Nhân chứng kể cảnh tượng “như thời chiến” trong biểu tình đổ máu ở Myanmar

20.2 là ngày tồi tệ nhất kể từ khi biểu tình nổ ra ở Myanmar sau cuộc đảo chính của quân đội. Cảnh sát nổ súng không kiểm soát vào đám đông người biểu tình khiến hơn 22 người thương vong.

Người biểu tình bị thương được đưa lên xe cứu thương.

Người biểu tình bị thương được đưa lên xe cứu thương.

Ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, cảnh sát không ngăn chặn đám đông biểu tình lên tới hàng trăm ngàn người. Nhưng các cuộc biểu tình ở Mandalay và nhiều nơi khác bị cảnh sát trấn áp mạnh tay, theo Al Jazeera. Theo ghi nhận trong ngày 20.2, có 2 người biểu tình thiệt mạng do trúng đạn của cảnh sát và 20 người bị thương.

Một bác sĩ tham gia biểu tình ở tuyến đầu tại Mandalay, mô tả cảnh tượng hỗn loạn và đổ máu “như thời chiến”. Cô nói nhìn thấy cảnh sát phun vòi rồng vào người biểu tình, đánh đập, thậm chí bắn đạn thật.

Sự việc đầu tiên xảy ra ở khu vực gần cảng Mandalay, khi một con tàu bị chặn không cho ra khơi. Đám đông người biểu tình tạo thành hàng rào ngăn cảnh sát can thiệp.

Khi người biểu tình nhượng bộ để cảnh sát tiến vào khu vực cảng biển, đụng độ xảy ra. “Cảnh sát dùng vòi rồng trấn áp người biểu tình, những người không kịp bỏ chạy bị đánh đập”, nữ bác sĩ kể lại. “Tôi tận mắt thấy cảnh một phụ nữ chỉ đứng quan sát nhưng cũng bị cảnh sát tấn công. Cô ấy bị thương nặng ở đầu”.

Nữ bác sĩ nằm trong số những nhân viên y tế được gọi đến điều trị cho hai người biểu tình bị thương, khi bị giữ ở xe cảnh sát. “Một người bị thương ở vùng đầu. Người kia bị trúng hai phát đạn. Theo như tôi thấy, đây không phải là vết đạn cao su. Nạn nhân chảy máu rất nhiều”.

“Cảnh sát không chấp nhận thả người, chỉ cho phép chúng tôi sơ cứu và giúp họ giảm đau”, nữ bác sĩ nói.

Tại một con phố khác ở Mandalay, nữ bác sĩ và nhóm nhân viên y tế còn nhìn thấy cảnh tượng “tồi tệ hơn”. Nhiều người biểu tình bị thương nặng, một người bị trúng đạn ở vùng bụng.

Một sinh viên tham gia biểu tình ở Mandalay, cũng chia sẻ rằng cảnh sát sẵn sàng “bắt giữ, đánh đập thậm chí nổ súng nhằm vào người biểu tình”.

Cảnh sát cũng đột kích vào một khu nhà ở dành cho các nhân viên chính quyền. Những người từ chối quay trở lại làm việc bình thường đều bị cảnh sát tấn công, đe dọa sẽ bắt giữ.

Phil Robertson, phó giám đốc tổ chức Quan sát Nhân quyền ở châu Á, nói “thời gian để đàm phán đã chấm dứt”.

“Liên Hiệp quốc và các quốc gia cần hành động mạnh tay với chính quyền quân sự Myanmar, vì cảnh sát và quân đội đang làm mọi cách để dập tắt phong trào biểu tình ôn hòa”, Robertson nói.

Nói về tình hình yên bình ở Yangon, Robertson cho rằng, chính quyền quân sự không mạnh tay trấn áp vì có “các đại sứ quán, văn phòng Liên Hiệp quốc, các trung tâm thương mại và kinh doanh”.

Ở thời điểm hiện tại, chưa có dấu hiệu biểu tình ở Myanmar sẽ lắng dịu. Cảnh sát càng trấn áp, người biểu tình càng phản kháng mạnh mẽ. Làn sóng biểu tình có xu hướng lan rộng vào ngày hôm sau, 21.2.

Nguồn: [Link nguồn]

Dấu ấn Nga trong cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar

Cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar hồi đầu tháng này phản ánh mối quan hệ gắn bó giữa quân đội Myanmar và “người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Al Jazeera ([Tên nguồn])
Đảo chính quân sự ở Myanmar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN