Ngàn ca nhiễm Covid-19 "ẩn mặt" phủ bóng đen ở Indonesia

Chỉ mới tháng trước, Indonesia còn chưa ghi nhận bất cứ ca nhiễm Covid-19 nào, khi đó giới chức nước này luôn bác bỏ khả năng lây nhiễm đã âm thầm diễn ra.

Theo Guardian, vài tuần sau, 58 ca tử vong được Indonesia ghi nhận liên quan đến Covid-19 và là số ca tử vong lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. 7 nhân viên y tế nằm trong danh sách những người tử vong.

Indonesia hiện mới chỉ thông báo 790 người nhiễm virus, trong khi các nhà nghiên cứu ước tính số ca nhiễm thực tế phải lên tới hàng chục ngàn, rải rác trên khắp đất nước.

Điều này gây sức ép lớn đối với hệ thống y tế của Indonesia. Trong tuần qua, hai bệnh viện lớn ở Indonesia liên tục yêu cầu được tiếp tế. Một số nhân viên y tế dọa đình công nếu bị buộc phải mặc đồ bảo hộ. Tính đến đầu tuần này, 42 nhân viên y tế ở Jakarta đã nhiễm virus.

“Tôi chỉ biết cầu nguyện, tin rằng không có gì phải lo lắng dù đôi khi cảm giác bất an lại xuất hiện”, Agnes Tri Harjaningrum, một bác sĩ nhi khoa làm việc tại bệnh viện ở thủ đô Jakarta, nói với Guardian. Cô lo lắng rằng Indonesia có thể phải đối mặt với khủng hoảng tương tự như ở Italia.

Một buồng khử trùng tạm thời đặt trên đường phố Jakarta, Indonesia.

Một buồng khử trùng tạm thời đặt trên đường phố Jakarta, Indonesia.

Từ đầu tuần, nhiều đồ bảo hộ, kit thử virus được Indonesia tiếp nhận từ Trung Quốc. Nhưng sau vài ngày, nhiều bệnh viện ở Jakarta lại thông báo cần hỗ trợ. Các trang thiết bị hiện được ưu tiên cho các bác sĩ trực tiếp điều trị cho người nhiễm virus, Agnes nói.

Indonesia là quốc gia có số dân đông thứ tư trên thế giới, nhưng lại phản ứng khá chậm với Covid-19. Đến nay, Indonesia mới chỉ xét nghiệm cho 2.863 trường hợp.

Các học giả tại Trường Y học Nhiệt đới & Vệ sinh London ước tính Indonesia chỉ mới phát hiện 2% số ca nhiễm, tức là số người nhiễm virus trên thực tế đã hơn 34.000. Con số này nhiều hơn cả 27.000 người nhiễm virus ở Iran, dù con số ở Iran cũng có thể thấp hơn nhiều so với thực tế.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng con số trên chỉ là ước tính dựa trên đánh giá ban đầu. Theo số liệu chính thức, thủ đô Jakarta với 9,6 triệu người sinh sống là vùng chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh. Các ca nhiễm cũng xuất hiện ở Banten và Tây Java.

Các ca nhiễm ở Indonesia rải rác trên cả nước. Ở Tây Papua, tỉnh cực đông của Indonesia, 3 ca nhiễm được ghi nhận trong khi 35 người khác đang bị theo dõi vì có triệu chứng giống viêm phổi và có tiếp xúc với người nhiễm virus.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định ông chưa ra lệnh phong tỏa.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định ông chưa ra lệnh phong tỏa.

Ở nhiều tỉnh thành, năng lực chăm sóc y tế cho người bệnh rất hạn chế. Các nhân viên y tế thậm chí còn phải đánh giá sức khỏe bệnh nhân trực tuyến vì thiếu thiết bị.

Phân tích trên Reuters chỉ ra hệ thống y tế của Indonesia còn hạn chế hơn cả Italia hay Hàn Quốc – hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia, quốc gia này có 321.544 giường bệnh, tương đương 12/10.000 người. Tỉ lệ này ở Hàn Quốc là 115/10.000.

Năm 2017, WHO thống kê Indonesia có 4 bác sĩ trên 10.000 người. Con số này ở Italia gấp 10 lần trong khi Hàn Quốc gấp 6 lần.

Để đối phó tình hình, Indonesia đang cải tạo một khu đất rộng từng tổ chức Đại hội thể thao châu Á năm 2018 để làm nơi điều trị cho 24.000 bệnh nhân.

Các mô hình dự đoán của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Eijkman-Oxford (EOCRU) ước tính nếu không có biện pháp ngăn ngừa virus hiệu quả, Indonesia có thể sẽ phải đối mặt với 71.000 ca nhiễm vào cuối tháng 4.

Indonesia hiện đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô, đóng cửa khu du lịch, vui chơi giải trí, hạn chế giao thông công cộng. Các doanh nghiệp, các nhóm tín ngưỡng được yêu cầu chủ động phòng ngừa virus.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho đến nay bác bỏ khả năng phong tỏa đất nước, dù Malaysia,  Philippines, Thái Lan đã phải phong tỏa ngăn dịch.

Ông Widodo hối thúc người dân ở nhà và hứa sẽ đẩy nhanh xét nghiệm. 100.000 bộ đồ bảo hộ cũng đang được phân phát ở 3 tỉnh của Indonesia.

Zubairi Djoerban, người đứng đầu nhóm bác sĩ tham gia chống dịch, nói vấn đề hiện tại không phải ở trang thiết bị mà chính quyền cần hành động nhanh chóng để kiểm soát dịch.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Lý giải về số người tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới ở Italia

Ở Italia, tỉ lệ người tử vong vì Covid-19 lên tới 10%, mức cao nhất thế giới nhưng không có nghĩa là cứ 10 người nhiễm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Guardian ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN