Nhà giàu Trung Quốc và khát vọng làm “chúa đảo”

Sở hữu một hòn đảo là đỉnh cao của giới giàu, theo một “chúa đảo” giàu có ở Trung Quốc.

Nhà giàu Trung Quốc và khát vọng làm “chúa đảo” - 1

Lin Dong nằm thư giãn trên một hòn đảo của ông, ngoài khơi tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc

Trung Quốc đang nổi lên như nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cùng với đó là sự xuất hiện của những tỷ phú, triệu phú với khối tài sản kếch xù. Không chỉ vậy, nhiều người trong số họ còn nổi tiếng với những pha vung tiền không tiếc tay hay thói chơi ngông “ngút trời”.

Khi hoàng hôn buông xuống trên một hòn đảo tư nhân, doanh nhân Trung Quốc Lin Dong thư giãn ngắm nhìn bờ biển gợn sóng. "Tôi không thích tiếng ồn, và tôi cũng không ưa ô nhiễm trong những thành phố đông đúc”, ông nói. "Cuộc sống trên đảo phù hợp với tôi hơn nhiều".

Lin trở nên giàu có sau khi thành lập một công ty thiết bị y tế và là một trong số nhiều đại gia Trung Quốc có khát vọng làm “chúa đảo”. Ông Lin bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực này từ năm 2006, khi ông mua hòn đảo đầu tiên trong một hồ nước ở Hà Nguyên, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Kể từ đó, Lin đã mua hơn 40 tài sản lớn nhỏ trên đảo, theo IBTimes.

Mua đảo cho vui

Luật sư Wang Yue, 41 tuổi, mua một hòn đảo không người ở, cách đất liền Thượng Hải 40km . Hòn đảo rộng khoảng 1 km vuông, là “nơi trốn” thường xuyên của ông Wang.

"Trên đảo vào ban đêm, bạn có thể nhìn thấy một bầu trời đầy sao và Mặt Trăng ở phía đông. Đó là một cảm giác tuyệt vời," ông nói.

Nhà giàu Trung Quốc và khát vọng làm “chúa đảo” - 2

Hòn đảo Slipper, New Zealand, được bà Wendy Wei Mei Wu mua làm "đồ chơi"

Một nữ triệu phú Trung Quốc cũng xuất hiện trên hàng loạt báo quốc tế khi vung tiền mua một hòn đảo rộng 217 ha ở New Zealand và coi đó như một món “đồ chơi”.

Bà Wendy Wei Mei Wu, mua đảo Slipper, cách bờ biển North Island của New Zealand 4km, với giá 7,5 triệu đô New Zealand (gần 120 tỷ đồng). Con gái của bà cho biết bà “thích hòn đảo này”, và “đó là đồ chơi của bà”.

Một người mua Trung Quốc giấu tên cũng đã trả 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 16,5 tỷ đồng) cho một hòn đảo của Fiji trong một cuộc đấu giá trực tuyến năm 2014. Cùng năm, một hòn đảo ở Anh cũng được bán với giá 4 triệu nhân dân tệ (13,2 tỷ đồng), theo Daily Mail.

Nhà giàu Trung Quốc và khát vọng làm “chúa đảo” - 3

Đảo Slipper có giá 7,5 triệu đô New Zealand (gần 120 tỷ đồng)

Tính đến năm 2015, Trung Quốc có khoảng 600 chủ sở hữu đảo, hầu hết đều hợp tác phát triển du lịch hoặc đánh bắt thủy hải sản, theo doanh nhân Lin Dong. Tuy nhiên, cũng có nhiều người mua đảo chỉ để thư giãn, giải trí.

Ông Lin tự nhận mình là một trong những người ưu tú mua đảo chỉ vì sở thích. Ông đã thành lập hội “chúa đảo” đầu tiên của Trung Quốc, nơi có 60 thành viên “yêu thiên nhiên, bờ biển, thích nằm nghe nhạc trên đảo”.

Lin nói thêm việc sở hữu một hòn đảo là đỉnh cao của giới giàu. "Hiểu theo một nghĩa nào đó, đảo giống như tàu sân bay, bạn cần phải có phi cơ riêng và du thuyền trước khi mua đảo".

Nhóm của ông cũng đã có một chuyến “mua sắm” ở Nam Thái Bình Dương năm 2015 để tìm mua những hòn đảo nhiệt đới cho riêng họ. 6 doanh nhân giàu có bay từ tỉnh Quảng Đông đến các quốc đảo Fiji, Tuvalu và Tahiti. "Đảo ở đây không đắt", ông Lin nói. "Khoảng 3 triệu nhân dân tệ một đảo (khoảng 9,9 tỷ đồng)".

Nhà giàu Trung Quốc và khát vọng làm “chúa đảo” - 4

Một cuộc gặp mặt các "chúa đảo" Trung Quốc ở Quảng Đông

Thèm khát cảm giác tự do

Trong khi nhiều người nhận định mua đảo chỉ là “mốt” ăn chơi của giới giàu Trung Quốc, một số người trong cuộc lại khẳng định mua đảo đem lại cho họ nhiều thứ hơn là niềm vui.

Tại Trung Quốc, có rất nhiều triệu phú hay tỷ phú có đủ tiền để mua đất trong nước, nhưng những quy định chặt chẽ đã khiến họ “lao ra biển”.

Ông Lin cho biết việc mua đảo ở nước ngoài dễ hơn trong nước. Khi mua đảo ở Trung Quốc, ông Lin đã phải đối mặt với tranh chấp quyền sở hữu với chính quyền địa phương, theo tờ Hoa nam buổi sáng.

Nhà giàu Trung Quốc và khát vọng làm “chúa đảo” - 5

Ông Lin Dong cho biết mua đảo ở nước ngoài dễ hơn trong nước

"Quản lý đảo tư nhân ở các nước khác phát triển hơn ở Trung Quốc", Grammy Leung, 31 tuổi, một “chúa đảo” nói.

Leung đã trả khoảng 500.000 nhân dân tệ (1,65 tỷ đồng) hồi năm 2014 để mua một phần đá nổi giữa hồ ở tỉnh Nova Scotia, Canada. Ông nói thêm ông muốn một thứ gì đó thật xa bờ, nơi mang đến cho ông một “cảm giác độc lập”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà My - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Giới siêu giàu ăn chơi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN