Hầm 7 tỷ USD xuyên biển dài nhất thế giới có gì đặc biệt?

Nằm ở độ sâu 40m dưới đáy biển Baltic, đường hầm Fehmarnbelt nối Đan Mạch với Đức sẽ giảm thời gian đi lại khi hoàn thành vào năm 2029.

Dự án hầm xuyên biển dài nhất thế giới có tổng mức đầu tư lên tới hơn 7 tỷ USD.

18km hầm xuyên biển cho ô tô, tàu hỏa

Sau hơn 1 thập kỷ lên kế hoạch, việc xây dựng đường hầm Fehmarnbelt bắt đầu năm 2020. Sau vài tháng, một bến cảng tạm thời được hoàn thành bên phía Đan Mạch. Nơi đây, sẽ đặt một nhà máy sản xuất các hầm bê tông đúc sẵn để xây dựng đường hầm.

Ảnh minh họa đường dẫn vào đường hầm Fehmarnbelt ở phía Đan Mạch

Ảnh minh họa đường dẫn vào đường hầm Fehmarnbelt ở phía Đan Mạch

Đường hầm Fehmarnbelt là một trong những dự án hạ tầng lớn nhất châu Âu trị giá 7 tỷ Euro (7,1 tỷ USD) dài 18km, được thiết kế để thay cho dịch vụ phà hiện tại, vốn là phương tiện trung chuyển hàng triệu hành khách/năm. Đặc biệt ở chỗ, đường hầm sẽ kết hợp giữa hai đường ô tô hai làn với hai đường ray tàu hỏa điện khí hóa.

Dự kiến, khi hoàn thành nơi đây sẽ trở thành đường hầm xuyên biển kết hợp giao thông đường bộ và đường sắt dài nhất thế giới. Thời gian di chuyển bằng tàu qua đường hầm sẽ chỉ còn 7 phút và bằng ô tô là 10 phút, thay vì 45 phút đi xuyên biển bằng phà như thông thường.

Còn xét về thời gian di chuyển từ thành phố Copenhagen (Đan Mạch) tới Hamburg (Đức), nếu đi bằng tàu hỏa thông thường mất khoảng 4,5 giờ thì khi có sự kết hợp của đường hầm, thời gian di chuyển quãng đường này chỉ còn 2,5 giờ.

Ông Jens Ole Kaslund, Giám đốc kỹ thuật tại Công ty Femern A/S cho biết, hiện tại, nhiều người chọn cách di chuyển giữa 2 thành phố Copenhagen - Hamburg bằng máy bay, nhưng khi đường hầm hoàn thành, tàu hỏa sẽ trở thành phương tiện tối ưu nhất. Tương tự, thời gian di chuyển bằng ô tô trên quãng đường trên cũng giảm một giờ so với hiện tại vì không phải xếp hàng lên phà.

Khi đi vào hoạt động, đường hầm cũng tạo thuận lợi hoạt động vận tải hàng bằng xe tải vì giúp rút ngắn tuyến đường di chuyển giữa Thụy Điển và Trung Âu 160km so với hiện nay.

Đáng chú ý, lợi ích lớn nhất phải kể đến là về khí hậu. Việc rút ngắn thời gian di chuyển sẽ giúp đường sắt trở thành loại hình giao thông hấp dẫn hơn so với hàng không. Bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt điện khí hóa cũng là giải pháp thân thiện nhất với môi trường.

Sử dụng 2.500 nhân công, công nghệ mới

Phần mái của khu vực xưởng sản xuất thứ nhất nơi được dùng để xây dựng các phần bê tông cho đường hầm đã hoàn thành vào tháng 6/2022

Phần mái của khu vực xưởng sản xuất thứ nhất nơi được dùng để xây dựng các phần bê tông cho đường hầm đã hoàn thành vào tháng 6/2022

Công tác xây dựng đường hầm Fehmarnbelt bắt đầu từ năm 2020, ước tính cần có ít nhất 2.500 nhân công trực tiếp tham gia xây dựng.

Để thực hiện công trình tầm cỡ thế giới, ông Henrik Vincentsen, Giám đốc điều hành công ty quốc doanh của Đan Mạch là Femern A/S - đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện dự án cho biết, họ sẽ sử dụng cách chế tạo trước phần bê tông của đường hầm trên bờ, sau đó đưa xuống biển và ghép nối lại. Mỗi bộ phận cấu thành đường hầm có chiều dài 217m (tương đương một nửa chiều dài của con tàu container lớn nhất thế giới), chiều rộng 42m, chiều cao 9m, nặng 73.000 tấn (tương đương trọng lượng của 13.000 con voi).

Femern A/S đã phải xây dựng một cảng tạm thời ở Đan Mạch làm nơi đặt nhà máy sản xuất 89 phần bê tông của đường hầm. Nhà máy này có 3 khu với 6 dây chuyền sản xuất, trong đó khu đầu tiên đang hoàn thành 95%.

Dự kiến, dây chuyền sản xuất đầu tiên sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm nay hoặc đầu năm 2023. Tới đầu năm 2024, phần bê tông đầu tiên của đường hầm sẽ được lắp đặt dưới đáy biển.

Khi hoàn thành, các bộ phận cấu thành sẽ được đặt ở dưới đáy biển, điểm sâu nhất cách mặt nước khoảng 40m và cần phải sử dụng tới sà lan và cần cẩu. Công đoạn lắp đặt này sẽ mất khoảng ba năm.

Cách xây dựng đường hầm này khác hoàn toàn so với phương thức xây dựng công trình Đường hầm Channel nối Anh - Pháp nhưng năm 90 của thế kỷ trước, đó là dùng máy đào hầm.

Vì sao 14 năm mới có thể khởi động dự án?

Mô hình thiết kế tuyến tàu hỏa tại đường hầm Fehmarnbelt

Mô hình thiết kế tuyến tàu hỏa tại đường hầm Fehmarnbelt

Không ngoa khi nói dự án đường hầm Đức – Đan Mạch là dự án phức tạp và có quy mô hàng đầu châu Âu. Bởi, Đức và Đan Mạch đã ký hiệp ước xây dựng hầm Fehmarnbelt từ cách đây 14 năm. Tiếp đó, họ phải mất hơn 1 thập kỷ để chuẩn bị, đánh giá tác động môi trường, khảo sát địa hình và kỹ thuật.

Sở dĩ quá trình này kéo dài cả thập kỷ vì trong khi ở phía Đan Mạch, dự án diễn ra khá suôn sẻ thì ở Đức, một số tổ chức như công ty phà, nhóm hoạt động vì môi trường, cộng đồng địa phương phản đối kịch liệt, cản trở cấp phép xây dựng dự án vì lo ngại cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tới môi trường, tiếng ồn…

Cuối cùng, mãi tới tháng 11/2020, một tòa án liên bang ở Đức đã bác bỏ khiếu nại liên quan tới dự án này, đồng thời đưa ra một loạt điều kiện về cách giám sát môi trường trong quá trình xây dựng, quản lý tiếng ồn...

Để được sự đồng thuận của dư luận tại Đức, ông Vincentsen khẳng định ban quản lý dự án đã và đang theo dõi sát sao để đảm bảo giảm thiểu tối đa tác động tới môi trường trong quá trình xây dựng.

Xong phần thủ tục, dự án này tiếp tục gặp một số khó khăn khác khi thực thi, trong đó thử thách lớn nhất là thiếu hụt nguyên liệu xây dựng do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Chúng tôi đã và đang gặp thách thức về chuỗi cung ứng vì giá thép cùng các vật liệu thô khác tăng mạnh. Dù hiện tại chúng tôi vẫn có đủ vật liệu cần thiết nhưng để làm được như vậy, các nhà thầu phụ buộc phải tìm kiếm, lấy hàng từ nhiều nhà cung cấp hơn”, theo ông Vincentsen.

Ông Michael Svane, thành viên thuộc Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch - một trong những tổ chức thương mại lớn nhất của Đan Mạch nhận định, đường hầm Fehmarnbelt sẽ tạo ra hành lang chiến lược giữa Đan Mạch - một quốc gia thuộc vùng bán đảo Scandinavia và Trung Âu.

Hoạt động vận tải đường sắt được nâng cấp đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt thay vì đường bộ hơn, tạo điều kiện cho phương thức vận tải thân thiện với môi trường này. Ngoài ra, đường hầm cũng sẽ thúc đẩy tạo ra việc làm và lợi ích cho doanh nghiệp không chỉ ở cấp địa phương mà là cấp quốc gia.

Nguồn: [Link nguồn]

Xây đường hầm xuyên núi tuyết, TQ gặp sự cố ”ngoài hiểu biết”

Sức mạnh tự nhiên đang gây ra vấn đề chưa từng có đối với các kỹ sư Trung Quốc khi một tuyến đường hầm ở Vân Nam bị đất đá chèn ép khiến đường kính giảm từ 12...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh - Trang Trần ([Tên nguồn])
Chuyện lạ Thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN