NATO là tác nhân đẩy Nga-Mỹ vào chiến tranh hạt nhân?

Căng thẳng hiện nay giữa Nga và NATO nguy hiểm hơn thời Chiến tranh Lạnh, đe dọa dẫn đến chiến tranh hạt nhân, theo quan điểm của cựu quan chức cấp cao phương Tây.

NATO là tác nhân đẩy Nga-Mỹ vào chiến tranh hạt nhân? - 1

Một vụ thử bom hạt nhân.

Theo National Interest, trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, sự cân bằng về sức mạnh quân sự giữa NATO và Khối Warsaw (bao gồm các nước Liên Xô, Albania, Ba Lan, Bulgaria, Đông Đức, Hungary, Romania, Tiệp Khắc) cũng như việc Mỹ và NATO thiết lập kênh đối thoại trực tiếp với Liên Xô khiến căng thẳng luôn ở ngưỡng ổn định.

Ngày nay, tình hình căng thẳng Nga và phương Tây có nhiều biến động hơn trước, không chỉ đe dọa dẫn đến cuộc xung đột ở Đông Âu mà có thể nhanh chóng leo thang thành chiến tranh hạt nhân toàn cầu.

“Liệu Chiến tranh Lạnh đang trở lại?”, Tướng Richard Shirreff, cựu Phó Tư lệnh NATO ở châu Âu phát biểu tại Viện Brookings ở Washington (Mỹ) ngày 19.10. “Tôi nghĩ rằng nó còn nguy hiểm hơn thế”.

Phương Tây lộ nhiều điểm yếu

Tướng Shirreff nói rằng các quốc gia Tây Âu có nền kinh tế khá ổn định nhưng quân sự và chính trị lại tương đối yếu. Điểm yếu đó chính là cơ sở để Nga thử thách phương Tây.

Cuộc chiến Georgia năm 2008 đã thể hiện rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đưa ra các quyết định cứng rắn, đặc biệt với các nước láng giềng. “Moscow tôn trọng sức mạnh và khinh thường sự yếu đuối”, ông Shirreff nói.

Theo quan điểm của tướng Shirreff, Nga sẽ tiếp tục khai thác điểm yếu và chia rẽ phương Tây. Ông Putin muốn tạo ra khoảng cách giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu. Do đó, Moscow có thể sẽ thử thách cách phương Tây giải quyết vấn đề với các quốc gia vùng Baltic, đe dọa dẫn đến chiến tranh hạt nhân một khi Điều khoản số 5 của NATO được kích hoạt.

NATO là tác nhân đẩy Nga-Mỹ vào chiến tranh hạt nhân? - 2

Lực lượng NATO chưa thể răn đe Nga hiệu quả.

“Nếu Nga đưa một người lính qua biên giới của các nước vùng Baltic thì có nghĩa là Mỹ đang ở trong tình trạng chiến tranh”, ông Shirreff nói. “Do đó, rủi ro chiến tranh hạt nhân là không thể phủ nhận”.

Tướng Shirreff thừa nhận rằng, nhận định Nga có thể xâm lược các quốc gia Baltic vẫn còn xa vời. “Nhưng rõ ràng, phương Tây cần phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”.

Tướng Anh hoan nghênh việc các nước Baltic gia nhập NATO nhưng phương Tây không nên hứa với Ukraine và Georgia về khả năng này như trong năm 2008. Chính lời hứa đó đã dẫn đến những hành vi hiếu chiến của Nga.

Ông Shirreff nhận định, Nga đã tin vào một cuộc chiến tranh với Mỹ. Việc Nga được cho là tấn công mạng vào chính phủ Mỹ, tác động đến cuộc bầu cử Mỹ là một phần trong cuộc chiến tranh mới giữa hai cường quốc.

“Tấn công mạng nhằm vào dữ liệu Đảng dân Chủ để gây mất ổn định, làm suy yếu sự toàn vẹn của cuộc bầu cử quốc gia tương đương với hành động chiến tranh trong thế kỷ 21”, cựu quan chức NATO nói.

Phương Tây phải tự bảo vệ mình

Ông Shirreff cho rằng, vẫn chưa quá muộn để kiềm chế Điện Kremlin. Điều quan trọng là NATO phải làm cho Nga tin rằng châu Âu có thể tự bảo vệ mình thay vì phụ thuộc vào Mỹ.

NATO là tác nhân đẩy Nga-Mỹ vào chiến tranh hạt nhân? - 3

Nga hoàn toàn có thể chiếm thủ đô các nước vùng Baltic trong chưa đầy 60 giờ.

NATO cần phải tăng cường sự hiện diện ở các quốc gia Baltic, không chỉ với 4 tiểu đoàn đa nhiệm như kế hoạch gần đây mà là một lữ đoàn chiến đấu kết hợp sức mạnh không quân và hải quân, tướng Anh phân tích.

Theo ông Shirreff Lực lượng này cũng phải liên kết với quân đội ở các nước sở tại. “NATO cần phải chứng minh rằng liên minh có kế hoạch phòng thủ đáng tin cậy, chịu được sự thử thách của hoạt động tác chiến”.

NATO cũng cần phải phát triển lực lượng đặc nhiệm luôn trong trạng thái sẵn sàng cao độ để hỗ trợ cho lữ đoàn thường trực ở vùng Baltic. Tuy vậy, ông Shirreff không nêu rõ NATO cần một lực lượng đặc nhiệm quy mô như thế nào.

Khả năng được cựu quan chức NATO đề cập đến là việc hỗ trợ binh sĩ ở vùng Baltic bằng đường biển. Nhưng lực lượng Nga có thể khống chế hầu hết hệ thống đường thủy trong khu vực với tên lửa chống hạm Bastion-P.

Một lựa chọn khác là tung đoàn xe bọc thép qua vùng Kaliningrad để giảm sức ép cho các đồng minh. Nhưng lựa chọn này là hết sức nguy hiểm bởi Nga có thể phản ứng bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật ngay khi quân đồng minh đặt chân lên lãnh thổ Nga.

Tướng Anh muốn các nước thành viên NATO tăng cường chi tiêu quốc phòng. Bởi Mỹ đang phải “oằn mình” gánh khoản phí khổng lồ này. Việc các nước châu Âu cam kết tăng cường chi tiêu quốc phòng thêm 2% trong 10 năm là quá ít, ông Shirreff nói.

Cuối cùng, để ngăn không cho tình hình châu Âu càng trở nên tồi tệ, dẫn đến một cuộc chiến tranh mở, NATO cần phải đưa ra giải pháp răn đe hiệu quả. NATO cần phải vạch ra ranh giới đỏ mà Moscow không được vượt qua. Lãnh thổ NATO cần phải được bảo vệ và Nga đừng nghĩ về điều này, ông Shirreff nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - NI ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN