Đột phá lớn trong cuộc chiến chống virus gây dịch Covid-19

Các nhà khoa học đã tạo ra một bước đột phá lớn trong cuộc chiến chống lại virus gây dịch Covid-19 khi phát hiện một loại kháng thể từ mẫu máu của bệnh nhân nhiễm SARS năm 2003 đã khỏi bệnh.

Tờ RT hôm 19/5 đưa tin, loại kháng thể, được phát hiện trong máu của người nhiễm SARS năm 2003 đã khỏi bệnh, có thể ngăn được Covid-19 lây lan và không cho virus SARS-CoV-2 đột biến.

Các nhà khoa học ở Thụy Sĩ và Mỹ đã kiểm tra 25 loại kháng thể - mỗi loại đều tác động đến một protein khác nhau trên virus SARS-CoV-2, thứ mà virus dùng để xâm nhập và lây nhiễm cho tế bào chủ bằng vật liệu di truyền.

Từ danh sách các kháng thể này, các nhà nghiên cứu xác định được 8 loại có thể liên kết với virus SARS-CoV-2 và các tế bào bị lây nhiễm. Nhưng đặc biệt nhất là kháng thể S309 - đã được chứng minh là có "hoạt động trung hòa mạnh mẽ" khi tiếp xúc với virus gây dịch Covid-19.

Khi kết hợp S309 với các kháng thể yếu hơn khác, nhóm nghiên cứu phát hiện kháng thể kết hợp có thể ngăn virus đột biến. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và dịch Covid-19 đều được gây ra bởi các chủng virus Corona với nguồn gốc và cấu trúc tương tự (cả hai đều có nguồn gốc từ động vật) dù chúng để lại hậu quả khác nhau cho loài người.

Nhưng hiện tại, bằng cách sử dụng kháng thể từ một người nhiễm SARS khỏi bệnh, các nhà khoa học tin vào tính khả thi và thực tiễn của phương pháp đối phó đại dịch Covid-19 bằng kháng thể.

"Các kết quả nghiên cứu đã mở đường cho việc sử dụng kháng thể S309 và kháng thể hỗn hợp (S309 và kháng thể yếu hơn) để phòng bệnh cho những người có nguy cơ phơi nhiễm cao hoặc như một liệu pháp sau phơi nhiễm để hạn chế hoặc điều trị bệnh nặng", các nhà nghiên cứu cho hay.

Các kháng thể đang được phát triển và thử nghiệm nhanh tại Công ty sinh học Vir Biotechnology, có trụ sở tại bang California, Mỹ, để đẩy nhanh tới quá trình thử nghiệm trên người. Vir Biotechnology là công ty kết hợp nghiên cứu miễn dịch và các công nghệ tiên tiến với trọng tâm là điều trị các bệnh truyền nhiễm.

"Chúng tôi cần chứng minh rằng kháng thể này có tác dụng bảo vệ trong các hệ thống sống (như con người)", David Veesler, tác giả nghiên cứu kiêm trợ lý giáo sư sinh hóa tại Đại học Y Washington (Mỹ), cho hay.

Trước đó, một nghiên cứu bất ngờ phát hiện một số người ở Mỹ đã có các tế bào miễn dịch diệt được virus gây dịch Covid-19 trước thời điểm dịch bệnh này xuất hiện.

Tờ SCMP hôm 19/5 đưa tin, nhà khoa học Alessandro Sette và một nhóm nghiên cứu tại Viện miễn dịch La Jolla ở thành phố San Diego, bang California, Mỹ, phát hiện tế bào T "hỗ trợ" và tế bào T "sát thủ" - có thể loại bỏ virus Sars-CoV-2 gây dịch Covid-19 - trong cơ thể của các tình nguyện viên khỏe mạnh.

Nhưng các tình nguyện viên này không tiếp xúc với virus gây dịch Covid-19 vì mẫu xét nghiệm của họ được thu thập vào giai đoạn 2015-2018, trong khi đó ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phát hiện vào tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Hôm 15/5, một công ty dược phẩm có trụ sở tại California, Mỹ, cho biết họ có cách chữa trị Covid-19 dưới dạng kháng thể có thể loại bỏ 100% virus SARS-CoV-2.

Công ty Sorrento chia sẻ trên Fox News về STI-1499, loại kháng thể có thể được phát triển như một phương pháp điều trị vì nó ngăn chặn 100% virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào.

Để tìm thấy STI-1499, Sorrento phải sàng lọc và thử nghiệm hàng tỷ kháng thể mà công ty này thu được trong thập kỷ qua. Họ xác định được hàng trăm ứng viên tiềm năng - có thể vô hiệu hóa các gai protein của virus SARS-CoV-2. Trong số đó, Sorrento phát hiện hàng chục kháng thể có khả năng ngăn gai protein của virus SARS-CoV-2 gắn vào enzyme ACE2 - thụ thể mà một virus thường tấn công đầu tiên để xâm nhập vào cơ thể người. Từ hàng chục kháng thể này, họ tìm ra STI-1499.

Nguồn: [Link nguồn]

Tìm ra kháng thể ”100% chặn được Covid-19”: Có còn cần vaccine?

Cả 2 đều dựa vào kháng thể để bảo vệ con người khỏi virus gây dịch Covid-19 nhưng cách thức hoạt động của chúng khác...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - RT ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN