Ngoài tàu Moscow, dàn soái hạm "đầy tự hào" của Hải quân Nga còn gì?

Sự kiện: Vũ khí quân sự

Được thiết kế để tấn công hạm đội tàu sân bay đối phương, những chiếc soái hạm thuộc biên chế Hải quân Nga đều được xem là những "pháo đài nổi" trên biển. Tuy nhiên, một vài trong số chúng hoặc đã bị phá hủy, hoặc từng "nằm cảng" do gặp sự cố.

Soái hạm Đô đốc Kuznetsov

Nga hiện sở hữu duy nhất một tàu chiến có thể mang, triển khai máy bay chiến đấu – tàu tuần dương hạng nặng Đô đốc Kuznetsov, soái hạm hiện nay của Hải quân Nga, hạ thủy năm 1985, đi vào vận hành năm 1995, dài 305m, với độ choán nước khoảng 65.000 tấn.

Tàu Đô đốc Kuznetsov của Nga. Ảnh: Getty Images

Tàu Đô đốc Kuznetsov của Nga. Ảnh: Getty Images

Khi thiết kế Đô đốc Kuznetsov, Liên Xô dự định sở hữu hai chiếc loại này. Tàu còn lại mang tên Varyag chưa hoàn thiện khi Liên Xô tan rã năm 1991 và được chia cho Ukraine. Kiev sau đó bán con tàu cho Trung Quốc, rồi được Bắc Kinh cải tiến và đặt tên là tàu sân bay Liêu Ninh.

Dù có thể mang theo 40 máy bay chiến đấu, nhưng Đô đốc Kuznetsov lại sử dụng động cơ dầu, khiến nó dễ bị nhận ra bởi cột khói đen mỗi khi di chuyển.

Khác với biên đội tàu sân bay của Mỹ, Đô đốc Kuznetsov có khả năng hoạt động độc lập nhờ hệ thống phòng thủ đa lớp, trong đó có thể kể tới 24 bệ phóng tên lửa phòng không tầm ngắn 3K95, 8 tổ hợp pháo/tên lửa CIWS Kashtan và 6 tổ hợp pháo phòng không AK-630 30mm.

Cháy trên tàu Kuznetsov trong lúc nó đang được bảo dưỡng ở cảng. Ảnh: TASS

Cháy trên tàu Kuznetsov trong lúc nó đang được bảo dưỡng ở cảng. Ảnh: TASS

Về năng lực tấn công, tàu được trang bị 12 quả tên lửa siêu thanh chống hạm P-700 Granit nằm ngay dưới boong tàu. Tên lửa Granit có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thường; kèm 2 tổ hợp rocket săn ngầm RBU-12000, tầm hoạt động 12 km.

Dù uy lực, nhưng Kuznetsov ít có điều kiện tham chiến thực tế. Tháng 1/2009, khi ở ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ, tàu cháy lớn, khiến một người thiệt mạng. Một tháng sau, nó lại gặp sự cố ở bờ biển Ireland, làm rò rỉ ước tính khoảng 300 tấn dầu ra biển.

Đô đốc Kuznetsov đã trải qua thời gian sửa chữa kéo dài tại cảng nhiều lần. Sự cố và tai nạn xảy ra thường xuyên đến nỗi con tàu phải được một tàu hậu cần đi kèm theo sau để sửa chữa.

Khoảnh khắc Su-33 chuẩn bị cất cánh khỏi sàn tàu Kuznetsov. Ảnh: Getty Images

Khoảnh khắc Su-33 chuẩn bị cất cánh khỏi sàn tàu Kuznetsov. Ảnh: Getty Images

Lần tham chiến đầu tiên của tàu Kuznetsov là cuối năm 2016, khi nó tham gia nhóm tàu tấn công các mục tiêu khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ Syria.

Tuy nhiên, sự cố đứt cáp hãm đà trên tàu khiến không quân hải quân Nga mất một tiêm kích hạng nặng Su-33 và một chiến đấu cơ đa năng MiG-29K. Đô đốc Kuznetsov phải trở về nước và được đưa lên ụ nổi ngay sau đó để sửa chữa.

"Vận đen" tiếp tục bủa vây con tàu khi ụ nổi duy nhất đủ sức cõng con tàu là PD-50 bị chìm do sự cố mất điện hồi tháng 10/2018. Khi ụ nổi PD-50 bị chìm, nó cũng khiến một cần cẩu đổ sập xuống boong tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov làm hư hại một phần sàn tàu.

Sau vài năm loay hoay, tàu Đô đốc Kuznetsov vẫn chưa thể trở lại chiến đấu. Các nguồn tin từ Hải quân Nga sau đó nói với truyền thông rằng Nga có thể sẽ khai tử tàu Kuznetsov và khởi đóng một con tàu mới với năng lực tác chiến phù hợp hơn.

Tàu Peter Đại đế- chiến hạm tấn công mạnh nhất thế giới

Là đơn vị chiến dịch-chiến lược của Hải quân Nga, Hạm đội Phương Bắc có tuổi đời trẻ, nhưng sở hữu những loại tàu chiến được xem là mạnh nhất, lớn nhất của Hải quân Nga.

Trong số chúng, tàu Peter Đại đế (Pyotr Velykyi)- soái hạm của hạm đội, là tàu có sức tấn công mạnh nhất. Con tàu cũng là thế hệ tàu chiến mặt nước hiếm hoi trang bị động cơ hạt nhân, giúp nó hoạt động liên tục trên biển và chỉ phải cập cảng khi thực phẩm hoặc đạn dược cạn kiệt.

Peter Đại đế - niềm tự hào của Hải quân Nga. Ảnh: Getty Images

Peter Đại đế - niềm tự hào của Hải quân Nga. Ảnh: Getty Images

Peter Đại đế là một trong 4 tàu thuộc Đề án 1144 Orlan (còn gọi là Kirov) được Liên Xô thiết kế vào thập niên 1970. Đây là những tàu chiến mặt nước có kích thước và lượng giãn nước lớn nhất nhì trên thế giới, với chiều dài 252m và độ choán nước 28.000 tấn.

Liên Xô gọi lớp Kirov là tàu tuần dương tên lửa hạng nặng chạy bằng động cơ hạt nhân (TARK). Còn các chuyên gia quân sự phương Tây gọi chúng là "thiết giáp tuần dương hạm" (battlecruiser) vì hình dáng của chúng khá tương đồng với các thiết giáp hạm.

Tàu lớp Kirov được thiết kế với khả năng độc lập tác chiến hoặc nằm trong một biên đội hỗn hợp gồm tàu sân bay, tàu tuần dương và tàu khu trục.

Peter Đại đế được xem là một pháo đài nổi, với lượng vũ khí khủng mà nó mang theo. Ảnh: TASS

Peter Đại đế được xem là một pháo đài nổi, với lượng vũ khí khủng mà nó mang theo. Ảnh: TASS

Sinh ra cho mục đích tiêu diệt toàn bộ một hạm đội tàu sân bay đối phương, tàu sở hữu rất nhiều vũ khí tấn công, nổi bật là 20 ống phóng tên lửa hành trình diệt hạm P-700 Granit, tầm bắn 625 km, mang theo đầu đạn nổ mạnh 750 kg hoặc đầu đạn nhiệt hạch có sức mạnh tương đương 25 quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki.

Bên cạnh các hệ thống đạn săn ngầm, tàu được trang bị tổ hợp phòng không S-300 Fort dành riêng cho Hải quân với 96 quả đạn 48N6E; kèm tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung 3K95 mang theo hơn 100 quả đạn.

Khoảnh khắc quả đạn P-700 rời bệ phóng trên tàu Peter Đại đế. Ảnh: ITN

Khoảnh khắc quả đạn P-700 rời bệ phóng trên tàu Peter Đại đế. Ảnh: ITN

Trong trường hợp tên lửa diệt hạm đối phương vượt qua được hai lớp phòng thủ này, chúng sẽ phải đối mặt với 44 tên lửa của tổ hợp OSA-MA và 6 bệ pháo/tên lửa tầm gần CIWS Kashtan.

Là niềm tự hào của quân đội Nga, Peter Đại đế hiếm khi gặp sự cố. Năm 2004, Đô đốc Hải quân Nga Vladimir Kuroyedov từng tuyên bố tàu không đủ khả năng phục vụ do các vấn đề kĩ thuật, nhưng nó đã trở lại vận hành bình thường sau nửa năm sửa chữa.

Tuần dương hạm Moscow

Tuần dương hạm Moscow, soái hạm của Hạm đội Biển Đen, trở thành tâm điểm chú ý trong 2 ngày qua, khi nó gặp sự cố rồi chìm trên biển. Quan chức Ukraine nói quân đội nước này đánh chìm tàu, trong khi Nga chưa công bố nguyên nhân.

Được hạ thủy từ năm 1979 dưới thời Liên Xô, tàu Moscow là chiến hạm chủ lực thuộc lớp Slava, có độ choán nước khoảng 12.500 tấn, dài 186m, rộng 21m, được thiết kế với nhiệm vụ chính là tấn công các tàu mặt nước của đối phương bằng tên lửa chống hạm.

Tuần dương hạm Moscow mới chìm trên biển Đen. Ảnh: TASS

Tuần dương hạm Moscow mới chìm trên biển Đen. Ảnh: TASS

Năm 1991, trong quá trình phân chia Hạm đội Biển Đen giữa Nga và Ukraine, phía Nga được chia tàu Moscow. Trong khi đó, Kiev nhận tàu tuần dương tương tự mang tên Ukraine, nhưng hiện vẫn trong kho của nhà máy Nikolaev và có thể đã bị hư hại do đòn pháo kích của Nga hồi tháng 3/2022.

Sau 2 lần nâng cấp, lần cuối cùng vào năm 2020, theo Meduza, tàu Moscow được cải tiến để khai hỏa vũ khí chính là 16 tên lửa diệt hạm P-1000 Vulkan có tầm bắn ít nhất 700 km. Mỗi quả P-1000 Vulkan có khả năng đánh chìm một chiến hạm cỡ lớn.

Tàu cũng được trang bị hệ thống phòng không tầm xa S-300 Fort với khoảng 60 quả đạn, giúp nó bảo vệ nhóm tác chiến khỏi nguy cơ bị tập kích đường không. Ngoài ra, tàu được trang bị pháo tự động và vũ khí chống ngầm cùng các hệ thống tác chiến điện tử.

Khoảnh khắc tàu Moscow khai hỏa. Ảnh: ITN

Khoảnh khắc tàu Moscow khai hỏa. Ảnh: ITN

Do là tàu chỉ huy của Hạm đội Biển Đen, tàu Moscow có vị trí nhất định trong quan hệ Ukraine, nhất là khi quan hệ giữa hai nước còn nồng ấm. Nó được Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm nhiều lần. Năm 2000 và 2001, trong chuyến công du cảng Sevastopol, lúc đó được Nga thuê của Ukraine, ông Putin đã lên tàu cùng Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma.

Năm 2008, tàu Moscow tham gia chiến dịch của Nga ở nam Ossetia. Tháng 3/2014, khi Bán đảo Crimea tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, Moscow thực hiện nhiệm vụ phong tỏa hạm đội Ukraine ở hồ Donuzlav.

Tới giai đoạn 2015-2016, con tàu thực hiện nhiệm vụ phòng không từ hướng biển gần căn cứ không quân Hmeymim của Nga ở Syria.

Tuần dương hạm Varyag – soái hạm Hạm đội Thái Bình Dương

Đặt trụ sở ở thành phố Vladivostok, Hạm đội Thái Bình Dương Nga sở hữu nhiều tàu chiến mặt nước và tàu nổi giúp Nga bảo vệ cửa ngõ phía Đông đất nước.

Tuần dương hạm Varyag thuộc lớp Slava giống tàu Moscow, hạ thủy tháng 7/1983, chính thức biên chế trong lực lượng hải quân Liên Xô vào ngày 16/10/1989.

Tàu Variag có thiết kế rất giống tàu Moscow. Ảnh: TASS

Tàu Variag có thiết kế rất giống tàu Moscow. Ảnh: TASS

Tuần dương hạm Varyag có lượng giãn nước tiêu chuẩn 9.800 tấn, đầy tải 12.500 tấn. Tàu dài 186m, rộng 21m, cao 8,4m. Nhờ hai động cơ turbin khí có công suất 130.000 mã lực, con tàu có khả năng di chuyển ở vận tốc 32 hải lý/ giờ, bán kính hoạt động hơn 13.000km.

Tương tự Moscow, tàu Varyag được trang bị 16 tên lửa chống hạm P-1000 Vulkan trong 8 cụm ống phóng đặt song song hai bên thành tàu. Nó cũng được trang bị 64 tên lửa đối không tầm xa S-300 Fort trong 8 bệ phóng phía sau, kèm 4 tổ hợp phòng không tầm ngắn Osa-M.

Soái hạm Hạm đội Baltic

Chịu trách nhiệm phòng thủ phía Tây nước Nga, Hạm đội Baltic đặt trụ sở tại Kaliningrad – vùng lãnh thổ của Nga nằm bên bờ Baltic, giữa Ba Lan và Litva. Soái hạm của hạm đội là tàu khu trục Nastoychivyy thuộc lớp Sovremenny.

Nastoychivyy được khởi đóng năm 1981, với tên gọi ban đầu là Moskovsky Komsomolets, và đi vào hoạt động chính thức năm 1992.

Tàu Nastoychivyy. Ảnh:RiaNovosti

Tàu Nastoychivyy. Ảnh:RiaNovosti

Tàu có độ choán nước khoảng 7.940 tấn, chiều dài thực tế 156m, độ mớn nước là 6.5m, rộng 17,3m. Vũ khí chính của tàu là 8 tên lửa diệt hạm P-270 “Moskit” (được NATO định danh là SS-N-27 Sunburn), có khả năng mang đầu đạn thông thường 300kg hoặc đầu đạn hạt nhân.

Sovremenny được trang bị 2 dàn phóng ngư lôi cỡ 533mm và 6 ống phóng tên lửa chống ngầm RBU-1000. Bên cạnh đó là khả năng săn ngầm ưu việt nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của trực thăng Kamov KA-27 với tầm hoạt động lên đến 200km và dễ dàng phát hiện những chiếc tàu ngầm ẩn mình bên dưới lòng biển.

Ngoài ra, tàu Sovremenny được trang bị đến 44 tên lửa phòng không, ngư lôi và pháo hạm AK-130 tầm xa. Cùng đó là hệ thống radar hiện đại, các thiết bị chiến tranh điện tử.

Hạm đội Caspi

Được thành lập năm 1722 theo lệnh của Sa hoàng Peter Đại đế, Hạm đội Caspi là một trong những đội tàu hải quân lâu đời nhất trong Hải quân Nga. Trụ sở chính của hạm đội được đặt tại Astrakhan, sau khi chuyển về từ Baku, Azerbaijan.

Tàu Dagestan. Ảnh: TASS

Tàu Dagestan. Ảnh: TASS

Do biển Caspi khá nhỏ, dàn tàu của Nga tại đây không đa dạng như các vùng biển mở khác. Soái hạm của Hạm đội Caspi là tàu hộ vệ mang tên lửa Dagestan thuộc lớp Gepard (Đề án 11661) nổi tiếng của Nga.

Về vũ khí, tàu có khả năng mang theo tên lửa hành trình Kalibr-NK có khả năng đánh trúng các mục tiêu trên đất liền. Tàu Dagestan từng tham gia chiến dịch của Nga ở Syria, nơi Nga thường xuyên khai hỏa tên lửa hành trình vào các mục tiêu IS.

Nắp ống phóng Kalibr trên tàu Dagestan. Ảnh: Sputnik

Nắp ống phóng Kalibr trên tàu Dagestan. Ảnh: Sputnik

Ngoài ra, tàu có thể mang theo 20 thủy lôi các loại. Gepard còn sở hữu pháo tự động 76,2 mm AK-176M có tốc độ bắn 120 viên phút, một pháo 45mm chuyên được khai hỏa trong dịp lễ ăn mừng và một tổ hợp pháo phòng không Palash ở đuôi tàu, kèm theo một vài hệ thống tên lửa phòng không di động Igla-M.

Nguồn: [Link nguồn]

Mất soái hạm Moskva không ảnh hưởng đến chiến dịch của Nga ở Ukraine?

Trước khi gặp sự cố và bị chìm ở Biển Đen, tuần dương hạm tên lửa Moskva, soái hạm của hạm đội Biển Đen từng tham gia nhiều cuộc xung đột quân sự, từ Gruzia cho tới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Hà ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN