạm Mỹ mang tên lửa dẫn đường tiến vào biển Baltic một cách có hệ thống”.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Erdogan bất ngờ cảnh báo Thụy Điển và Phần Lan

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh rằng Thụy Điển và Phần Lan phải đáp ứng yêu cầu của Ankara về việc dẫn độ "nghi can khủng bố".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Sơn ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN