Điều ít người biết về hoạn quan ở Trung Quốc

Hiện nay, chúng ta thấy từ “thái giám” và từ “hoạn quan” đồng nghĩa. Nhưng trước thời nhà Thanh ở Trung Quốc, hai khái niệm này không trùng nhau. Lịch sử Trung Hoa ghi nhận từ "hoạn quan" xuất hiện sớm hơn rất nhiều so với từ "thái giám".

Ban đầu, “cung hình” chỉ là hình phạt dành cho những người bị kết tội (Ảnh minh họa)

Ban đầu, “cung hình” chỉ là hình phạt dành cho những người bị kết tội (Ảnh minh họa)

Hoạn quan

Ở Trung Quốc cổ đại, “hoạn quan” 宦官vốn là từ chỉ những người hầu dành riêng cho hoàng đế và hoàng tộc (chữ “hoạn” ở đây có nghĩa gốc là nô bộc, hầu hạ).

Thời Tiên Tần (từ khởi thủy đến trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc vào 221 TCN), hoạn quan không hoàn toàn là “yêm nhân” 阉人 (người bị thiến, tức bị cắt sinh thực khí). Phải đến thời Đông Hán (25 - 220), toàn bộ hoạn quan mới do yêm nhân đảm nhiệm. Cụ thể như sau:

Ban đầu, “cung hình” chỉ là hình phạt dành cho những người bị kết tội (là hình phạt mà đối tượng phạm tội bị cắt hoặc đốt bộ phận sinh dục). Cung hình có thể xuất hiện sớm nhất vào thời nhà Thương (1600 TCN - 1046TCN). Khi đó, từ “đột đao” đã xuất hiện trên văn bản giáp cốt (chữ viết trên xương thú hoặc mai rùa), với ý nghĩa là đem người ra thiến. Vào thời kỳ này, chưa tìm thấy ghi chép nào đề cập việc sử dụng yêm nhân làm người hầu trong cung.

Dưới thời Chu (1046 TCN - 256 TCN), bắt đầu có ghi chép về việc sử dụng yêm nhân làm người hầu hoàng cung. Chỉ có điều lúc đó số lượng người tương đối ít, đảm đương một số việc lặt vặt.

Thời Tần (221 TCN - 207 TCN), tư tưởng vương quyền được củng cố, nên sử dụng hoạn quan trong cung nhiều hơn.

Đến triều Hán (206TCN - 220), chủ yếu có cách gọi “nội thị” hoặc “thường thị”, như “thập thường thị” trong “Tam quốc diễn nghĩa” là mười hoạn quan.

Trên thực tế, “thường thị” vốn là một chức quan, nhưng thời Đông Hán hoạn quan đảm nhiệm chức thường thị, cho nên thường thị từ đó trở thành một cách gọi hoạn quan.

Dưới thời Đông Hán (25 - 220), quyền lực của hoạn quan khá lớn, chủ yếu do thế lực “ngoại thích” (họ ngoại của hoàng đế) mạnh. Cho nên hoàng đế cần hoạn quan để tạo thế cân bằng với ngoại thích. Và đến thời Đông Hán, toàn bộ hoạn quan do yêm nhân đảm nhiệm.

Thái giám 


Cuối thời Đường, thái giám chuyên quyền nghiêm trọng (Ảnh minh họa)

Cuối thời Đường, thái giám chuyên quyền nghiêm trọng (Ảnh minh họa)

Từ “thái giám” xuất hiện sớm nhất dưới thời Đường với nghĩa là một chức quan khi Đường Cao Tông (628 - 683) đem “Điện trung tỉnh” (chuyên lo những việc thường ngày của hoàng đế) đổi thành “Trung ngự phủ” và lấy hoạn quan sung vào làm thái giám, thiếu giám.

Thời Đường (618 - 907) có chức quan đại giám, nhưng rất nhiều đại giám về cơ bản không phải do hoạn quan đảm nhiệm và chỉ có đại giám trong Trung ngự phủ mới gọi là thái giám.

Cuối thời Đường, thái giám chuyên quyền nghiêm trọng, một số thái giám còn phế lập hoàng đế và có sức mạnh đáng kinh ngạc.

Triều Tống (960 - 1279) cũng có Nội thị tỉnh, cơ bản do hoạn quan quản lý.

Trong sử sách triều Nguyên (1279 - 1368) cũng xuất hiện từ “thái giám”, nhưng với nghĩa là một chức quan và chức này do nhiều hoạn quan đảm nhiệm.

Đến triều Minh (1368 - 1644), nội cung có mười hai giám, chủ quản gọi là thái giám. Lúc này, thái giám là hoạn quan, nhưng hoạn quan thì không nhất định là thái giám, mà chỉ có hoạn quan cao cấp mới được gọi là thái giám.


Triều Minh xuất hiện những đại thái giám với quyền lực cực lớn (Ảnh minh họa)

Triều Minh xuất hiện những đại thái giám với quyền lực cực lớn (Ảnh minh họa)

Sự chuyên quyền của thái giám triều Minh khá nghiêm trọng, xuất hiện những đại thái giám như Vương Chấn, Lưu Cẩn, Ngụy Trung Hiền. Nhưng quyền lực của thái giám triều Minh không thể vượt qua hoàng đế.

Dưới triều Thanh (1644 - 1911), thái giám và hoạn quan trở thành từ đồng nghĩa. Hoạn quan đều được gọi là thái giám. Đây cũng là lý do vì sao từ thái giám phổ biến trong phim cổ trang về nhà Thanh.

Thái giám triều Thanh hầu như không dám nổi loạn, nguyên nhân chủ yếu do nhà Thanh kiểm soát rất chặt chẽ. Những thái giám tâm phúc nổi tiếng bên cạnh Từ Hi thái hậu là An Đức Hải, Lý Liên Anh.

Sau khi nhà Thanh bị diệt vong, thái giám cũng rút lui khỏi vũ đài lịch sử. Nhưng vì “điều kiện ưu đãi Thanh triều”, hoàng đế Phổ Nghi vẫn được ở trong Tử Cấm Thành, nên thái giám được giữ lại phục vụ. Đến khi Phổ Nghi bị đuổi ra khỏi cung, thái giám mới chính thức chấm dứt vai trò lịch sử. Đến năm 1996, thái giám cuối cùng của Trung Quốc là Tôn Diệu Đình qua đời.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao các hoàng đế Trung Hoa muốn thái giám kè kè bên cạnh hơn là phi tần, cung nữ?

Hoàng đế có cung tần mỹ nữ vây quanh từ sáng đến tối thì hẳn là sung sướng? Nhưng các Hoàng đế Trung Hoa vẫn luôn cần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Nhung - Sohu ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN