Mỹ chính thức bắt đầu 180 ngày rút khỏi Hiệp ước INF với Nga

NATO tuyên bố các đồng minh Mỹ “hoàn toàn ủng hộ” quyết định của Mỹ, đề nghị Nga tận dụng 180 ngày này để quay lại tuân thủ INF nhằm bảo toàn Hiệp ước.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 1-2 thông báo Mỹ chính thức bắt đầu tiến trình 180 ngày rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với Nga - một hiệp ước quan trọng với an ninh châu Âu từ thời chiến tranh lạnh.

"Nhiều năm trời Nga đã vi phạm các điều khoản của INF mà không nghĩ lại. Các vi phạm của Nga đặt hàng triệu người dân châu Âu và Mỹ vào rủi ro lớn” - CNN dẫn lời ông Pompeo phát biểu tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 1-2.

“Bổn phận của chúng tôi là có phản ứng thích hợp” - ông Pompeo nói thêm rằng Mỹ đã cho Nga “dư thời gian” để quay lại tuân thủ Hiệp ước.

Nga vẫn còn cơ hội

Tiến trình rút khỏi INF của Mỹ bắt đầu từ ngày 2-2 (giờ Mỹ) và sẽ kéo dài 180 ngày, trừ khi Nga quay lại tuân thủ Hiệp ước hai nước đã ký năm 1987, theo ông Pompeo.

Mỹ chính thức bắt đầu 180 ngày rút khỏi Hiệp ước INF với Nga - 1

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo bắt đầu tiến trình rút khỏi Hiệp ước INF kéo dài 180 ngày. Ảnh: AP

Ý định rút khỏi INF đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều quan chức cấp cao chính phủ Trump đề cập đến nhiều tháng nay, với lý do Nga có nhiều vi phạm nghiêm trọng kể từ năm 2014.

Ngày 1-2 ông Trump cũng ra tuyên bố về chuyện này.

“Mỹ đã hoàn toàn tuân thủ INF trong hơn 30 năm, nhưng chúng tôi sẽ không kiềm chế theo các điều khoản của Hiệp ước nữa trong khi Nga hành động sai. Chúng tôi không thể là nước duy nhất trên thế giới đơn phương bị giới hạn vì Hiệp ước này, hay vì bất cứ hiệp ước nào” - CNN dẫn tuyên bố của ông Trump.

Họp báo sau đó tại Nhà Trắng, ông Trump nói với các nhà báo rằng ông cởi mở thương lượng về một hiệp ước mới, nhưng không đề cập đến tên Nga - nước duy nhất ký INF với Mỹ.

“Tôi hy vọng có thể đưa mọi người tập trung đến một phòng lớn và đẹp và bàn về một hiệp ước mới tốt hơn nhiều, chắc chắn tôi muốn thấy điều đó” - ông Trump nói.

Nhiều quan chức và nghị sĩ Mỹ lo ngại INF sẽ kiềm chế Mỹ trong khi cho phép Trung Quốc - không phải thành viên Hiệp ước – có lợi thế quân sự. Ngày 1-2 ông Trump một lần nữa nhắc lại điều này, rằng “điều đầu tiên là phải thêm các nước” vào Hiệp ước.

NATO hoàn toàn ủng hộ

NATO ngày 1-2 ra tuyên bố cho biết các đồng minh Mỹ “hoàn toàn ủng hộ” quyết định của Mỹ vì sự đe dọa của Nga đến an ninh châu Âu-Đại Tây Dương cũng như việc Nga từ chối có các bước đi quay lại tuân thủ toàn diện và có thể thẩm tra được.

NATO đề nghị Nga nên tận dụng thời gian 180 ngày này để “quay lại tuân thủ toàn diện và có thể thẩm tra INF nhằm bảo toàn Hiệp ước”.

Nga trước sau vẫn bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng mình vi phạm Hiệp ước. Ngày 31-1 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tỏ ý lấy làm tiếc rằng các cuộc nói chuyện với Mỹ đã không mang lại kết quả.

Mỹ chính thức bắt đầu 180 ngày rút khỏi Hiệp ước INF với Nga - 2

Nga tuyên bố sẽ không ngồi yên nếu Mỹ đưa tên lửa đến châu Âu sau khi rút khỏi INF. Ảnh: SPUTNIK

Thông báo chính thức của ông Pompeo đã báo động nhiều chuyên gia kiểm soát vũ khí.

“Chúng ta đang tiến tới con đường mà chúng ta chưa từng đi 40 năm qua: không có giới hạn hay luật lệ kiểm soát vũ khí mà cả hai tuân thủ, và điều này rất nguy hiểm” - theo ông Lynn Rusten - Giám đốc cấp cao về kiểm soát vũ khí và không phổ biến hạt nhân tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời chính phủ Obama.

Hiệp ước INF được ký chỉ giữa Nga và Mỹ nhưng nó lại có ảnh hưởng lớn đến an ninh châu Âu.

Hiệp ước INF được Mỹ và Liên bang Xô viết ký năm 1987, bắt đầu thực hiện năm 1988. Theo hiệp ước, hai nước phải ngừng sản xuất, triển khai và sử dụng các loại tên lửa thông thường và hạt nhân tầm ngắn và tầm trung phóng từ mặt đất. Hiệp ước được xem là một thỏa thuận có tầm quan trọng rất lớn thời Chiến tranh lạnh, giúp chặn cuộc chạy đua vũ trang giữa hai nước.

Đây là cách Putin trả đũa nếu Trump rút khỏi hiệp ước hạt nhân

Nga sẽ phát triển các tên lửa bị cấm trong khuôn khổ Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) nếu Mỹ rút khỏi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Ân ([Tên nguồn])
Quan hệ Nga - Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN