Gazprom chính thức tuyên bố “cắt” khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria, cảnh báo nước hỗ trợ

Gazprom – tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga – cho biết, sau khi Ba Lan và Bulgaria bị ngừng cung cấp khí đốt, quốc gia nào hỗ trợ 2 nước này có thể lãnh hậu quả.

Gazprom xác nhận đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria (ảnh: CNN)

Gazprom xác nhận đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria (ảnh: CNN)

“Gazprom đã thông báo cho Bulgaria và Ba Lan biết về việc ngừng cung cấp khí đốt từ ngày 27.4, cho đến khi 2 nước này thanh toán theo thủ tục mới quy định”, Aljazeera dẫn thông báo chính thức của Gazprom hôm 27.4.

Vài tiếng trước đó, Gazprom nói với hãng thông tấn TASS rằng, họ chưa xác nhận việc “cắt” khí đốt sang Ba Lan.

“Hiện tại, Ba Lan có nghĩa vụ thanh toán các hợp đồng cung cấp khí đốt theo thủ tục thanh toán mới”, Sergey Kupriyanov – phát ngôn viên của Gazprom – nói với TASS.

Trong thông báo mới, Gazprom cũng cảnh báo rằng, nếu nước châu Âu nào tìm cách hỗ trợ Ba Lan và Bulgaria bằng cách cung cấp khí đốt của Nga cho 2 nước này, Gazprom sẽ hạn chế lượng khí đốt bơm sang các nước đó.

Trước đó, hôm 26.4, PGNiG – công ty năng lượng nhà nước Ba Lan – cho biết, Nga đã quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan kể từ ngày 27.4. Nguyên nhân là vì Ba Lan không tuân thủ  quy định của Moscow về việc mua khí đốt Nga bằng đồng rúp.

PGNiG cũng nhấn mạnh rằng, họ sẽ kiện tập đoàn Gazprom của Nga vì “vi phạm hợp đồng”, liên quan đến việc bắt buộc phải thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp.

“Không cần lo lắng về tình trạng thiếu khí đốt ở đất nước chúng ta. Chỉ riêng nguồn khí đốt hóa lỏng dự trữ cũng đã đủ cung cấp cho thị trường. Những chuyến hàng nhập khẩu khí đốt hóa lỏng cũng không ngừng tăng lên”, Anna Moskwa – Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan – phát biểu trước báo giới.

Cổng thông tin chính phủ Ba Lan hôm 27.4 đưa tin, một ủy ban xử lý khủng hoảng khí đốt trực thuộc Bộ Khí hậu và Môi trường đã được thành lập.

Việc ngừng bán khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria thể hiện sự cứng rắn của Nga với các nước từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng rúp (ảnh: CNN)

Việc ngừng bán khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria thể hiện sự cứng rắn của Nga với các nước từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng rúp (ảnh: CNN)

Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Nga là nhà cung cấp khoảng 55% nhu cầu tiêu thụ khí đốt hàng năm cho Ba Lan. Cơ quan Hải quan Nga cho biết, năm 2021, nguồn cung khí đốt từ nước này sang Ba Lan đã tăng lên 9,4% so với năm 2020. Từ năm 1996, Nga đã cung cấp khí đốt cho Ba Lan theo hợp đồng Yamal.

Trong xung đột Nga – Ukraine, Ba Lan cho biết nước này đang cố gắng loại bỏ nguồn cung khí đốt Nga bằng cách mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ và Qatar.

Cùng ngày 27.4, Bộ Năng lượng Bulgaria cho biết đã nhận được thông báo của Nga. Theo Bộ Năng lượng Bulgaria, họ từ chối mua khí đốt Nga bằng đồng rúp vì điều này “không tương thích với hợp đồng” và “gây rủi ro đáng kể”.

“Bulgaria đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của mình và thanh toán hợp đồng mua khí đốt Nga đúng thời hạn, cẩn trọng và phù hợp với các điều khoản”, Alexander Nikolov – Bộ trưởng Bộ Năng lượng Bulgaria – phát biểu.

Theo ông Alexander Nikolov, Bulgaria đang làm các bước cần thiết để tìm kiếm nguồn cung thay thế cho khí đốt Nga.

“Hiện tại, không có biện pháp hạn chế tiêu thụ khí đốt nào được áp dụng ở Bulgaria”, ông Alexander Nikolov trấn an.

Phát biểu về việc Ba Lan và Bulgaria thông báo bị Nga ngừng cung cấp khí đốt, Andriy Yermak – Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine – cho rằng, Nga đang “gây khó dễ” cho châu Âu bằng cách “vũ khí hóa” khí đốt.

“Nga đang thể hiện rằng nguồn cung khí đốt cũng có thể được sử dụng như một loại vũ khí. Đó là lý do Liên minh châu Âu cần đoàn kết lại và ban hành lệnh cấm vận đối với năng lượng Nga”, ông Andriy Yermak cáo buộc.

Nguồn: [Link nguồn]

Kho đạn ở thành phố Nga giáp biên giới Ukraine bất ngờ phát nổ

Rạng sáng ngày 27.4 theo giờ địa phương, một kho đạn của quân đội Nga ở tỉnh Belgorod, gần biên giới bất ngờ phát nổ khiến người dân không khỏi lo lắng. Hệ thống phòng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – Aljazeera, CNN ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN