Đàm phán COC với Trung Quốc: Phải cảnh giác!

Trung Quốc đang bộc lộ ý đồ sử dụng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông như một công cụ để đạt được lợi ích sai trái trên biển Đông bên cạnh ý định đơn phương “viết lại” trật tự khu vực.

Lực lượng hải quân TQ tập trận trên biển Đông hồi tháng 9-2016. Ảnh: REUTERS

Lực lượng hải quân TQ tập trận trên biển Đông hồi tháng 9-2016. Ảnh: REUTERS

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax ở Canada, Chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ Philip S. Davidson hôm 24-11 đã lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc (TQ) nhiều năm qua không ngừng cải tạo, quân sự hóa các thực thể chiếm đóng trái phép ở biển Đông, theo hãng tin Reuters.

Liên quan tới Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) mà các nước ASEAN đang đàm phán với TQ, ông Davidson cảnh báo khối này cần phải đảm bảo rằng nếu đạt được một bộ quy tắc như vậy sẽ không làm hạn chế quyền tự do hàng hải, khả năng hoạt động trên biển, hoạt động thương mại và chương trình tập trận của các nước trong khu vực. Ông Davidson tuyên bố Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ hỗ trợ quyền tự do hàng hải ở biển Đông.

TQ muốn dùng COC ngăn quốc tế can thiệp?

Tờ The Nikkei dẫn nguồn tin nội bộ chính phủ Nhật Bản tiết lộ dự thảo COC mới nhất đã xuất hiện những nội dung hạn chế các quốc gia thành viên phát triển hàng hải và diễn tập quân sự chung với các công ty và quốc gia bên ngoài khu vực. Những công ty hay quốc gia này có thể bị yêu cầu phải có được sự chấp thuận của TQ mới được tiến hành hợp tác quân sự với các nước ASEAN.

“Mục tiêu của TQ là trói buộc ASEAN vào những quy định có lợi cho Bắc Kinh và loại bỏ hoặc hạn chế ảnh hưởng từ bên ngoài về biển Đông” - một quan chức Nhật cảnh báo.

Được biết thông tin trùng khớp với những nội dung được một số quan chức ngoại giao Philippines công bố hồi tháng 9-2019. Theo đó, TQ có ba yêu cầu cơ bản về COC: Không chịu ảnh hưởng từ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS); các cuộc tập trận quân sự chung với các nước bên ngoài khu vực phải được sự đồng ý trước của tất cả bên ký COC; không hợp tác khai thác tài nguyên với các nước bên ngoài khu vực.

Nhiều nhà quan sát khẳng định ASEAN không thể chấp nhận các điều kiện này, vì chúng sẽ vô hiệu hóa phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Các điều kiện này cũng sẽ xóa bỏ ảnh hưởng của Mỹ và đồng minh với khu vực.

Bên cạnh đó, nguồn tin này cũng cho biết dự thảo COC không nói rõ liệu bộ quy tắc này có tính ràng buộc pháp lý hay không, cũng như có bất kỳ cơ chế nào nhằm ngăn chặn tranh chấp. Dự thảo cũng đề xuất các quốc gia thành viên cấm phát triển hàng hải và diễn tập quân sự chung với các công ty và quốc gia bên ngoài khu vực.

“Không nước nào được đơn phương làm luật ở biển Đông”

Đánh giá về lập trường của TQ, GS luật quốc tế Atsuko Kanehara thuộc ĐH Sophia (Nhật Bản) khẳng định Bắc Kinh “muốn đơn phương cưỡng ép thay đổi luật pháp quốc tế” .

“Về mặt nguyên tắc, luật quốc tế được tạo ra dựa trên sự đồng ý của các quốc gia có chủ quyền. Từng nước không được phép đơn phương viết ra luật quốc tế” - bà giải thích, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh “đã đơn phương” đòi hỏi “quyền lịch sử trên biển”.

ImageSat International - công ty chuyên cung cấp ảnh vệ tinh mới đây đã công bố hình ảnh cho thấy TQ đã sử dụng khinh khí cầu để do thám đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hiện chưa rõ Bắc Kinh đã thu thập thông tin gì từ các khinh khí cầu này.

Dù bà Kanehara thừa nhận có một số trường hợp luật quốc tế cho phép mỗi nước được hành động đơn phương như việc xác định giới hạn phạm vi quyền tài phán đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tuy nhiên, việc này “phải dựa trên các điều luật liên quan”. Do đó, vị GS người Nhật tuyên bố yêu sách chủ quyền đơn phương của TQ không dựa trên luật pháp quốc tế là “đáng lên án”.

Không chỉ đe dọa an ninh khu vực với yêu sách chủ quyền vô lý mà hành động của Bắc Kinh trên thực địa cũng đi ngược lại luật pháp quốc tế vì luật quốc tế nghiêm cấm sử dụng vũ lực lẫn đe dọa dùng vũ lực. Bà dẫn chứng các tàu hải cảnh TQ thường xuyên đi vào vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của các nước xung quanh nhằm khẳng định cái gọi là “chủ quyền hàng hải chính đáng”.

“Không thể phủ nhận chiến lược Bắc Kinh sử dụng các tàu hải cảnh, tàu quân sự và lực lượng dân quân biển đã đe dọa nghiêm trọng với các nước láng giềng” - GS Atsuko Kanehara cho biết.

GS Kanehara cũng cho biết Nhật Bản dù đang kỳ vọng COC sớm được áp dụng nhưng văn kiện này “phải đủ mạnh để buộc Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế”. “Chúng ta cần phải xây dựng một vòng pháp lý mạnh mẽ mang tính bao vây mà TQ không thể nào thoát ra được” - GS Atsuko Kanehara đề xuất. Chuyên gia này cũng thừa nhận dù cách làm này “có thể không có kết quả ngay lập tức” nhưng nếu không kiên định trong thời gian dài sẽ không đạt được mục tiêu đề ra.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết từ ngày 26 đến 28-11, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã có cuộc gặp với người đồng cấp TQ La Chiếu Huy tại Bắc Kinh bàn về nhiều vấn đề trong quan hệ song phương.

Về các bất đồng ở biển Đông, hai bên đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề này và nhất trí thực hiện nghiêm túc nhận thức, kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng. Thứ trưởng Lê Hoài Trung nêu rõ lập trường của Việt Nam về vấn đề trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS. 

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Quốc phòng Mỹ nói gì về tin 'nổ hạt nhân ở biển Đông'?

Ông Turner không phản hồi đề nghị bình luận của báo chí về thông tin “nổ hạt nhân ở biển Đông”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN