Mắc bệnh sắp liệt, bác sĩ viện trưởng tả xung hữu đột giữa tâm dịch Vũ Hán

Dù mắc bệnh xơ cứng teo cơ bên trái (ALS) nhưng bác sĩ Trương Định Vũ quyết bám trụ bệnh viện ở TP Vũ Hán - Trung Quốc để cứu chữa cho bệnh nhân.

Nhân viên bệnh viện Kim Ngân Đàm nói rằng không ai có thể bắt kịp bác sĩ Trương những khi nghe báo có ca bệnh nặng. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Nhân viên bệnh viện Kim Ngân Đàm nói rằng không ai có thể bắt kịp bác sĩ Trương những khi nghe báo có ca bệnh nặng. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Có lẽ không có siêu nhân nào có thể cứu căn bệnh nan y cho bác sĩ Trương Định Vũ (57 tuổi). Thế nhưng, thời gian vừa qua, vị viện trưởng bệnh viện Kim Ngân Đàm biến thành siêu nhân tả xung hữu đột ở một trong những "chiến trường chính" của cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (nCoV).

Chạy đua với thời gian

Ông Trương không còn nhiều thời gian vì căn bệnh xơ cứng teo cơ bên trái (ALS) sẽ sớm khiến ông mất dần sức lực ở các cơ, cuối cùng bị liệt, không thể nói, di chuyển, nuốt, thở. Gần đây, đôi chân ông suy yếu, đôi lúc phải nắm chặt, men theo tay vịn khi lên xuống cầu thang. 

Vị bác sĩ nói rằng "ALS giống như thanh gươm lơ lửng trên đầu. Tôi muốn đóng góp toàn bộ sức lực còn lại, chạy đua với thời gian cứu chữa người bệnh". Do đó, bác sĩ Trương "phải chạy nhanh hơn nữa để giúp thêm nhiều bệnh nhân hồi phục".

Nghiên cứu các tài liệu về ALS, ông thấy rằng có thể chỉ sống thêm 5-10 năm nữa. Bác sĩ Trương tâm sự: "Ai biết được. Đó là lý do tôi đặc biệt quý trọng từng phút, đi dạo, ngâm mình trong ánh nắng hoặc làm việc cùng đồng nghiệp".

Bác sĩ Trương chia sẻ: "Tất cả đồng nghiệp đều biết cái tính nóng nảy của tôi. Tôi trở nên nóng nảy vì tôi không còn nhiều thời gian nữa". Ông nóng tính hơn thường ngày, yêu cầu bác sĩ, y tá báo cáo tình trạng người bệnh nhanh chóng, chính xác. 

"Nếu không, ông ấy sẽ mắng. Nhưng nhờ hành động kiên quyết, táo bạo của ông, nhân viên trong bệnh viện luôn tìm đến ông khi gặp khó khăn vì bác sĩ Trương luôn đưa ra giải pháp" – Trương Lý, một trưởng khoa tại bệnh viện Kim Ngân Đàm, chia sẻ.

Ông chưa từng tiết lộ tình hình bệnh tật của mình với đồng nghiệp kể từ khi ông mắc chứng ALS năm 2018. Ông nói dối rằng vừa phẫu thuật đầu gối. 

Tuy nhiên, ngày càng nhiều người phát hiện ông đi đứng rất lạ khi lên xuống cầu thang. Viện trưởng Trương đành phải kể với mọi người tình trạng của mình sau khi nhiều người gặng hỏi. Đến y tá trưởng bệnh viện không thể tin nổi khi nghe về bệnh tình vì ông đi lại rất nhanh.

Có ngày bác sĩ Trương ngủ chưa đến hai giờ trước khi thức dậy giữa tiếng chuông cấp cứu. Ảnh: NHẬT BÁO HỒ BẮC

Có ngày bác sĩ Trương ngủ chưa đến hai giờ trước khi thức dậy giữa tiếng chuông cấp cứu. Ảnh: NHẬT BÁO HỒ BẮC

Gần đây, đôi chân ông suy yếu, đôi lúc phải nắm chặt, men theo tay vịn khi lên xuống cầu thang. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Gần đây, đôi chân ông suy yếu, đôi lúc phải nắm chặt, men theo tay vịn khi lên xuống cầu thang. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Chỉ gặp vợ nhiễm virus 30 phút

Bác sĩ Trương luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ kể từ tháng 12-2019 sau khi một số trường hợp bị bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân bắt đầu được ghi nhận tại các bệnh viện ở Vũ Hán. Ông chỉ đi ngủ lúc 1-2 giờ sáng, thức dậy lúc 6 giờ vì phải xử lý công việc. Nhiều hôm ông chỉ nằm được 2 tiếng đồng hồ lại bật dậy để trả lời các cuộc gọi khẩn cấp. 

Sau khi làm việc suốt 22 ngày, bác sĩ Trương nhận tin vợ nhiễm virus corona khi làm việc tại một bệnh viện khác ở Vũ Hán. Ba ngày sau khi vợ nhập viện, ông mới có thời gian đến thăm và chỉ ở lại cùng vợ trong 30 phút. 

Ông nói: "Tôi thấy tội lỗi. Có thể tôi là một bác sĩ tốt nhưng không phải là người chống tốt. Chúng tôi kết hôn 28 năm. Tôi rất sợ mất bà ấy". May mắn, sau khi được điều trị, vợ ông đã khỏi bệnh.

Vợ chồng bác sĩ Trương. Ảnh: ĐÔNG PHƯƠNG

Vợ chồng bác sĩ Trương. Ảnh: ĐÔNG PHƯƠNG

Đây không phải lần đầu tiên bác sĩ Trương dấn thân trong 33 năm làm nghề. Năm 2008, ông dẫn đội ngũ y bác sĩ từ Hồ Bắc đến giúp các bệnh nhân ở Tứ Xuyên sau trận động đất kinh hoàng. Ông từng tham gia đội bác sĩ Trung Quốc cứu trợ Algeria. Năm 2011, ông làm việc tại bệnh viện ở Pakistan để giúp đỡ người dân nơi đây.

Sau cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã giữa đợt dịch virus corona, bác sĩ Trương quay người, lặng lẽ lê bước về khu cách ly, chậm mà chắc, với hy vọng góp sức đánh thắng dịch bệnh khi ông vẫn còn có thể di chuyển.

Là một trong những bệnh viện của Vũ Hán được chỉ định tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus corona, Kim Ngân Đàm chủ yếu nhận những ca nguy kịch. Theo Tân Hoa Xã, đến 10 giờ ngày 2-2, bệnh viện tiếp nhận 581 bệnh nhân, hơn 200 người trong số đó trong tình trạng nguy kịch.

Nguồn: [Link nguồn]

Bác sĩ 28 tuổi đột tử sau 10 ngày đối phó virus corona

Bác sĩ Tống Anh Kiệt (28 tuổi) ở tỉnh Hồ Nam –Trung Quốc đột tử do làm việc quá sức sau 10 ngày liên tiếp chống chọi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.Bình (Theo Tân Hoa Xã) ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN