3 nước châu Âu tuyên bố không gửi vũ khí cho Ukraine

Ba nước châu Âu rất cương quyết về quyết định không gửi vũ khí tới Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Hungary Kristof Szalay-Bobrovniczky tuyên bố nước này không gửi vũ khí cho Ukraine. Ảnh: TASS

Bộ trưởng Quốc phòng Hungary Kristof Szalay-Bobrovniczky tuyên bố nước này không gửi vũ khí cho Ukraine. Ảnh: TASS

Hungary và Áo sẽ không gửi vũ khí đến Ukraine để ngăn xung đột leo thang, Bộ trưởng Quốc phòng Hungary Kristof Szalay-Bobrovniczky ngày 30/1 nói sau cuộc gặp với người đồng cấp Áo Klaudia Tanner tại thủ đô Budapest (Hungary). 

"Lập trường của Hungary rất rõ ràng: Chúng tôi không chuyển vũ khí tới khu vực có xung đột để tránh leo thang căng thẳng. Điều này trùng khớp với lập trường của Áo", ông Szalay-Bobrovniczky tuyên bố và lưu ý rằng ông cùng người đồng cấp Áo đã thảo luận về tình hình ở Ukraine. "Áo cũng giữ lập trường trung lập và không vận chuyển vũ khí tới nơi có chiến sự". 

Trong khi đó, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Áo Tanner cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể lan sang châu Âu là mối nguy hiểm lớn nhất. 

"Chúng tôi không chỉ nói về chiến tranh thông thường mà còn về các mối đe dọa phi truyền thống, như sự gia tăng đột biến số người nhập cư, sẽ trầm trọng hơn do chiến sự", hãng thông tấn MTI dẫn lời bà Tanner.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: AP

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: AP

Trong một động thái tương tự, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày 30/1 tuyên bố nước này sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine và Nga. 

"Ngành công nghiệp của Serbia sẽ có nhiều khoản đầu tư mới và cũng đã trải qua nhiều thay đổi để họ có thể thu nhiều lợi nhuận và bán vũ khí. Chúng tôi sẽ bán vũ khí cho nhiều nước, trừ Nga và Ukraine", ông Vucic nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Cộng hòa Séc Milos Zeman. 

Ông Zeman cho rằng, việc Serbia từ chối trừng phạt Nga mang đến một "điểm cộng" cho Belgrade.

"Tôi hiểu lập trường trung lập của Serbia", Tổng thống Cộng hòa Séc nói ngày 30/1. "Lập trường trung lập của Serbia có thể là một điểm cộng cho nước này trong vai trò hòa giải. Vì một bên trung gian thì không nên quá nghiêng về bất kỳ bên nào".

Trước đó, Tổng thống Serbia Vucic cho biết, phương Tây đã gây áp lực lớn cho Serbia, bao gồm cả việc kêu gọi Belgrade trừng phạt Moscow, kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, ông Vucic lưu ý, ngay cả khi Serbia ủng hộ trừng phạt Nga, điều đó cũng không mang lại kết quả khả quan nào.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, ông Vucic tuyên bố trước toàn quốc rằng, Serbia ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine nhưng không áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga. Tổng thống Serbia cho biết, nước này tạm thời đình chỉ các cuộc tập trận của quân đội và cảnh sát với các đối tác nước ngoài.  

Nguồn: [Link nguồn]

Pháp lên tiếng về việc Mỹ, Đức thông báo gửi xe tăng cho Ukraine

Tuyên bố của Paris được đưa ra sau phát biểu gây tranh cãi của Ngoại trưởng Đức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - TASS ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN