Nga toan tính gì khi tập trận với TQ ở Biển Đông?

Thông điệp cuộc tập trận chung Nga - Trung ở Biển Đông vào tháng tới phụ thuộc vào vị trí chính xác diễn ra.

Nga toan tính gì khi tập trận với TQ ở Biển Đông? - 1

Tàu chiến Trung Quốc tham gia tập trận Nga-Trung năm 2014.

Hồi đầu tuần này, Nga tuyên bố đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho cuộc tập trận Joint Sea 2016 với Trung Quốc tại Biển Đông, theo thông báo của Hải quân Nga được truyền thông nước này đăng tải ngày 22.8.

Người phát ngôn hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga Vladimir Matveyev tuyên bố cuộc tập trận chung này sẽ diễn ra trong 8 ngày (từ 12.9 – 19.9). Hải quân hai nước cũng sẽ tham gia vào các cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo, theo TASS.

Đây là cuộc tập trận chung thường niên lần thứ 5 giữa hai nước. Năm ngoái, Nga và Trung Quốc tiến hành tập trận ở biển Nhật Bản và Địa Trung Hải.

Thắt chặt quan hệ chiến lược

Nga và Trung Quốc cho biết cuộc tập trận nhằm mục đích tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược và không nhằm vào bên thứ ba nào. Tuyên bố này mang ý nghĩa nhất định.

Bởi hai nước không hình thành quan hệ đồng minh quân sự chính thức như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Tuy vậy, Trung Quốc nhiều năm qua đã trở thành quốc gia nhập khẩu khí tài quân sự lớn nhất từ Nga, bao gồm các động cơ máy bay chiến đấu.

Nga toan tính gì khi tập trận với TQ ở Biển Đông? - 2

Đội tàu Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC.

Có thể nói, Bắc Kinh dù là một nước lớn nhưng thiếu những người bạn tin cậy, ngoại trừ Pakistan. Nga cũng không có nhiều đồng minh, đặc biệt sau căng thẳng với Mỹ và phương Tây về vấn đề Syria và bán đảo Crimea. Vì vậy, theo lẽ tự nhiên, hai quốc gia láng giềng vô hình trung đã ngày càng trở nên gắn bó hơn.

Khi Bộ trưởng Quốc phòng hai bên gặp nhau tại Moscow vào tháng 4, ông Sergei Shoigu đã nói rằng hai nước sẽ tiến hành thêm các cuộc tập trận trong năm nay. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thì nói “theo giọng Trung Quốc” rằng tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết mà không có sự can thiệp của bên thứ ba hay nỗ lực quốc tế hóa vấn đề.

“Việc tái khẳng định mối quan hệ quân sự Nga-Trung, bao gồm cả Biển Đông diễn ra trong bối cảnh giới tinh hoa chính trị ở Bắc Kinh và Moscow tìm cách tái khởi động mối quan hệ song phương", ông Andrew O'Neil, chuyên gia hàng đầu của Úc về các vấn đề chiến lược châu Á tại trường Đại học Griffith nhận định.

Xét trên phương diện chiến lược, “tập trận Nga-Trung không giống như tập trận giữa các đồng minh, liên quan đến sự tin tưởng và chia sẻ kinh nghiệm mà chỉ nên được xem như một biểu tượng chính trị”, ông O'Neil nói thêm.

Cuộc tập trận “biểu hiện rõ rệt đối với mối liên kết chính trị giữa Bắc Kinh và Moscow, đối trọng với Mỹ. Mối quan hệ kinh tế cũng cung cấp động lực mạnh mẽ để hai bên tăng cường hợp tác về các vấn đề chiến lược”.

Địa điểm diễn ra tập trận mang ý nghĩa quan trọng

Địa điểm diễn ra tập trận Nga-Trung ở Biển Đông đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xác định mục đích thực sự của cả hai bên, theo tạp chí Diplomat.

Nga toan tính gì khi tập trận với TQ ở Biển Đông? - 3

Nga, Trung Quốc chưa tiết lộ vị trí chính xác diễn ra tập trận ở Biển Đông.

Cuộc tập trận diễn ra sau khi Toà trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Như vậy, cuộc tập trận ở Biển Đông năm nay có thể coi là hành động đáp ứng mong muốn của Trung Quốc giữa lúc nước này ngày càng bị quốc tế cô lập bởi thái độ bất chấp luật pháp quốc tế cũng như các hành vi đẩy mạnh quân sự hoá, khiêu khích ở Biển Đông, đi ngược lại mong muốn hoà bình, ổn định khu vực.

Moscow và Bắc Kinh có thể lựa chọn tập trận chung tại khu vực thuộc lãnh hải Trung Quốc nhằm tránh gây căng thẳng cho các nước láng giềng.

Nhưng nếu địa điểm diễn ra ở sâu xuống phía nam Biển Đông, gần hơn với quần đảo Hoàng Sa hoặc Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo đối với cộng đồng quốc tế, rằng Nga ngầm đứng về phía Trung Quốc, trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Tuy nhiên, Moscow hoàn toàn hiểu rõ thiệt hại về uy tín và lợi ích chiến lược đối nếu lựa chọn như vậy. Bởi điều này sẽ khiến các đối tác quay lưng, trong khi Nga hiện tại cũng không có nhiều bạn bè.

Vẫn còn cách khác để cả Nga và Trung Quốc cảm thấy hài lòng trước cuộc tập trận tại Biển Đông vào tháng tới. Đó là quyết định tâp trận diễn ra ở vùng biển không tranh chấp.

Khi đó, Trung Quốc vẫn có thể tập trận cùng Nga ở Biển Đông trong khi Nga vẫn giữ lập trường trung lập về vấn đề Biển Đông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN