Dự luật mới của Mỹ về Đài Loan (Trung Quốc) sẽ tác động dữ dội hơn chuyến thăm của bà Pelosi

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Khi căng thẳng đang sôi sục sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan (Trung Quốc), giới quan sát cảnh báo tình hình có thể tồi tệ hơn nhiều nếu một dự luật mới được thông qua ở Washington.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (trái) trong chuyến thăm Đài Bắc (Trung Quốc) ngày 2/8. Ảnh: AP

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (trái) trong chuyến thăm Đài Bắc (Trung Quốc) ngày 2/8. Ảnh: AP

Để tránh leo thang khủng hoảng hơn nữa với Bắc Kinh, Nhà Trắng đang cố trì hoãn Đạo luật Chính sách Đài Loan (Trung Quốc) về nâng cấp quan hệ với hòn đảo này, Bloomberg đưa tin.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn nổi giận vì chuyến thăm tuần trước của bà Pelosi, cho rằng đây là một nỗ lực nữa của Washington nhằm đảo ngược cam kết đối với chính sách "Một Trung Quốc".

Dự luật mới sẽ “đảo ngược quan hệ Trung – Mỹ, và tôi nghĩ hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng”, Lu Xiang, một chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định.

Phần gây chú ý nhất trong dự luật là đề xuất coi Đài Loan (Trung Quốc) là “một đồng minh lớn ngoài NATO”, nghĩa là Đài Loan (Trung Quốc) sẽ trở thành một trong những đối tác toàn cầu gần gũi nhất của Mỹ, đặc biệt trong hợp tác thương mại và an ninh.

Điều đó “sẽ tương đương với việc công nhận chủ quyền của Đài Loan (Trung Quốc), nghĩa là Mỹ sẽ từ bỏ hoàn toàn chính sách Trung Quốc lâu nay của họ. Công nhận chủ quyền cho Đài Loan (Trung Quốc) nghĩa là công nhận độc lập, dẫn đến việc Trung Quốc phải giải quyết vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) một lần và mãi mãi”, ông Lu nói.

Wu Xinbo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế thuộc ĐH Phúc Đán ở Thượng Hải, cũng cho rằng dự luật này là thách thức lớn hơn chuyến thăm của bà Pelosi.

“Nếu Washington đi theo con đường hiện nay với Đài Loan (Trung Quốc), tôi nghĩ nó sẽ dẫn đến sự khôi phục liên minh quân sự Mỹ - Đài Loan (Trung Quốc). Đó sẽ là thách thức trực tiếp đến nền tảng cơ bản nhất của quan hệ Mỹ - Trung, nên Bắc Kinh chắc chắn sẽ phản ứng dữ dội hơn nhiều so với lần này”, ông Wu nói với báo SCMP.

Được ca ngợi là “sự tái cấu trúc toàn diện nhất chính sách của Mỹ đối với Đài Loan (Trung Quốc)” từ khi Bắc Kinh và Washington thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979, dự luật đề ra mục tiêu tăng cường năng lực quân sự cho Đài Bắc với gói viện trợ an ninh trị giá 4,5 tỷ USD và hỗ trợ Đài Bắc tham gia các tổ chức quốc tế.

Dự luật này đã bị trì hoãn nhiều lần từ khi được giới thiệu vào tháng 6 năm nay, vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ song phương.

Ông Lu cho rằng dự luật sẽ đánh dấu “thay đổi triệt để” trong quan điểm của Washington đối với Đài Loan (Trung Quốc), vấn đề mà Bắc Kinh coi là nhạy cảm nhất trong quan hệ với Washington.

Ông Wu cho rằng Bắc Kinh có thể gây sức ép quân sự hơn nữa với Đài Bắc để đáp trả dự luật, như đưa máy bay đến hòn đảo, triệu đại sứ ở Mỹ về nước, dẫn đến việc quan hệ song phương bị hạ cấp.

Các chuyên gia bi quan về triển vọng quan hệ giữa hai siêu cường, nhất là khả năng đảng Cộng hoà sẽ giành được cả hai viện của Quốc hội Mỹ sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm nay, dẫn đến việc thông qua luật ủng hộ Đài Loan (Trung Quốc) mạnh hơn nữa.

Andrew Mertha, giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Quốc tế học thuộc ĐH Johns Hopkins, cho rằng chuyến thăm của bà Pelosi và phản ứng quân sự chưa từng thấy của Trung Quốc vừa qua đang đặt chính quyền Biden vào tình thế khó khăn.

“Về chính trị, ông ấy sẽ không thể từ chối nâng cấp hỗ trợ cho Đài Loan (Trung Quốc), khi cả hai đảng trong Quốc hội đều có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, và giờ bà Pelosi càng củng cố điều đó. Nhưng làm như vậy sẽ bị Bắc Kinh coi là vi phạm chính sách một Trung Quốc”, ông Mertha nói.

Tuy nhiên, ông Robert Sutter, một nhà nghiên cứu kỳ cựu về Trung Quốc tại ĐH George Washington, cho rằng còn quá sớm để dự đoán về tác động của dự luật hiện đang được Thượng viện Mỹ xem xét, và lời lẽ cuối cùng của văn bản mới quan trọng.

Ông cho rằng văn bản này sẽ sử dụng những lời lẽ không ràng buộc, giống như Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Trung Quốc) được thông qua năm 1979. Washington coi đạo luật này và chính sách "Một Trung Quốc" là nền tảng cho chính sách đối với Đài Loan (Trung Quốc).

Nguồn: [Link nguồn]

Cô lập Đài Loan: 'Bất chiến tự nhiên thành?'

Các cuộc tập trận của Bắc Kinh cho thấy, để kiểm soát Đài Loan (Trung Quốc), họ có thể chỉ cần bao vây, cắt đứt kết nối của hòn đảo này với thế giới bên ngoài, nhiều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang (SCMP) ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN