Dân Triều Tiên đã "đủ cơm ăn và súp thịt bò mỗi bữa"?

Nguyên nhân Triều Tiên tổ chức đại hội đảng Lao động sau 36 năm có thể là do kinh tế nước này đang phát triển ổn định, với nhiều hàng hóa nhập ngoại, quy đổi tiền tệ dễ dàng hơn, và ngày càng nhiều người dân sử dụng điện thoại di động.

Dân Triều Tiên đã "đủ cơm ăn và súp thịt bò mỗi bữa"? - 1

Kim Jong un trong Đại hội Đảng Lao động lần đầu tiên trong 36 năm qua

Triều Tiên ngày 6.5 đã khai mạc đại hội đảng Lao động lần đầu tiên trong 36 năm qua. Theo AP, lý do Triều Tiên sau 36 năm mới tổ chức đại hội đảng là vì lãnh tụ Kim Nhật Thành từng yêu cầu chỉ tổ chức sự kiện này khi “người dân có đủ cơm ăn và súp thịt bò mỗi bữa”.

Từ lúc Kim Jong un lên nắm quyền vào năm 2011, kinh tế Triều Tiên đã ổn định hơn. Theo ước tính của Hàn Quốc, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng đều, khoảng 1%/năm (từ 2011-2014). Vì thế, đây có lẽ là thời điểm thích hợp để nhà lãnh đạo 33 tuổi khẳng định với thế giới về sự phát triển kinh tế bền vững của Triều Tiên.

Dân Triều Tiên đã "đủ cơm ăn và súp thịt bò mỗi bữa"? - 2

Học sinh tiểu học tại Triều Tiên

Theo Bloomberg, để ca tụng thành công của ông Kim trong việc phát triển kinh tế Triều Tiên, chính phủ nước này đã cho phép các nhà báo nước người đến tham quan cửa hàng bách hóa và một trang trại ở Bình Nhưỡng dưới sự quản lý chặt chẽ.

Các nhà quản lý của trang trại cho biết chính phủ lấy 70% sản lượng các loại cây trồng như củ cải, dưa chuột, rau diếp và các sản phẩm khác, để lại 30% cho người lao động. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn là Triều Tiên hạn chế việc người dân trồng rau tư nhân ở căn hộ riêng của mình.

Ngoài ra, ở Triều Tiên cũng có những dấu hiệu khiêm nhường của sự phát triển kinh tế. Nhiều hãng taxi của các doanh nghiệp nhà nước phải tranh giành hành khách trên đường phố thủ đô. Điện thoại di động mang nhãn hiệu Bình Nhưỡng của nhà cung cấp quốc gia Koryolink đang ngày càng phổ biến, mặc dù người dân chỉ có thể gọi điện trong nước và không được phép kết nối Internet với thế giới bên ngoài.

Dân Triều Tiên đã "đủ cơm ăn và súp thịt bò mỗi bữa"? - 3

Trung tâm khoa học và công nghệ tại Bình Nhưỡng

Giờ đây các nhà báo nước ngoài đến Triều Tiên đã có thể đổi tiền theo tỉ giá chợ đen khoảng 8.000 won/ USD, và tỉ giá niêm yết 100 won/ USD chỉ để làm cảnh. Tại khách sạn Yanggakdo, nơi sử dụng tỉ giá niêm yết, các cửa hàng còn không chấp nhận đồng won mà nhận thanh toán bằng USD, Euro hoặc nhân dân tệ.

Trong ấn bản mới nhất của tờ Thời báo Bình Nhưỡng, có một bài báo nói về trang trại cá được xây dựng "với chiến lược kinh doanh có lợi nhuận", cụm từ không được nghe thấy ở Triều Tiên trong nhiều năm nay.

Ở Bình Nhưỡng, hàng hóa nước ngoài đã dần xuất hiện nhiều hơn. Người dân có thể mua hàng nhập ngoại chứ không riêng các quan chức. Tại cửa hàng Kwangbok, một điểm dừng thường xuyên của các nhà báo, có bày bán rượu whisky Johnnie Walker Red Label với giá 40 USD/chai, bên cạnh sô cô la Triều Tiên và khoai tây chiên Malaysia.

"Tôi có thể tìm thấy nhiều loại hàng hoá hơn trong cửa hàng, tôi có thể lấy những thứ tôi cần dễ dàng hơn", Kim Yong He, một bà nội trợ 47 tuổi đến mua xà bông và bánh mì cho biết.

Một quầy đổi tiền tại sân bay đã được chuyển thành một gian hàng bán sim điện thoại cho người nước ngoài, tuy nhiên họ chỉ bán được 7 thẻ sim và sau đó hết hàng.

Dân Triều Tiên đã "đủ cơm ăn và súp thịt bò mỗi bữa"? - 4

Ở Bình Nhưỡng, hàng hóa nước ngoài đã dần xuất hiện nhiều hơn

Cũng theo Bloomberg, từ khi nắm quyền, Kim Jong un đã cho phép các doanh nghiệp tư nhân lớn hoạt động tại Triều Tiên. Giờ ông phải đối mặt với câu hỏi làm thế nào để quản lý thị trường ngày càng có tầm ảnh hưởng ở Triều Tiên.

"Kim Jong un biết rằng ông chưa thể đột ngột hạn chế nền kinh tế đang phát triển, vậy nên ông sẽ khiến nó nằm sâu trong tầm kiểm soát”, Hong Soon Jick, người nghiên cứu kinh tế Triều Tiên ở Hàn Quốc cho biết. "Đại hội Đảng là cơ hội để Kim Jong un đánh giá lại nền kinh tế Triều Tiên."

Triều Tiên đã lên kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế bắt đầu từ năm nay, theo lời phát biểu của Kim Jong un trong Đại hội Đảng. Rất ít thông tin chi tiết của kế hoạch được tiết lộ. Nền kinh tế Triều Tiên phát triển khiêm tốn khi Kim lên nắm quyền. Sản lượng lương thực gia tăng một phần vì không có hạn hán hay lũ lụt nghiêm trọng, tờ Bloomberg đưa tin.

Dân Triều Tiên đã "đủ cơm ăn và súp thịt bò mỗi bữa"? - 5

Người dân Triều Tiên cúi đầu thành kính trước tượng nhà lập quốc Kim Nhật Thành

Việc kinh tế phát triển đã khuyến khích Kim Jong un tổ chức đại hội đảng, các nhà phân tích cho biết. Tuy nhiên, hiện Kim Jong un phải đối mặt với áp lực thực hiện cam kết ông đưa ra năm 2012, rằng ông sẽ không bao giờ để dân "thắt lưng buộc bụng". Hong Soon Jick đánh giá việc thực hiện cam kết này còn quan trọng hơn trong thời điểm hiện tại, khi Kim cho biết ông đã thực hiện đủ việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, chỉ ít giờ sau khi tuyên bố tại Đại hội Đảng, Kim Jong-un đã quyết định “vẫn tiếp tục gia tăng số lượng vũ khí hạt nhân” trong một phiên họp bất thường với các thành viên đảng Lao động. Thông tin trên bị rò rỉ ra bên ngoài và Vincent Wood, phóng viên báo Mirror đăng tải lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà My - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN