Nếu Tần Thủy Hoàng không chết sớm, lịch sử Trung Quốc sẽ phải viết lại thế nào?

Sự nghiệp thống nhất Trung Quốc của Tần Thủy Hoàng khiến quá nhiều người phải chết và chính ông cũng bị ám ảnh bởi điều đó. Sau khi chinh phạt 6 nước chư hầu, Tần Thủy Hoàng lao vào một chiến mới: Chống lại tử thần.

Tần Thủy Hoàng chết giữa lúc đế quốc Tần chưa thực sự thống nhất (minh họa: Qulishi)

Tần Thủy Hoàng chết giữa lúc đế quốc Tần chưa thực sự thống nhất (minh họa: Qulishi)

Những năm cuối đời, Tần Thủy Hoàng tìm kiếm thuốc trường sinh trong tuyệt vọng. Ông muốn đế quốc của mình tồn tại đến “vạn thế” nhưng luôn lo sợ quý tộc các nước chư hầu trỗi dậy sau khi mình chết. Ông ra lệnh gom sách vở toàn quốc lại, đốt hết để dân các nước chư hầu không còn nhớ về nguồn cội, văn hóa nước mình.

Tuy nhiên theo Sử ký Tư Mã Thiên, ngoài sách lịch sử nước Tần, Tần Thủy Hoàng còn đặc biệt cho giữ lại các loại sách bói, sách thuốc. Ông muốn giới học giả bớt làm thơ ca, bàn tán về chính trị mà chỉ chuyên tâm nghiên cứu một thứ – phép trường sinh bất tử.

Sử ký chép, Hầu Sinh, Lư Sinh và Từ Phúc là những người được Tần Thủy Hoàng cử đi tìm thuốc trường sinh nhưng đều bỏ trốn. Tần Thủy Hoàng nói:

“Trước đây ta thu các sách trong thiên hạ, sách nào không dùng được thì bỏ đi, sai triệu tập tất cả những người có văn học và những phương sĩ, thuật sĩ rất đông muốn làm cho thiên hạ thái bình. Ta triệu tập bọn thuật sĩ là muốn họ tìm thuốc lạ. Nay bọn chúng bỏ đi không báo với ta”.

Từ Phúc lên đường tìm thuốc trường sinh cho Tần Thủy Hoàng (tranh: Sohu)

Từ Phúc lên đường tìm thuốc trường sinh cho Tần Thủy Hoàng (tranh: Sohu)

460 nhà nho ở kinh đô Hàm Dương sau đó bị Tần Thủy Hoàng trút giận, bắt đem chôn sống. Phù Tô – con trai cả Tần Thủy Hoàng – lên tiếng can ngăn, liền bị sai lên phía bắc cùng đại tướng Mông Điềm giám sát việc xây trường thành, chống Hung Nô. Sự kiện này xảy ra vào năm 212 TCN.

Không tìm được thuốc trường sinh, Tần Thủy Hoàng biết cái chết đến với mình là điều khó tránh khỏi, nhưng ông không muốn chấp nhận.

Sử ký chép, mùa thu năm 211 TCN, có người từ trong núi đi ra chặn đường sứ giả của Tần Thủy Hoàng nói: “Năm nay thì tổ long chết”. Tần Thủy Hoàng nghe chuyện, nín lặng hồi lâu rồi phán “Loài quỷ núi chẳng qua chỉ biết việc xảy ra trong một năm mà thôi”.

Năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng chết ở Sa Khâu, cách kinh đô Hàm Dương 2 tháng đi đường. Lúc này, công cuộc thống nhất Trung Quốc về mọi mặt của ông còn dở dang và quyền cai trị của nhà Tần vẫn chưa vững chắc.

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử, nếu Tần Thủy Hoàng không chết ở tuổi 49, lịch sử Trung Quốc chắn chắc sẽ phải viết lại.

Trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, 7 nước bao gồm Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, Tề, Sở, Tần liên tục gây chiến, tranh trừng lẫn nhau. Chiến tranh liên miên kéo dài hàng trăm năm khiến hàng vạn người phải bỏ mạng. Tuy nhiên chỉ trong vòng 25 năm sau khi lên ngôi, Tần Thủy Hoàng đã diệt xong cả 6 nước. Điều này cho thấy khả năng quân sự cũng như chính trị của ông.

Cuộc khởi nghĩa Trần Thắng – Ngô Quảng khiến nhà Tần nghiêng đổ (tranh: Wenshigu)

Cuộc khởi nghĩa Trần Thắng – Ngô Quảng khiến nhà Tần nghiêng đổ (tranh: Wenshigu)

Bằng quyền lực của mình, Tần Thủy Hoàng thực hiện một loạt cải cách trên các lĩnh vực hành chính – kinh tế – văn hóa – xã hội – tư tưởng, đặt nền móng cho chế độ phong kiến kéo dài 2.000 năm trong lịch sử Trung Quốc. Trước thời Tần Thủy Hoàng, sự thống nhất này là chưa từng có tiền lệ.

Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau khi Tần Thủy Hoàng chết, triều Tần đã bị lật đổ sau cuộc biến loạn của Triệu Cao – hoạn quan được ông tin cậy nhất.

Theo Sohu, nếu Tần Thủy Hoàng không chết ở Sa Khâu, Triệu Cao dù có 10 lá gan cũng không dám làm phản. Triệu Cao không làm phản, Phù Tô và đại tướng Mông Điềm cũng không tự sát. Nhưng kể cả những sự kiện đó không xảy ra, cơ ngơi nhà Tần có giữ được hay không vẫn là điều khó khẳng định.

Sử ký chép, “năm 211 TCN, có ngôi sao rơi từ trên trời xuống thì hóa thành đá. Bọn “đầu đen” (nông dân) khắc vào đá “Thủy Hoàng chết thì đất bị chia”. Thủy Hoàng nghe tin ấy, sai ngự sử tra hỏi, nhưng không ai thú, bèn bắt tất cả những người ở gần đó giết đi và nung chảy hòn đá”. Đây là dấu hiệu báo trước một cuộc khởi nghĩa nông dân sắp bùng nổ dưới sự áp bức của Tần Thủy Hoàng.

Năm 209 TCN, Trần Thắng – Ngô Quảng nhận lệnh đưa quân đi đóng ở Ngư Dương (Bắc Kinh ngày nay) nhưng gặp mưa lớn nên trễ hạn. Biết có cố đi đến nơi cũng không tránh khỏi tội chết, hai người bàn nhau mạo danh Phù Tô (đã chết) để thu phục lòng dân, dựng cờ khởi nghĩa.

Các thế lực chống Tần đua nhau trỗi dậy sau khi Tần Thủy Hoàng chết (minh họa: Kknews)

Các thế lực chống Tần đua nhau trỗi dậy sau khi Tần Thủy Hoàng chết (minh họa: Kknews)

Sau khi chiếm được huyện Trần (nước Trần cũ thời Xuân Thu) Trần Thắng và Ngô Quảng đã có tới hơn 700 cỗ chiến xa, kỵ binh hơn ngàn, binh sĩ mấy vạn người. Trong trận quyết chiến với tướng Tần là Chương Hàm ở Hàm Cốc, quân khởi nghĩa đã đông tới mấy mươi vạn.

Sau khi đủ vây cánh, Trần Thắng tự lập làm Trương Sở vương, phong cho Ngô Quảng là Giả vương. Một số tướng của Trần Thắng như Vũ Thần, Ngụy Cữu, Điền Đam đều tự lập làm Triệu vương, Ngụy vương, Tề Vương. Con cháu các nước chư hầu cũng ngóc đầu đậy, cùng hợp sức đánh nước Tần. Lưu Bang ở đất Bái, Hạng Vũ ở Cối Kê nhân lúc thiên hạ náo loạn, dấy binh khởi nghĩa.

Năm 208 TCN, Ngô Quảng đem quân đánh thành Huỳnh Dương nhưng không phá nổi. Chương Hàm dẫn 30 vạn quân Tần dẹp loạn, giao chiến ác liệt với quân khởi nghĩa ở Hàm Cốc. Ngô Quảng đại bại, bị các tướng lĩnh dưới quyền làm phản giết chết.

Chương Hàm phá tan đạo quân chủ lực của Ngô Quảng, thừa thắng xông lên đánh như trẻ tre. Các cánh quân còn lại của Trần Thắng liên tục tan vỡ. Trần Thắng cũng không đủ uy tín để tập hợp chư hầu cùng chống Tần. Tháng 10.208 TCN, trên đường bỏ chạy, Trần Thắng bị người đánh xe tên Trang Giả ám sát, dâng đầu cho Chương Hàm.

“Chiến thần” Hạng Vũ – người xứng đáng là đối thủ của Tần Thủy Hoàng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

“Chiến thần” Hạng Vũ – người xứng đáng là đối thủ của Tần Thủy Hoàng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Tuy thất bại, nhưng khởi nghĩa Ngô Quảng – Trần Thắng đã mở ra cơ hội giúp các nước chư hầu khôi phục thế lực. Lưu Bang, Hạng Vũ cũng tranh thủ củng cố lực lượng, tiêu diệt nước Tần.

Theo Sohu, nếu Tần Thủy Hoàng sống lâu hơn 10 năm, một cuộc chiến chống lại ách cai trị hà khắc của ông vẫn sẽ nổ ra nhưng với quy mô nhỏ hơn nhiều so với khởi nghĩa Trần Thắng – Ngô Quảng.

Tần Thủy Hoàng khi còn sống nắm quyền tổng chỉ huy quân đội. Bất cứ nơi nào làm phản, ông sẽ điều binh tới trấn áp ngay từ trong trứng nước. Giới quý tộc 6 nước chư hầu cũ cũng không dám nổi dậy dưới sự giám sát nghiêm ngặt của vua Tần.

Theo sử ký, thời Tần Nhị Thế Hồ Hợi, Triệu Cao lũng loạn triều đình, bưng bít thông tin. Đến khi quân Trần Thắng – Ngô Quảng đem 20 vạn quân vây khốn thành Huỳnh Dương, Tần Nhị Thế mới giật mình hỏi quần thần: “Bây giờ phải làm thế nào?”.

Không có viên đại tướng xuất sắc là Chương Hàm, nhà Tần đã không thể truyền nổi tới đời thứ 3, Sohu nhận xét.

Theo Wenshigu, nếu Tần Thủy Hoàng sống lâu thêm khoảng 10 năm, đối thủ chính của ông chỉ có thể là Hạng Vũ. Tuy nhiên trong cuộc chiến này, Hạng Vũ – một trong những “chiến thần” lừng lẫy nhất lịch sử Trung Quốc – sẽ thất bại dưới tay Tần Thủy Hoàng.

Xét về tài chỉ huy quân sự, Hạng Vũ được đánh giá cao hơn Tần Thủy Hoàng khi vừa có tài thao lược, vừa có võ nghệ, sức khỏe vô địch. Bằng chứng là đại tướng Chương Hàm nhà Tần giết được Hạng Lương nhưng bị Hạng Vũ đánh bại liên tiếp 9 trận, phải xin hàng.

Tần Thủy Hoàng không có kinh nghiệm xông pha trận mạc nhiều như Hạng Vũ. Ông thường ở lại Hàm Dương, chỉ đạo các viên tướng giỏi của mình như Mông Điềm, Mông Nghị, Vương Tiễn dẫn quân chinh phạt khắp nơi.

Tuy nhiên nếu Tần Thủy Hoàng không chết sớm, Mông Điềm cũng sẽ không tự sát theo Phù Tô và Mông Nghị cũng không bị Triệu Cao bức hại. Hai anh em đại tướng họ Mông này được đánh giá là đối thủ xứng tầm với Hạng Vũ. Dưới thời Tần Thủy Hoàng, họ đã lập nhiều chiến công như tiêu diệt nước Tề, đánh đuổi Hung Nô, giữ vững biên giới phía bắc nước Tần. Đặc biệt, Mông Điềm nổi tiếng thương yêu binh sĩ, có uy tín lớn trong quân đội.

Nếu Mông Điềm và Hạng Vũ giao chiến, hai bên rất khó phân định thắng bại. Nhưng xét về quân lực, quân Tần đông hơn hẳn và có sức chiến đấu vượt xa quân Sở. Theo Wenshigu, Tần Thủy Hoàng chỉ việc “ngồi mát”, điều 30 vạn quân chống giữ Hung Nô ở phía Bắc cùng 50 vạn quân đang xâm lược các vùng đất phía nam về là thừa đủ để đè bẹp đội quân chưa đầy 10 vạn của Hạng Vũ.

Lưu Bang nếu dám khởi nghĩa khi Tần Thủy Hoàng còn sống thì cũng sẽ bị đánh cho tơi bời. Theo Sử ký, đội quân ít ỏi của Lưu Bang không đủ sức chiến đấu với quân chủ lực Tần do Chương Hàm chỉ huy. Lợi dụng thời gian Chương Hàm giằng co với Hạng Vũ, Lưu Bang mới tiến được vào Hàm Dương. Nếu giao chiến với Chương Hàm, Lưu Bang cầm chắc thất bại.

Một số quan điểm cho rằng, nếu sống lâu hơn, Tần Thủy Hoàng sẽ truyền ngôi cho Phù Tô và triều Tần có thể tiếp tục đứng vững.

Liệu Phù Tô có kịp sửa chữa những sai lầm của Tần Thủy Hoàng? (tranh: Sohu)

Liệu Phù Tô có kịp sửa chữa những sai lầm của Tần Thủy Hoàng? (tranh: Sohu)

Sử ký của Tư Mã Thiên chép, năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng trở bệnh nặng. Ông viết thư gửi Phù Tô, nói “con về Hàm Dương lo liệu đám tang và chôn cất ta”. Điều này cho thấy Tần Thủy Hoàng tỏ rõ ý định muốn Phù Tô nối ngôi, cai trị nước Tần bằng nhân nghĩa.

Tuy nhiên theo Qulishi, dù sự kiện này có xảy ra, nhà Tần vẫn sẽ sụp đổ vì mất lòng dân. Tài năng của Phù Tô cũng bị đặt dấu hỏi khi ông tỏ ra quá nhu nhược, không nghe lời khuyên của Mông Điềm mà tự sát sau trò lừa phỉnh của Triệu Cao.

Khả năng Tần Thủy Hoàng truyền ngôi cho Phù Tô sau khi chết cũng rất thấp. Vị hoàng đế này quá say đắm quyền lực và chưa từng có ý định từ bỏ việc tìm thuốc trường sinh bất tử. Theo Sử ký, kể cả khi Hầu Sinh, Lư Sinh bỏ trốn, Từ Phúc đi biệt tăm, Tần Thủy Hoàng vẫn tự lên thuyền vượt biển để tìm đảo Bồng Lai trong huyền thoại, mong được gặp tiên.  

Tần Thủy Hoàng chết vào thời điểm công cuộc thống nhất Trung Quốc về mọi mặt sắp thu được thành tựu, cũng là lúc mâu thuẫn giữa người dân với triều Tần lên đến đỉnh điểm. Tần Thủy Hoàng mong muốn đế chế mình sáng lập có thể truyền đến “vạn thế”. Tuy nhiên ông không biết rằng, theo tiến trình của lịch sử, không triều đại phong kiến nào có thể tồn tại mãi mãi.

____________

Gia Cát Lượng là nhà quân sự, nhà chính trị kiệt xuất thời Tam quốc ở Trung Hoa, được cho là "mưu lược như thần". Nhiều người tiếc vì ông mất ở tuổi 53, khi công cuộc chinh phạt nhà Tào Ngụy còn dang dở. Nếu còn sống thêm, Gia Cát Lượng có thể làm được gì? Bài kỳ tới đăng sáng 9/11/2021 trên mục Thế giới sẽ bàn về chuyện này. Mời quý độc giả đón đọc!

Nguồn: [Link nguồn]

Thế giới sẽ ra sao nếu Thành Cát Tư Hãn không chết đột ngột?

Nhiều người tự đặt câu hỏi rằng nếu Thành Cát Tư Hãn không chết ở tuổi 65, liệu ông có chinh phục toàn bộ thế giới?...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN