Hệ thống đường ống Nord Stream: Kỳ công lớn về kỹ thuật

Sự kiện: Tin tức Nga

Trên trang web của công ty Nord Stream AG – công ty điều hành Nord Stream 1 và Nord Stream 2 - hệ thống đường ống Nord Stream được gọi là một kỳ công lớn về kỹ thuật, liên quan đến quá trình hậu cần phức tạp, cùng với các nhà cung cấp và nhà thầu trên khắp thế giới.

Mô phỏng quá trình xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream dưới biển. Ảnh minh họa: Wermac

Mô phỏng quá trình xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream dưới biển. Ảnh minh họa: Wermac

Nord Stream (Dòng chảy Phương Bắc) là tên của 2 cặp đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Nó bao gồm hệ thống đường ống Nord Stream 1 (NS1) và hệ thống đường ống Nord Stream 2 (NS2). 

NS1 chạy từ thị trấn Vyborg, tây bắc Nga, trong khi NS2 chạy từ vùng Ust-Luga, cũng ở phía tây bắc Nga. Cả hai hệ thống đường ống này gần như chạy song song nhau. Mỗi hệ thống đường ống lại có 2 tuyến đường ống dài hơn 1.200km

9 quốc gia tham gia lập kế hoạch xây dựng Nord Stream 1

Trước khi xây dựng NS1, các chuyên gia đã khảo sát và điều tra khu vực đáy biển Baltic. Ảnh: iStock

Trước khi xây dựng NS1, các chuyên gia đã khảo sát và điều tra khu vực đáy biển Baltic. Ảnh: iStock

Để giảm thiểu khả năng xảy ra bất kỳ tác động bất lợi lâu dài nào với đáy biển Baltic, công ty Nord Stream AG ủy nhiệm cho các chuyên gia độc lập thực hiện các cuộc khảo sát và điều tra nhằm đảm bảo các đường ống sẽ an toàn, vận hành và duy trì ổn định dưới biển trong thời gian dài.

Năm 1997, quá trình nghiên cứu và khảo sát ở Biển Baltic để chuẩn bị xây dựng NS1 được bắt đầu. Từ đó, hơn 2.500km2 dọc theo tuyến đường đặt các đường ống được khảo sát kỹ lưỡng. Cuộc khảo sát ban đầu được thực hiện trên một hành lang rộng dưới biển để có thể thiết kế một tuyến đường ống xác định. 

Sau đó, các chuyên gia khảo sát cụ thể và chi tiết hơn ở phạm vi hẹp trong giai đoạn 2005 - 2008. 

Hơn 100 triệu euro được đầu tư vào việc khảo sát và lập kế hoạch tuyến đường tối ưu cho NS1, cùng với việc nghiên cứu các tác động môi trường tiềm ẩn của việc xây dựng. 

Vì các đường ống đi qua lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức và có thể ảnh hưởng đến một số nước khác, nên cần có một quy trình cho phép và tham vấn sâu rộng theo Công ước Espoo.

Giai đoạn lập kế hoạch của dự án xây dựng NS1 đặt ra các tiêu chuẩn mới về tính minh bạch và hợp tác môi trường quốc tế về các tác động môi trường xuyên biên giới. Theo Công ước Espoo, công ty Nord Stream AG đã mời đại diện 9 quốc gia giáp biển Baltic để có các cuộc tham vấn chung. 

Từ tháng 2/2007 đến tháng 6/2009, đại diện của Nord Stream phải tham gia hơn 200 phiên điều trần công khai, các cuộc họp với những bên liên quan và hội nghị ở các nước vùng biển Baltic. Mọi giấy phép để bắt đầu quá trình xây dựng NS1 được hoàn tất vào tháng 2/2010 và quá trình xây dựng bắt đầu vào tháng 4 năm đó.

Kỳ công kỹ thuật, hậu cần

Một công nhân kiểm tra đường ống. Ảnh: DPA

Một công nhân kiểm tra đường ống. Ảnh: DPA

Cả 2 tuyến đường ống của NS1 được chia thành 3 phần, với độ dày thành ống khác nhau dựa vào hướng của dòng khí đốt. Áp suất sẽ giảm khi khí đốt chảy qua các đường ống. Vì vậy, thành ống dày nhất tại điểm bắt đầu của đường ống NS1 tại vịnh Portovaya (Nga), và mỏng nhất ở điểm cuối tại thành phố Greifswald (Đức). 

Mỗi tuyến đường ống của NS1 được ghép nối từ khoảng 100.000 ống nhỏ. Dọc 2 tuyến đường ống, 5 công trường ở bến cảng liên tục cung cấp các đường ống phủ bê tông phục vụ quá trình xây dựng NS1. Các đường ống này làm bằng thép phủ bê tông dày 12cm, nằm sâu 70-90 mét dưới biển Baltic.

Saipem, một nhà thầu của Nord Stream, đã thuê 3 sà lan lớn để xây dựng 2 tuyến đường ống của NS1. 

Để chuẩn bị cho việc lắp đặt đường ống dưới biển, đơn vị thi công đã sử dụng một thiết bị điều khiển từ xa (ROV) để đảm bảo an toàn cho các đường ống và xác nhận dữ liệu đáy biển được thu thập trong giai đoạn lập kế hoạch. 

Ngoài ra, ở một số vị trí dọc theo tuyến đường, đơn vị thi công còn bố trí các lớp sỏi thô để tạo ra một phần đế ổn định, làm điểm tựa chắc chắn cho đường ống. 

Trên các sà lan khổng lồ, chu trình xây dựng có nhiều bước, gồm vát mép, hàn, thử nghiệm và hạ thấp đường ống xuống đáy biển. Có các quy trình chặt chẽ cho mỗi quá trình lắp đặt đường ống để đảm bảo chất lượng và tuân thủ quy định về sức khỏe, an toàn cho công nhân. Sau khi đặt xong, ROV một lần nữa được triển khai để giám sát dưới nước, đảm bảo không có sai lệch vị trí. 

Sau khi hoàn thành phần xây dựng, đơn vị thi công kiểm tra 3 đoạn đường ống ngập nước để xem chúng có bị vỡ do áp lực nước hay không. 

Sau đó, 3 đoạn đường ống này được hàn lại, rút toàn bộ nước bên trong và được bơm đầy nitơ trước khi cho khí đốt chảy qua. Việc hàn 3 đoạn của tuyến đường ống 1 và tuyến đường ống 2 của NS1 được hoàn tất lần lượt vào tháng 6/2011 và tháng 8/2012. 

Tuyến đường ống 1 của NS1 đi vào vận hành từ giữa tháng 11/2011, trong khi tuyến đường ống 2 của NS1 bắt đầu hoạt động vào tháng 10/2012. Tổng chi phí xây dựng NS1 tương đương 7,2 tỷ USD.

Một đoạn đường ống trong quá trình xây dựng Nord Stream 2. Ảnh: Nord Stream 2 website

Một đoạn đường ống trong quá trình xây dựng Nord Stream 2. Ảnh: Nord Stream 2 website

Theo một bản tóm tắt của Nghị viện Châu Âu, kế hoạch xây dựng NS2 được "nhen nhóm" từ năm 2011 khi Nga muốn tăng gấp đôi công suất của hệ thống đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu.

Quá trình xây dựng NS2 bắt đầu từ tháng 5/2018 và được hoàn tất vào tháng 9/2021.

Theo tờ DW, NS2 là đường ống dẫn dưới biển dài nhất thế giới với chiều dài 1.230km. Chi phí xây dựng NS2 là khoảng 10,6 tỷ USD. Nếu đi vào hoạt động, hệ thống đường ống này có công suất 55 tỷ m3 khí đốt/năm. Tuy nhiên, NS2 chưa được cấp phép hoạt động.

Nguồn: [Link nguồn]

Video: Mặt biển bất thường ở nơi đường ống Nord Stream bị hư hại

Vụ rò rỉ lớn ở các đường ống Nord Stream 1 và 2 của Nga được xem là "hành động phá hoại". Một chuyên gia địa chấn cho rằng "ít nhất 100kg thuốc nổ TNT được sử...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái (T/h) ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN