Loại vũ khí tấn công từ trên trời của Nga có thể phá hủy “hỏa thần" HIMARS ở Ukraine

Pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Mỹ cung cấp đang là vũ khí uy lực nhất trong tay quân đội Ukraine và cũng là mục tiêu ưu tiên tìm diệt của Nga trên chiến trường.

Mẫu UAV cảm tử Lancet-3 của Nga.

Mẫu UAV cảm tử Lancet-3 của Nga.

“Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu gần đây nói ưu tiên của quân đội Nga hiện tại là phá hủy các vũ khí tấn công tầm xa mà phương Tây viện trợ cho Ukraine”, Samuel Bendett, chuyên gia am hiểu về máy bay không người lái (UAV) của Nga tại Viện nghiên cứu CNA có trụ sở ở Mỹ, nói.

“Nga có thể sẽ cần hoặc sớm đưa các UAV cảm tử vào chiến trường với nhiệm vụ tìm và diệt các hệ thống HIMARS”, ông Bendett nhận định, theo tạp chí Forbes.

Xác định vị trí và phá hủy các hệ thống HIMARS không phải là điều dễ dàng. Pháo phản lực HIMARS vận hành cơ động bởi trọng lượng nhẹ, tốc độ di chuyển lớn do ống phóng đặt trên khung gầm bánh lốp. HIMARS cũng có tầm bắn xa, ngay sau khi khai hỏa sẽ di chuyển khiến đối phương chưa kịp nắm bắt mục tiêu thông qua radar phản pháo.

UAV cảm tử hay đạn tuần kích rất hiếm khi được Nga sử dụng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nhưng loại vũ khí chuyên biệt này có thể sẽ xuất hiện thường xuyên hơn trong thời gian tới, với nhiệm vụ tìm diệt các hệ thống HIMARS.

UAV Lastochka-M do quân đội Ukraine thu thập hôm 19.7.

UAV Lastochka-M do quân đội Ukraine thu thập hôm 19.7.

UAV cảm tử vận hành linh hoạt hơn, có thể vừa đóng vai trò trinh sát, vừa tấn công mục tiêu. Binh sĩ Nga điều khiển UAV cảm tử sẽ liên tục tìm kiếm vị trí mục tiêu tiềm tàng mà không cần biết mục tiêu ở đâu khi bắt đầu nhiệm vụ, khác với tên lửa hành trình cần biết rõ tọa độ mục tiêu khi phóng.

UAV cảm tử phổ biến nhất của Nga hiện nay là KUB, theo Forbes. KUB là sản phẩm của công ty ZALA Aero - một thành viên của tập đoàn vũ khí Kalashnikov. 

KUB mang đầu đạn nặng 3kg, có thể hoạt động liên tục trong 30 phút và đạt tốc độ tối đa 130km/giờ. Trong xung đột ở Ukraine, Nga đã đăng tải một số video về hoạt động chiến đấu của UAV cảm tử KUB.

Trong video do một máy bay không người lái khác quay lại, UAV cảm tử KUB được biểu thị là một chấm nhỏ hình tam giác, lao rất nhanh về mục tiêu trước khi phát nổ, Forbes cho biết. 

Pháo phản HIMARS do Mỹ cung cấp cho Ukraine.

Pháo phản HIMARS do Mỹ cung cấp cho Ukraine.

Một UAV cảm tử khác cũng được Nga sử dụng trên chiến trường Ukraine là mẫu Lancet-3. Ưu điểm của UAV cảm tử Lancet-3 là thiết kế hiện đại hơn mẫu KUB và có thể tự hoạt động không cần con người can thiệp. Ngoài khả năng tấn công mục tiêu dựa trên tọa độ GPS và điều khiển từ xa, Lancet-3 có chế độ tự động tuần tra quanh một khu vực chỉ định sẵn, sử dụng camera để xác định mục tiêu.

Theo Forbes, khả năng vận hành tự động khiến Lancet-3 rất phù hợp để tìm diệt các hệ thống HIMARS, vốn luôn được quân đội Ukraine giấu kín. Với khung gầm bánh lốp, hệ thống HIMARS sẽ khó có thể di chuyển ở khu vực đường xấu, phải tận dụng tối đa đường nhựa. Đây là manh mối để các UAV cảm tử Nga tìm diệt hệ thống HIMARS.

Nhưng theo Forbes, vấn đề là Nga không có sẵn một lượng lớn UAV cảm tử. “Nga cần hàng trăm UAV cảm tử để tạo ra mối đe dọa với quân đội Ukraine”, chuyên gia Bendett nhận định.

Một giải pháp khác là Nga có thể sử dụng các UAV vũ trang như Lastochka-M. Đây là mẫu UAV có hai giá treo đạn nổ cỡ nhỏ. Lastochka-M có thể hoạt động liên tục nhiều giờ đồng hồ, với đạn nổ đủ để phá hủy một hệ thống HIMARS.

Hôm 19.7, quân đội Ukraine thông báo đã thu giữ một UAV Lastochka-M của Nga và sẽ mổ xẻ mẫu UAV này để nghiên cứu.

Theo Forbes, việc Nga gần đây bày tỏ sự quan tâm đối với các mẫu máy bay không người lái của Iran là dấu hiệu cho thấy Nga đang rất cần các mẫu UAV vũ trang và UAV cảm tử. Loại vũ khí tấn công từ trên trời này hứa hẹn sẽ tạo ra mối đe dọa với các hệ thống HIMARS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ tuyên bố gửi thêm pháo phản lực HIMARS cho Ukraine

Tổng số hệ thống pháo phản lực HIMARS mà Mỹ thông báo chuyển giao cho Ukraine đã tăng lên 16, theo tuyên bố mới nhất của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào ngày 20.7.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Forbes ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN