Đồng minh Hồi giáo bị Mỹ quay lưng và động lực dẫn đến chế tạo vũ khí hạt nhân
Vào thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã phát động một trong những chiến dịch tốn kém nhất lịch sử, kéo theo Pakistan trở thành mắt xích không thể thiếu trong chiến lược của Washington ở Afghanistan. Nhưng khi mục tiêu đã hoàn thành, đồng minh này nhanh chóng bị bỏ rơi.
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan gặp các lãnh đạo lực lượng Mujahideen ở Nhà Trắng vào năm 1983.
Trong lịch sử ngàn năm, phương Tây và thế giới Hồi giáo có lúc đối đầu gay gắt, có lúc cùng hợp tác vì các mục đích riêng. Nhưng phương Tây với sự vượt trội về cơ cấu tổ chức xã hội, phát triển khoa học công nghệ, luôn là bên dường như “nắm đằng chuôi”. Loạt bài dài kỳ này sẽ điểm lại một số sự kiện phản ánh mối quan hệ hợp tác như vậy, nhưng cuối cùng dẫn đến sự thất vọng từ các quốc gia hoặc cộng đồng Hồi giáo. |
CIA nâng tầm vị thế của Pakistan
Tháng 12/1979, Liên Xô tiến quân vào Afghanistan với mục đích để hỗ trợ chính phủ ở Kabul và dập tắt cuộc nội chiến đang diễn ra.
Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter, tuyên bố hành động này là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II”, theo tờ New York Times (NYT). Ông Carter nhanh chóng phê chuẩn một chương trình viện trợ quân sự bí mật nhằm hỗ trợ các lực lượng nổi dậy mujahideen, với Pakistan làm cầu nối.
“Chúng tôi xem họ là những chiến binh tự do”, ông Carter sau này vẫn khẳng định, bất chấp những chỉ trích về việc vũ trang cho các nhóm Hồi giáo thánh chiến. Tuyên bố được ông Carter đưa ra vào năm 1998, trong cuộc phỏng vấn của PBS Frontline.
Chiến dịch Cyclone được ông Carter phê chuẩn và do Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) điều hành, trở thành một trong những chiến dịch ngầm tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ, với hơn 3 tỉ USD ngân sách, chưa kể viện trợ đối ứng từ Ả Rập Saudi. Pakistan dưới thời Tổng thống Zia-ul-Haq, đảm nhận vai trò trung gian điều phối vũ khí, tài chính thông qua cơ quan tình báo ISI.
Trong cuộc xung đột Liên Xô - Afghanistan, Pakistan đóng vai trò là trung tâm hậu cần, trung chuyển vũ khí cho các nhóm Mujahideen.
ISI kiểm soát toàn bộ dòng viện trợ, và trong số 7 nhóm mujahideen được hỗ trợ, 4 nhóm có tư tưởng Hồi giáo cực đoan nhận phần lớn tài trợ. Nhiều người trong CIA từng lo ngại về sự lệch hướng này, nhưng Washington khi đó chỉ quan tâm đến một mục tiêu: phá hỏng kế hoạch của Liên Xô ở Afghanistan.
“Chúng tôi biết đang đi trên dây,” một cựu nhân viên CIA sau này nói, “nhưng Pakistan là con đường duy nhất”.
Nền móng hạt nhân của Pakistan
Trong khi bắt tay với Mỹ trên chiến trường Afghanistan, giới lãnh đạo Pakistan vẫn âm thầm đẩy nhanh chương trình hạt nhân – vốn đã được khởi động từ sau khi Ấn Độ thử bom nguyên tử năm 1974. Thủ tướng Pakistan Zulfikar Ali Bhutto khi đó, người đặt nền móng chính trị cho chương trình, từng tuyên bố: “Nếu Ấn Độ có bom, chúng ta cũng sẽ có bom – dù có phải ăn cỏ”, theo India Today.
Nhưng tham vọng ấy không hề dễ thực hiện. Pakistan khi đó là quốc gia đang phát triển, không có cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, lại bị phương Tây nghi ngờ, theo dõi sát sao. Lệnh cấm vận công nghệ hạt nhân quốc tế (NSG) khiến Islamabad không thể nhập khẩu máy móc, linh kiện phục vụ làm giàu uranium.
Chìa khóa nằm ở tiến sĩ Abdul Qadeer Khan, một kỹ sư luyện kim từng làm việc tại tập đoàn URENCO ở Hà Lan – nơi chuyên phát triển máy ly tâm khí dùng để làm giàu uranium. Khan đã bí mật thu thập bản thiết kế và dữ liệu kỹ thuật, sau đó trở về nước năm 1976 và thành lập Trung tâm Nghiên cứu Kahuta – đầu não của chương trình hạt nhân Pakistan.
Cơ sở hạt nhân của Pakistan trong ảnh chụp vệ tinh năm 1998.
Tuy nhiên, việc chế tạo máy ly tâm hoàn chỉnh không hề đơn giản. Pakistan không có công nghệ cao cấp để sản xuất hợp kim đặc biệt (như maraging steel), motor từ tính cực mạnh hay ổ bi siêu nhỏ – tất cả đều cần cho rotor ly tâm quay hàng chục ngàn vòng/phút.
Cơ sở Kahuta ban đầu gặp nhiều thất bại, các rotor thường xuyên vỡ tung, hệ thống làm giàu uranium hoạt động chập chờn. Phải mất nhiều năm thử nghiệm, với sự giúp đỡ của một mạng lưới ngầm mua linh kiện từ châu Âu, Nhật Bản, thậm chí Trung Quốc, Pakistan mới từng bước xây dựng được hệ thống ly tâm đủ ổn định để đạt cấp độ làm giàu cao.
Trong suốt thập niên 1980, chương trình vẫn được bảo mật tuyệt đối, nằm ngoài tầm thanh tra quốc tế. Bất chấp sức ép từ Mỹ và phương Tây, Islamabad chọn chiến lược mơ hồ – không xác nhận, không phủ nhận chương trình hạt nhân – nhằm tránh đụng độ trực diện về ngoại giao.
Tuy có dấu hiệu tình báo rò rỉ về tiến độ kỹ thuật, Mỹ được cho là vẫn tạm "làm ngơ" vì không muốn phá vỡ liên minh chiến lược trong cuộc xung đột ở Afghanistan.
Mỹ quay lưng, Pakistan rẽ lối
Tháng 2/1989, Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan. Chỉ vài tháng sau, Mỹ bắt đầu thu hồi viện trợ. Không có kế hoạch tái thiết, Afghanistan rơi vào nội chiến giữa các nhóm mujahideen từng được Mỹ vũ trang. Kabul bị pháo kích tan nát, các phe phái Hồi giáo tranh giành ảnh hưởng.
Pakistan chịu tác động đáng kể của cuộc nội chiến ở Afghanistan còn Mỹ rời đi sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan vào năm 1989. Ảnh: AFP.
Pakistan trở thành nước chịu hậu quả trực tiếp. Gần 4 triệu người tị nạn Afghanistan tràn qua biên giới, làm quá tải các trại tị nạn và phá vỡ cấu trúc xã hội vùng tây bắc. Nhiều nhóm mujahideen cũ từng được ISI bảo trợ nay quay sang chống lại Pakistan, thậm chí mang theo chủ nghĩa cực đoan và gây ra bất ổn sâu rộng.
Giới tướng lĩnh Pakistan cảm thấy bị bỏ rơi. Tướng Mirza Aslam Beg, Tham mưu trưởng quân đội khi đó, nói thẳng: “Chúng tôi đã làm mọi thứ vì Mỹ ở Afghanistan. Nhưng khi cuộc chơi kết thúc, họ quay đi không một lời cảm ơn”, theo Los Angeles Times.
Nỗi thất vọng lên đến đỉnh điểm vào năm 1990, Mỹ áp dụng Tu chính án Pressler – điều khoản bổ sung vào Đạo luật viện trợ nước ngoài của Mỹ. Tu chính án quy định Tổng thống Mỹ chỉ được phép tiếp tục viện trợ kinh tế hoặc quân sự cho Pakistan nếu mỗi năm xác nhận Pakistan không sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tu chính án Pressler được đặt theo tên của Thượng nghị sĩ Larry Pressler. Mục đích của tu chính án là ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân bằng cách gây áp lực lên các quốc gia đang phát triển vũ khí hạt nhân.
Vì không thể xác nhận điều này với Pakistan, Washington buộc phải cắt toàn bộ viện trợ quân sự, bao gồm cả việc chuyển giao các khí tài đã ký hợp đồng từ trước.
Pakistan đặc biệt phẫn nộ vì thương vụ mua 28 chiến đấu cơ F-16 do Lockheed Martin sản xuất, trị giá khoảng 658 triệu USD, đã bị đình chỉ vô thời hạn. Islamabad đã chuyển tiền từ trước, nhưng Mỹ vẫn từ chối bàn giao máy bay, cũng không hoàn tiền.
Một tướng lĩnh Pakistan thời điểm đó nói trong giận dữ: “Người Mỹ nhận tiền, nhưng không giao hàng. Thế giới gọi đó là cấm vận. Chúng tôi gọi đó là lừa dối”, theo Washington Post.
Thương vụ F-16 trở thành biểu tượng cay đắng nhất trong quan hệ Pakistan – Mỹ thập niên 1990. Mãi đến năm 2005, dưới thời Tổng thống George W. Bush, Mỹ mới quyết định hoàn lại khoản tiền này, sau nhiều năm đàm phán căng thẳng với Pakistan.
Chiến lược Pakistan theo đuổi
Pakistan chính thức thử hạt nhân vào năm 1998, kích nổ qua bom có sức công phá 40 kT.
Không còn niềm tin vào Mỹ, Pakistan tăng tốc chương trình hạt nhân, với mục tiêu mới là chế tạo hoàn chỉnh bom nguyên tử.
Tiến sĩ Abdul Qadeer Khan, cha đẻ của chương trình hạt nhân Paksistan, từng xác nhận mục tiêu làm giàu uranium của Pakistan ở cấp độ vũ khí.
“Chương trình làm giàu uranium ở cấp độ vũ khí, lên tới 90%, sẽ không bị dừng lại, dù Mỹ có gây sức ép ra sao”, ông Khan nói trên truyền hình vào năm 1996, đề cập việc chính quyền Tổng thống Mỹ Bill Clinton muốn giới hạn mức độ làm giàu uranium của Pakistan xuống còn 3%.
Đây được xem là lời khẳng định công khai đầu tiên rằng Pakistan đã tiến rất xa – thậm chí vượt ngưỡng – trong khả năng chế tạo bom nguyên tử.
Khi Ấn Độ thử hạt nhân lần thứ hai vào tháng 5/1998, Thủ tướng Pakistan khi đó là Nawaz Sharif chịu áp lực chính trị và quân sự rất lớn. Đáp lại, chỉ 2 tuần sau, Pakistan tiến hành 6 vụ thử hạt nhân tại Chagai, chính thức bước vào danh sách các cường quốc hạt nhân.
Trong phát biểu sau vụ thử, ông Sharif nói: “Chúng tôi không bắt đầu cuộc chạy đua vũ khí này. Nhưng chúng tôi cũng không thể để quốc gia bị đe dọa hay không thể tự đảm bảo an ninh”, theo BBC News.
Phản ứng của Mỹ
Ông Abdul Qadeer Khan (giữa) là "cha đẻ" chương trình hạt nhân của Pakistan.
Washington phản ứng bằng các lệnh cấm vận toàn diện:
• Cắt viện trợ tài chính, nhân đạo và phát triển
• Cấm xuất khẩu thiết bị lưỡng dụng và công nghệ quân sự
• Ngăn chặn hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới
Tổng thống Mỹ Bill Clinton gọi các vụ thử là “hành động đáng tiếc và nguy hiểm”, nhưng thừa nhận Mỹ “không còn ảnh hưởng đủ mạnh” để ngăn chặn, theo tờ Guardian.
Một cựu quan chức CIA sau này thừa nhận: “Chúng ta đã để mất đồng minh Pakistan từ năm 1989. Không phải vì bom hạt nhân, mà vì niềm tin đã không còn".
____________________________________
Trong giai đoạn Thế chiến 1, Đế quốc Anh từng lôi kéo một thế lực Hồi giáo Ả Rập nổi dậy chống lại đế chế Ottoman, góp phần dẫn đến cục diện cuộc chiến. Anh đưa ra lời hứa về một nhà nước Hồi giáo Ả Rập thống nhất nhưng lời hứa đó cuối cùng không bao giờ trở thành hiện thực. Điều gì đã xảy ra và bối cảnh khi đó như thế nào? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 2 xuất bản khoảng trưa ngày 20/7.
Theo một quan chức quân sự, các lãnh đạo chính trị của Ấn Độ không cho phép tấn công căn cứ quân sự của Pakistan khi cuộc giao tranh giữa hai nước nổ...
Nguồn: [Link nguồn]
-19/07/2025 09:52 AM (GMT+7)