Dấu ấn Trung Quốc trong khí tài quân sự Mỹ: Washington chưa thể làm khác?

Hồi đầu tháng này, quân đội Mỹ phát hiện hợp kim có xuất xứ từ Trung Quốc trong thành phần chế tạo của tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35, làm tăng mối lo ngại về chi phí và vấn đề chuỗi cung ứng khi Washington muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài.

Tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ tiếp nhiên liệu trên không.

Tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ tiếp nhiên liệu trên không.

Hôm 7/9, Lầu Năm Góc thông báo hoãn bàn giao các tiêm kích tàng hình F-35 cho đối tác sau khi phát hiện hợp kim có xuất xứ từ Trung Quốc trong thành phần của động cơ. Theo luật pháp Mỹ và các quy định của Lầu Năm Góc, việc sử dụng nguyên liệu của Trung Quốc cho các trang thiết bị vũ khí sản xuất trong nước là điều bị nghiêm cấm.

Trả lời phỏng vấn báo Mỹ Defense News vào tuần trước, Greg Ulmer, phó chủ tịch điều hành tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin - đơn vị sản xuất tiêm kích F-35, nói vẫn đang tiếp tục chế tạo mẫu tiêm kích này và chờ chính phủ Mỹ cấp quyền miễn trừ từ Lầu Năm Góc để có thể giao hàng cho các đối tác.

William LaPlantem, quan chức cấp cao Lầu Năm Góc, nói nhiều khả năng chính phủ sẽ "cấp quyền miễn trừ nếu vấn đề không ảnh hưởng đến an ninh hay sự an toàn".

Đây không phải lần đầu tiên nguyên liệu từ Trung Quốc xuất hiện trong tiêm kích F-35 của Mỹ. Trong quá khứ, Lầu Năm Góc đã nhiều lần phải cấp quyền miễn trừ để chương trình F-35 vẫn đạt tiến độ đề ra.

Năm 2014, vật liệu xuất xứ từ Trung Quốc được tìm thấy trong nhiều vũ khí Mỹ, bao gồm oanh tạc cơ chiến lược B-1B và một số chiến đấu cơ F-16.

Tướng Q. Brown Jr, tham mưu trưởng Không quân Mỹ, nói vấn đề trên không tạo ra mối đe dọa an ninh hay làm ảnh hưởng đến hiệu suất động cơ của mẫu tiêm kích F-35. Nhưng tướng Q. Brown bày tỏ lo ngại về vấn đề sự toàn vẹn của chuỗi cung ứng, theo Defense News.

Fu Qianshao, cựu chuyên gia vũ khí từng phục vụ trong không quân Trung Quốc, nói rằng rất khó để Mỹ có thể chế tạo tiêm kích F-35 mà chỉ sử dụng nguyên vật liệu nội địa. "Sẽ rất mất thời gian và chi phí để Mỹ tìm ra các giải pháp thay thế nguyên vật liệu từ Trung Quốc", ông Fu nói trên SCMP, cho rằng đây là thách thức đối với Mỹ.

Ông Fu nhận định, chính phủ Mỹ không còn cách nào khác ngoài cấp quyền miễn trừ để hãng Lockheed Martin tiếp tục sản xuất và bàn giao tiêm kích F-35 như bình thường. Ông Fu nói Trung Quốc có nguồn cung cấp đất hiếm và một số kim loại khác với giá rẻ hơn rất nhiều so với Mỹ.

Theo ông Fu, Trung Quốc cũng hoàn toàn có thể gây khó dễ bằng cách áp đặt hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu như vậy sang Mỹ.

Những năm gần đây, Mỹ đang quan tâm hơn đến vấn đề an ninh ngành công nghiệp quốc phòng, bằng cách giảm sự phụ thuộc vào các thành phần, nguyên vật liệu nhập khẩu từ các quốc gia khác, đặc biệt là từ Trung Quốc và Nga.

Năm 2019, cựu Bộ trưởng Hải quân Mỹ cảnh báo Washington đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất cho tàu chiến nếu quá phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc.

Tuy vậy, việc xây dựng một chuỗi cung ứng mới không phụ thuộc vào nguyên vật liệu từ nước ngoài là điều cần thời gian, sự quyết tâm và đây là mục tiêu dài hạn, theo báo cáo của Lầu Năm Góc, công bố hồi tháng 2 năm nay.

Chuyên gia quân sự Song Zhongping ở Bắc Kinh, cho rằng việc sử dụng đất hiếm có nguồn gốc từ Trung Quốc để chế tạo nam châm chứa hợp kim sử dụng cho động cơ tiêm kích F-35 không tạo ra mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Đất hiếm là nhóm nguyên tố hiếm, có hàm lượng ít trong vỏ Trái đất và rất khó tách ra từng nguyên tố riêng biệt. Đây là một nhóm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt, được sử dụng làm nguyên liệu trong các ngành công nghệ cao, bao gồm cả dân sự và quân sự.

Ông Song nói đến cuối cùng, vấn đề chi phí vẫn là ưu tiên hàng đầu, do đất hiếm của Trung Quốc có giá rẻ và tìm kiếm nhà cung cấp khác sẽ khiến việc sản xuất vũ khí trở nên đắt đỏ hơn.

Nguồn: [Link nguồn]

Hàng loạt tiêm kích F-35 Mỹ sẽ phải ‘nằm đất’ nếu bị Trung Quốc cắt nguồn cung kim loại hiếm?

Cắt nguồn cung kim loại hiếm có thể trở thành biện pháp gây áp lực của Trung Quốc trong tình huống phát sinh căng thẳng với Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Anh - SCMP ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN