Liên hợp quốc đối mặt với cuộc rút quân "chưa từng có" khỏi một quốc gia Tây Phi

Chính quyền quân sự Mali đã yêu cầu Liên hợp quốc rút toàn bộ lực lượng khỏi nước này trước ngày 31/12.

Lực lượng Liên hợp quốc tuần tra ở Mali (ảnh: AP)

Lực lượng Liên hợp quốc tuần tra ở Mali (ảnh: AP)

Hôm 29/8, AP đưa tin, Liên hợp quốc phải “đau đầu” khi thực hiện cuộc rút quân mà Tổng thư ký Antonio Guterres mô tả là “chưa từng có” khỏi Mali. Thay vì nhờ hỗ trợ từ Liên hợp quốc, chính quyền quân sự Mali muốn lực lượng đánh thuê Wagner giúp đối phó với các nhóm phiến quân Hồi giáo.

Trong cuộc họp hôm 28/8, ông El-Ghassim Wane – đặc phái viên Liên hợp quốc – cho biết, Liên hợp quốc đang duy trì lực lượng gồm 12.947 nhân viên quân sự ở Mali. Tất cả phải rút khỏi Mali trước hạn chót là ngày 31/12.

Liên hợp quốc cũng sử dụng 1.786 nhân viên dân sự ở Mali. Họ sẽ bị chấm dứt hợp đồng trước ngày 31/12.

Ông Issa Konfourou – Đại sứ Mali tại Liên hợp quốc – cho biết, chính quyền quân sự Mali sẽ tiếp tục hợp tác cùng lực lượng Liên hợp quốc cho tới ngày 31/12.

Theo ông Wane, Liên hợp quốc cần chuyển 5.500 container thiết bị và 4.000 phương tiện khỏi Mali. Hoạt động gìn giữ hòa bình ở Mali là một trong những hoạt động quy mô nhất của Liên hợp quốc.

Năm 2012, quân đội Mali tổ chức đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Toure nhưng bất thành. Nhân cơ hội này, các nhóm phiến quân Hồi giáo đã kiểm soát khu vực phía Bắc Mali.

Quân đội Pháp và lực lượng ECOWAS sau đó can thiệp vào Mali, giúp ông Toure giữ chính quyền và đánh đuổi các nhóm phiến quân Hồi giáo.

Năm 2013, Liên hợp quốc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Mali với sứ mệnh mang tên MINUSMA. Từ năm 2013 đến nay, hơn 300 nhân viên của Liên hợp quốc đã thiệt mạng ở Mali.

Hàng trăm nhân sự của Liên hợp quốc đã thiệt mạng ở Mali (ảnh: AP)

Hàng trăm nhân sự của Liên hợp quốc đã thiệt mạng ở Mali (ảnh: AP)

Tháng 8/2020, Tổng thống Mali – ông Keita – bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự. Ông Assimi Goita, lãnh đạo quân đội Mali, sau đó tuyên bố trở thành tổng thống. Ông Goita duy trì quan hệ thân thiết với Nga và lực lượng Wagner.

Trong bức thư dài 13 trang gửi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 28/8, Tổng thư ký Guterres nhận xét, “mức độ phức tạp của cuộc rút quân khỏi Mali là chưa từng có”.

“Địa hình rộng lớn của một quốc gia không giáp biển, tình trạng thù địch ở một số khu vực và khí hậu khắc nghiệt khiến cuộc rút quân trở nên vô cùng khó khăn”, ông Guterres nêu trong thư.

Theo ông Guterres, khi rút khỏi Mali, lực lượng của Liên hợp quốc phải di chuyển qua các khu vực có sự hiện diện của “khủng bố” và đi qua Niger – quốc gia vừa xảy ra đảo chính quân sự.

Trong báo cáo hồi tuần trước, một nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc cho hay, các nhóm phiến quân Hồi giáo đang liên tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Mali, kể từ khi nước này xảy ra đảo chính quân sự.

Nguồn: [Link nguồn]

Tình hình ở Niger ra sao sau hơn 1 tháng đảo chính?

Hơn một tháng sau cuộc binh biến ở Niger, cuộc khủng hoảng chính trị chưa chấm dứt, để lại hậu quả rõ rệt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QUỐC NAM – AP ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN