Thủ tướng Abe: Nhật Bản sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp

Thủ tướng Nhật Bản, Abe Shinzo, hôm 6/4 cho biết ông sẽ chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh thành vào ngày mai (7/4). Dự kiến, tình trạng khẩn cấp này kéo dài một tháng.

Tờ Japan Times chiều 6/4 đưa tin, ông Abe dự kiến ban bố tình trạng khẩn cấp với 7 tỉnh thành, bao gồm 2 thành phố: Tokyo và Osaka, cùng 5 tỉnh: Kanagawa, Saitama, Chiba, Hyogo và Fukuoka. 

"Tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài khoảng một tháng. Tình trạng khẩn cấp này là để đảm bảo hệ thống y tế không bị áp lực và yêu cầu người dân hợp tác nhiều hơn để tránh việc tiếp xúc gần giữa mọi người, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm nhiều nhất có thể", ông Abe tuyên bố sau cuộc họp tại Văn phòng Thủ tướng chiều 6/4.

Theo CNN, ông Abe còn công bố chi tiết về gói kích thích kinh tế khổng lồ với trị giá gần 1.000 tỷ USD. Quy mô của gói cứu trợ kinh tế chiếm 20% GDP của Nhật Bản này được đánh giá là chưa từng thấy. 

Gói kích thích kinh tế này bao gồm 54 tỷ USD tiền mặt hỗ trợ cho các gia đình mất thu nhập đáng kể do dịch Covid-19 và các chủ doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra, 238 tỷ USD trong các khoản vay khẩn cấp cho các tập đoàn của Nhật Bản để duy trì việc trả lương cho nhân viên. Gói kích thích cũng có cả số tiền giảm thuế cho các tập đoàn Nhật Bản nhưng ông Abe không tiết lộ con số cụ thể. 

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp được thực hiện theo luật sửa đổi được ban hành hồi tháng trước. Theo luật này, Thủ tướng Nhật Bản phải tham khảo một ban cố vấn của chính phủ, bao gồm các chuyên gia y tế. Chính phủ đã thông báo cho các chuyên gia này về cuộc họp sẽ diễn ra trong 2 ngày từ 7/4 đến 9/4.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có chiều hướng phức tạp ở thủ đô Tokyo và các thành phố lớn khác, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế của Nhật Bản.

Chiều 6/4, ông Abe thảo luận về vấn đề này với Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi, người chịu trách nhiệm về các biện pháp đối phó Covid-19 ở Nhật Bản, và ông Omi Shigeru, phó chủ tịch nhóm chuyên gia chính phủ về Covid-19.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Ảnh: Independent

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Ảnh: Independent

Thủ tướng Nhật Bản sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau cuộc họp nếu thực tế tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước này hội tụ đủ 2 điều kiện. Thứ nhất, dịch bệnh phải là mối đe dọa nghiêm trọng với cuộc sống và sức khỏe của người dân Nhật Bản. Thứ hai, dịch bệnh lây lan nhanh trên toàn quốc có thể tác động tiêu cực vô cùng lớn tới sinh kế hàng ngày của người dân và kinh tế quốc gia.

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp cần chỉ định rõ các khu vực và khung thời gian áp dụng các biện pháp khẩn cấp.

Thống đốc các tỉnh được chỉ định là khu vực khẩn cấp sẽ yêu cầu người dân ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Người đứng đầu các tỉnh cũng có thể ra lệnh đóng cửa trường học và hạn chế tới nơi đông người như cửa hàng bách hóa, rạp chiếu phim...

Chính quyền địa phương có thể thành lập các bệnh viện tạm mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu đất đai hoặc tòa nhà, nơi bệnh viện tạm được thiết lập.

Giới chức Nhật bản cũng có thể yêu cầu các công ty vận tải chuyên chở dược phẩm và trang thiết bị y tế trong tình huống khẩn cấp. Họ cũng có thể yêu cầu bổ sung thêm thuốc men.

Đài NHK còn dẫn lời Thống đốc Tokyo, Koike Yuriko, hôm 6/4 cho biết chính quyền thành phố đã sẵn sàng trong trường hợp Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Theo bà Koike, thủ đô Tokyo của Nhật Bản ghi nhận số lượng lớn ca nhiễm mới trong ngày 5/4 và đang thực hiện nhiều sự chuẩn bị vì nhiều khả năng Tokyo sẽ là khu vực chỉ định trong tình trạng khẩn cấp. Theo Bloomberg, Tokyo ghi nhận 143 ca nhiễm mới hôm 5/4, con số lớn nhất ghi nhận theo ngày. Nó cũng đánh dấu ngày thứ 2 liên tiếp, thủ đô của Nhật Bản có số ca trên mốc 100 (ngày 4/4, con số này là 118). Tính tới hết ngày 5/4, Tokyo đã có hơn 1.000 ca nhiễm Covid-19.

Theo CNN hôm 6/4, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo nước này có thêm 378 ca nhiễm Covid-19 và 3 trường hợp tử vong trong ngày 5/4. Trước đó một ngày, số ca nhiễm mới của Nhật Bản là 367. Tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Nhật Bản tính tới hết ngày 5/4 là 4.366 (tính cả hơn 700 ca trên du thuyền Diamond Princess), trong đó có 84 người tử vong.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhật Bản sẽ cấp miễn phí thuốc điều trị Covid-19 cho nhiều nước

Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch cấp phát miễn phí thuốc chữa cúm Favipiravir (tên thương mại là Avigan) - có hiệu quả...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Japan Times, NHK, CNN ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN