Mỹ, Philippines thắt chặt quan hệ đồng minh vì an ninh Biển Đông

Mỹ và Philippines nỗ lực thắt chặt quan hệ đồng minh lâu năm trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông leo thang.

Ngày 23-11, quân đội Philippines và Mỹ đã kết thúc cuộc tuần tra chung kéo dài ba ngày trên Biển Đông. Đây được xem là một trong những bước đi đáng chú ý của hai nước nhằm thắt chặt mối quan hệ đồng minh lâu năm, trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông leo thang.

Mỹ - Philippines tăng hợp tác ở Biển Đông

Mới đây, ngày 21-11, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. thông báo quân đội Philippines và Mỹ khởi động cuộc tuần tra chung trên Biển Đông trong ba ngày, theo hãng tin Reuters. Trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), Tổng thống Marcos gọi cuộc tuần tra chung trên biển và trên không ở Biển Đông giữa lực lượng vũ trang Philippines và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, diễn ra đến hết ngày 23-11, là một “sáng kiến quan trọng”.

Bình luận về cuộc tuần tra chung giữa Mỹ và Philippines trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Mao Ninh nói: “TQ đã thể hiện rõ lập trường của mình với Philippines và Mỹ rằng các cuộc tuần tra chung của Philippines và Mỹ không được gây tổn hại đến chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền và lợi ích hàng hải của TQ”.

Ông Marcos nhấn mạnh cuộc tuần tra là “minh chứng cho cam kết của chúng tôi với việc tăng cường khả năng tương tác giữa các lực lượng quân sự trong hoạt động tuần tra trên biển và trên không”. “Thông qua những nỗ lực hợp tác, chúng tôi mong muốn tăng cường an ninh khu vực và thúc đẩy quan hệ đối tác liền mạch với Mỹ nhằm bảo vệ lợi ích của chúng tôi” - theo tổng thống Philippines.

Quân đội Philippines cho hay cuộc tuần tra chung bắt đầu ở khu vực ngoài khơi quần đảo Batanes và hướng về phía tây tới Biển Đông. Philippines triển khai ba tàu hải quân, hai máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 và một máy bay tấn công hạng nhẹ A-29B Super Tucano, trong khi Mỹ huy động một tàu chiến đấu ven biển và một máy bay tuần tra, trinh sát hàng hải P9-A.

Hạm đội 7 Hải quân Mỹ cho biết cuộc tuần tra là một phần trong hoạt động tương tác thường lệ của Mỹ với các đồng minh và đối tác nhằm “bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, theo hãng tin AP.

Ý tưởng về cuộc tuần tra chung trên Biển Đông được đưa ra trong cuộc đối thoại giữa hải quân Mỹ và Philippines vào năm ngoái, theo trang USNI.

Trong một diễn biến khác, hôm 21-11, một quan chức cấp cao Philippines (giấu tên) nói với tờ Nikkei Asia rằng Mỹ và Philippines đã bắt đầu thảo luận không chính thức về cấu trúc của xác tàu chiến BRP Sierra Madre bị mắc kẹt ở bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), như một phần trong nỗ lực soạn thảo kế hoạch sửa chữa cụ thể con tàu này. Tuy nhiên, quan chức này nói rằng Philippines vẫn mong muốn phần lớn công việc sửa chữa con tàu sẽ do nước này đảm nhận vì “sự hỗ trợ của Mỹ càng rõ ràng thì Trung Quốc (TQ) sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn”.

Xác tàu chiến BRP Sierra Madre là nguồn cơn chính gây căng thẳng gần đây giữa TQ và Philippines. Đầu tháng này, Manila cáo buộc một tàu TQ bắn vòi rồng vào một tàu Philippines gần bãi Cỏ Mây. Hồi tháng 10, tàu TQ và tàu Philippines đã va chạm tại khu vực này.

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 của Philippines tham gia tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông hôm 21-11. Ảnh: KHÔNG QUÂN PHILIPPINES/AP

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 của Philippines tham gia tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông hôm 21-11. Ảnh: KHÔNG QUÂN PHILIPPINES/AP

Mối quan hệ hai chiều

Các động thái trên là một phần trong nỗ lực thắt chặt quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines. Trước đó, vào đầu năm nay, Philippines tuyên bố cho phép Mỹ tiếp cận thêm bốn căn cứ quân sự theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA), nâng tổng số căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines mà Mỹ có thể tiếp cận lên chín. Washington và Manila cũng đang đàm phán để cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận thêm nhiều căn cứ ở Philippines, theo Reuters.

Ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Hàng hải và Luật Biển (Philippines), nhận định cuộc tuần tra chung với Mỹ cho thấy Manila đang củng cố lập trường của mình về Biển Đông, theo Reuters.

“Điều đó cho thấy Philippines đang thực sự củng cố lập trường của mình trong các vấn đề ở Biển Đông. Tôi cho rằng (cuộc tuần tra) thể hiện quyết tâm của chính quyền hiện tại trong việc theo đuổi chính sách mạnh mẽ hơn đối với Biển Đông” - ông Batongbacal nói.

GS Zachary Abuza tại ĐH Chiến tranh quốc gia Mỹ cho biết mối quan hệ liên minh là một con đường hai chiều. “Trong khi Mỹ cung cấp năng lực răn đe mở rộng cho Philippines, Philippines có nghĩa vụ cải thiện khả năng quân sự của mình để có thể đóng vai trò là một đồng minh hiệp ước đáng tin cậy và có khả năng tương tác hơn trong khu vực” - theo ông Abuza.

Mỹ, Philippines thúc đẩy hợp tác kinh tế, năng lượng

Bên cạnh vấn đề an ninh, Mỹ và Philippines cũng thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực kinh tế và năng lượng. Tuần rồi, hai nước ký kết thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với tên gọi Thỏa thuận 123, bên lề hội nghị lãnh đạo các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 tại TP San Francisco (Mỹ).

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết thỏa thuận hạt nhân trên sẽ cho phép Mỹ chuyển giao công nghệ, vật liệu, thiết bị và thông tin hạt nhân cho Philippines để giúp nước này đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng.

Theo tờ The Japan Times, thỏa thuận mang tính biểu tượng cho mối quan hệ Mỹ - Philippines mạnh mẽ hơn không chỉ về mặt an ninh mà còn trên các lĩnh vực kinh tế, phát triển và cơ sở hạ tầng.

Hai bên cũng công bố quan hệ đối tác mới nhằm đa dạng hóa chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ - Nhật - Philippines tiến tới liên kết an ninh 3 bên

Mỹ - Nhật - Philippines đang nỗ lực thiết lập liên kết an ninh ba bên nhằm đối phó với căng thẳng trên các vùng Biển Đông, biển Hoa Đông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨNH KHANG ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN