Myanmar: Bà Suu Kyi bị cáo buộc phạm tội nặng

Chính quyền quân sự Myanmar hôm 11.3 cáo buộc bà Aung San Suu Kyi có hành vi nhận hối lộ và tham nhũng. Theo cáo buộc, bà Suu Kyi sở hữu khối tài sản bất hợp pháp trị giá hơn 600.000 USD và hơn 10 kg vàng.

Zaw Min Tun – phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar (ảnh: Reuters)

Zaw Min Tun – phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar (ảnh: Reuters)

Zaw Min Tun – phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar – cho biết, giới chức nước này đang điều tra cáo buộc bà Suu Kyi tham nhũng và nhiều người có liên quan sẽ bị cảnh sát thẩm vấn.

“Chúng tôi đang xác minh và điều tra về cáo buộc tham nhũng đối với bà Aung San Suu Kyi. Ủy ban chống tham nhũng quốc gia đã vào cuộc”, ông Min Tun nói.

Ông Min Tun cho hay, cựu Thủ hiến vùng Yangon – ông Phyo Min Thein – là người đệ đơn tố cáo bà Aung San Suu Kyi có hành vi tham nhũng và nhận hối lộ. Tham ô và nhận hối lộ là tội danh có hình phạt rất nặng ở Myanmar.

Aye Ma Ma Myo – thành viên của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) – bác bỏ cáo buộc mới nhất của chính quyền quân sự nhằm vào bà Suu Kyi.

“Những lời vu khống nhằm vào bà Suu Kyi của chính quyền quân sự đã không còn là chuyện lạ. Họ đang muốn đè bẹp đảng NLD và tước quyền lực của những đại biểu dân cử”, bà Ma Myo nói.

Kể từ sau vụ đảo chính hôm 1.2, bà Suu Kyi được cho là vẫn bị quân đội Myanmar quản thúc tại gia và chưa một lần xuất hiện trước công chúng.

Người dân Myanmar dựng hàng rào bằng gạch nhằm cản bước cảnh sát (ảnh: Reuters)

Người dân Myanmar dựng hàng rào bằng gạch nhằm cản bước cảnh sát (ảnh: Reuters)

Hôm 11.3, ít nhất 8 người biểu tình phản đối đảo chính đã thiệt mạng do đụng độ với cảnh sát ở Myanmar. Phong trào biểu tình ở 2 thành phố lớn nhất Myanmar là Yangon và Mandalay không hề có dấu hiệu hạ nhiệt, bất chấp thương vong ngày càng tăng.

“Chúng tôi phản đối chính quyền quân sự một cách ôn hòa, nhưng cảnh sát dùng súng bắn vào chúng tôi”, một người biểu tình 31 tuổi ở Yangon nói với Reuters.

Phát ngôn viên Zaw Min Tun cho rằng, chính quyền quân sự đã yêu cầu cảnh sát chỉ sử dụng vũ lực để giải tán người biểu tình “khi cần thiết”.

“Một số nhân viên thuộc lực lượng an ninh có hành động quá khích với người biểu tình đã bị kỷ luật và trừng phạt. Bất ổn chính trị ở Myanmar không phải điều quá đáng lo ngại. Nhiều nước phương Tây đang thổi phồng sự việc và đưa ra những cáo buộc không chính xác”, ông Min Tun nói.

“Chính quyền quân sự sẽ chỉ nắm quyền kiểm soát đất nước trong một thời gian nhất định. Chúng tôi sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực cho bên chiến thắng. Chúng tôi đang trên con đường đi đến nền dân chủ đích thực”, ông Min Tun nói thêm.

Trước đó, quân đội Myanmar cam kết sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới trong vòng 1 năm kể từ sau vụ đảo chính.

Nguồn: [Link nguồn]

Dịch bệnh giết hàng triệu con lợn là nguyên nhân khiến Covid-19 bùng phát mạnh ở TQ?

Khi nguồn cung thịt lợn giảm mạnh do hàng triệu con lợn bị giết, cũng là lúc dịch Covid-19 âm thầm lây lan ở Trung Quốc,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – Reuters ([Tên nguồn])
Đảo chính quân sự ở Myanmar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN