Ngư dân Philippines mất nghiệp vì Trung Quốc

Trong khi căng thẳng Biển Đông vẫn đang tiếp diễn, các nhà ngoại giao, chính trị vẫn còn đang bàn cãi ở tầm cỡ quốc tế, thì có những người dân đang ngày ngày phải chịu hậu quả trực tiếp.

Ngư dân Philippines mất nghiệp vì Trung Quốc - 1

Junick Josol bỏ nghề đánh bắt, chuyển sang lái xe ba bánh để kiếm sống

Ở một làng chài nhỏ ở Philippines, người dân đang buồn phiền vì mất đi công việc chủ chốt "do Trung Quốc xâm chiếm", theo lời ngư dân Phlippines.

Trước khi phiên tòa về căng thẳng Biển Đông sắp diễn ra ở tòa án quốc tế ở The Hague, ngư dân địa phương đã phải tìm cách khác để kiếm sống.

Ngư dân Junick Josol lái chiếc xe ba bánh chở khách qua các đường phố của đô thị Masinloc. Ông thích công việc cũ của mình hơn, nhưng không thể kiếm tiền bằng việc đó nữa.

“Hồi đi đánh bắt ở bãi cạn Scarborough, tôi kiếm nhiều tiền hơn. Nhưng từ khi chúng tôi bị chặn không cho đánh bắt ở đó, chúng tôi phải đánh bắt ven bờ, mà ven bờ thì không nhiều cá. Đó là lý do tại sao tôi buộc phải mua một chiếc xe ba bánh để kiếm tiền nuôi gia đình.”

Bãi cạn Scarborough là một ngư trường béo bở, chỉ cách Masinloc một ngày ra khơi. Nó cách xa Trung Quốc rất nhiều, khoảng 560 hải lý tính từ đảo Hải Nam, nhưng Trung Quốc vẫn khẳng định chủ quyền ở khu vực này.

2 năm trước, trong lúc Junick đang đánh bắt ở đây, một hạm đội Trung Quốc tiến đến. "Có hai tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc, bốn tàu siêu tốc và hai trực thăng bay trên đầu, rất gần thuyền của chúng tôi. Sau đó, có một giọng nói: "Tất cả các ngư dân Philippines hãy đi khỏi đây", Junick kể.

Ngư dân Philippines mất nghiệp vì Trung Quốc - 2

Ảnh vệ tinh chụp bãi cạn Scarborough (Nguồn: NASA)

Các tàu Trung Quốc bắt đầu phun nước vào ngư dân. "Lúc đầu chúng tôi đã cười và đùa với nhau: Chúng tôi đã ở trên biển cả tháng rồi, tắm một chút cũng được. Tuy nhiên sau đó, chúng tôi nhận ra nước phun vào người chúng tôi có mùi khó chịu."

Họ đã dùng nước thải của tàu phun vào ngư dân. Đồng thời, trực thăng cũng đụng vào 2 ngư dân, khiến họ rơi xuống nước.

Trước đó Philippines đã kiện Trung Quốc tại Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague, Hà Lan, yêu cầu tòa án xem xét chủ quyền của bãi cạn Scarborough thực sự thuộc về quốc gia nào. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong vài tuần tới, nhưng Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận và cũng không tham gia phiên toà.

Các ngư dân ở Masinloc, Philippines nói: "Chúng tôi rất giận Trung Quốc vì người Philippines cũng phải được hưởng lợi từ vùng biển này, chứ không riêng gì Trung Quốc. Và thực tế, Trung Quốc đang hủy hoại các nguồn tài nguyên biển ở đây."

Nhiều ngư dân địa phương như Junick đã bỏ đánh bắt cá và đang tìm việc khác. Ông Dario Diaz thuộc Hội đồng quản lý nghề cá địa phương nói rằng điều này đang xảy ra ở các làng dọc bờ biển.

"Người dân ở Masinloc không phải là những người duy nhất bị ảnh hưởng bởi tranh chấp Biển Đông. Thực tế, nhiều ngư dân từ các thị trấn lân cận như Santa Cruz, Subic, Pangasinan cũng đang chịu ảnh hưởng."

Ngư dân Philippines mất nghiệp vì Trung Quốc - 3

Nhiều ngư dân Philippines đã phải bỏ nghề nghiệp chính do tranh chấp trên Biển Đông

Tổng thống mới đắc cử của Philippines, ông Rodrigo Duterte, đã nói ông sẽ dùng máy bay trực thăng ra bãi cạn Scarborough và cắm lá cờ Philippines. Nhưng sau khi đắc cử, ông đã tuyên bố một cách mềm mỏng hơn. Ông nói rằng các quốc gia có lợi ích ở vùng biển tranh chấp như Mỹ, Úc đều nên giải quyết bằng đàm phán.

Ngư dân Junick Josol nói đã quá muộn để cứu đội tàu đánh cá địa phương. "Chúng tôi đang bán thuyền đi. Lý do chúng tôi vẫn bảo dưỡng thuyền là để thu hút người mua."

Trung Quốc cho biết họ sẽ sớm bắt đầu khai hoang đất ở vùng nước nông Scarborough để xây dựng một căn cứ thường xuyên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà My - ABC News ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN