"Trùm" tham nhũng Hòa Thân từng hăng hái chống tham nhũng như thế nào?

Ít ai ngờ được Hòa Thân khi làm quan đã có lúc trừng trị quan tham, còn được xưng tụng là “Hòa thanh thiên”.

Hòa Thân đã từng là người đi đầu trong việc chống tham nhũng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hòa Thân đã từng là người đi đầu trong việc chống tham nhũng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Nhắc đến Hòa Thân, người ta thường nghĩ ngay đến danh hiệu đệ nhất tham quan. Không chỉ ở Trung Quốc, mà trên thế giới xưa nay cũng chưa từng có vị quan nào tích lũy được khối tài sản lớn như ông. Tuy nhiên, chính Hòa Thân khi mới ra làm quan đã từng ra sức diệt trừ tham nhũng.

Sự kiện độc đáo này được lịch sử ghi chép lại. Vào năm Càn Long thứ 45 (năm 1780), Lý Thị Nghiêu, một vị đại thần bị tố giác tham nhũng.

Đứng sau điều khiển vụ án này không ai khác chính là Hòa Thân. Hòa Thân lúc đó đang giữ chức tổng quản phủ nội vụ. Ông giật dây Hải Ninh, một hạ cấp của mình đứng ra dâng tấu, tố cáo Lý Thị Nghiêu.

Lý Thị Nghiêu, là một người Hán. Ông có gia thế và công danh hiển hách. Làm quan ngay từ những năm đầu thời Càn Long. Lý Thị Nghiêu từng được giữ những chức vị quan trọng như thị lang bộ Hộ, thị lang bộ Công, tổng đốc Lưỡng Quảng, Vân Quý (Vân Nam), chức đại học sỹ.

Dưới thời nhà Thanh, người Hán được giữ những chức vụ cao rất ít, điều này cho thấy tài năng xuất chúng của Lý Thị Nghiêu. Thanh sử cảo ghi chép về ông như sau:

“Là người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, xem qua là thuộc. Đối với hạ cấp, chỉ cần vài lời liền phân biệt được tốt xấu, có tài hay không. Làm việc rất được tín nhiệm. Kẻ nói chuyện lợi hại, tốt xấu hoặc những chuyện mờ ám, nếu bị (ông) bắt gặp, tất thảy đều sợ hãi”.

Lý Thị Nghiêu được Càn Long rất coi trọng. Đáng tiếc, do tuổi cao quyền trọng, Lý Thị Nghiêu ngày càng trở nên kiêu ngạo, biến chất. Hòa Thân mới bước vào quan trường, khao khát chứng minh năng lực của mình. Lý Thị Nghiêu lập tức trở thành đích bắn mà Hòa Thân nhắm vào.

Đứng sau giật dây tố cáo đại thần, Hòa Thân là người hưởng lợi lớn nhất (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Đứng sau giật dây tố cáo đại thần, Hòa Thân là người hưởng lợi lớn nhất (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hòa Thân đã sắp xếp việc tố cáo tội trạng của Lý Thị Nghiêu một cách rất ngoạn mục. Vốn biết Càn Long luôn có biệt đãi với những quan viên ở tỉnh xa đến kinh thành, Hòa Thân cố ý đợi tan buổi chầu, mới đứng ra xin Càn Long xem bản tố cáo của Hải Ninh. Lại hùa vào rằng, mình vốn đã biết Lý Thị Nghiêu từ lâu tham ô, nhũng nhiễu.

Càn Long xem tấu nổi giận, lập tức giao ngay cho Hòa Thân và Hải Ninh đi điều tra vụ án. Cách làm này của Hòa Thân đã khiến thông tin tố giác không lọt bị ra ngoài. Vừa được Càn Long phái chính ông ta đi tra án mà không phải ai khác.

Hòa Thân thể hiện mình là người mẫn cán. Ông không quản ngại đường xa. Từ Bắc Kinh ngày đêm lên đường tới Vân Nam điều tra. Vừa đến Vân Nam, Hòa Thân ngay lập tức đánh đòn phủ đầu. Ông ta tuyên đọc thánh chỉ bắt giam và tước hết mọi chức vụ của Lý Thị Nghiêu.

Sau đòn đánh này, thời gian sau, Hòa Thân lại tỏ ra chẳng quan tâm gì đến việc tra án. Ông ngày ngày bỏ đi thăm thú, vui chơi. Bản thân Hòa Thân biết rõ, Lý Thị Nghiêu đã làm quan ở Vân Nam lâu năm, tay chân của ông ta rất nhiều. Nếu điều tra gấp rút, sẽ chẳng thu được kết quả gì.

Hòa Thân tuy bề ngoài tỏ ra yếu kém, nhưng bên trong lại ngấm ngầm sai phái điều tra. Tuy nhiên, ông cũng chẳng thu được chứng cứ nào quan trọng.

Hòa Thân nhất định không bỏ cuộc. Ông bắt đầu chuyển hướng điều tra sang quản gia của Lý Thị Nghiêu - Triệu Nhất Hằng. Thân là quản gia, mọi công việc, thu chi đều phải qua tay hắn. Vì vậy, Hòa Thân ngay lập tức bắt giam Triệu Nhất Hằng, dùng cực hình tra khảo. Triệu Nhất Hằng không chịu nổi đau đớn buộc phải nhận tội.

Hòa Thân luận tội Lý Thị Nghiêu trước bá quan văn võ (ảnh minh họa)

Hòa Thân luận tội Lý Thị Nghiêu trước bá quan văn võ (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, để buộc tội một đại thần, chỉ dùng lời khai của một tên quản gia nhỏ bé là không đủ. Hòa Thân nghĩ ra kế sách. Ông ta triệu tất cả quan lại lớn nhỏ ở Vân Nam đến. Trước mặt họ, Hòa Thân tuyên đọc lời khai của Triệu Nhất Hằng một lượt. Sau đó, ông ra vẻ thản nhiên, bỏ vào công đường, không tiếp xúc bất cứ ai.

Đòn tâm lý này lập tức có hiệu quả. Những quan lại, thuộc hạ cũ của Lý Thị Nghiêu tưởng rằng Hòa Thân đã nắm rõ tường tận. Sợ bị vạ lây, những kẻ này đua nhau tố cáo, cung cấp bằng chứng Lý Thị Nghiêu lạm dụng chức quyền, tham ô hối lộ.

Giữa công đường, Hòa Thân hạch tội Lý Thị Nghiêu, ông ta không còn gì chối cãi. Hòa Thân trên đường áp giải Lý Thị Nghiêu về kinh, dân chúng đứng đầy hai bên đường bái vọng, đưa tiễn. Đều tung hô ông là Hòa thanh thiên.

Sự việc này đã phần nào thể hiện được mưu trí và tài năng thực sự của Hòa Thân. Thanh sử chép lại:

Lý Thị Nghiêu không thể giấu giếm việc nhận hối lộ. Càn Long biết tin nổi giận nói:

- Thị Nghiêu thân là đại học sĩ. Từng là tổng đốc, lại vong ân bội nghĩa. Thực không thể ngờ tới. Lập tức tước quan. Áp giải về kinh.

Sau khi trừng trị được tham quan, Hòa Thân ngày ngày biến chất (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Sau khi trừng trị được tham quan, Hòa Thân ngày ngày biến chất (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hòa Thân cố ép bằng được Lý Thị Nghiêu vào chỗ chết. Sau mỗi lần nghị tội đều dâng tấu lên yêu cầu “trảm lập quyết” (trảm ngay lập tức). Càn Long vì nghĩ đến tài cán của Lý Thị Nghiêu nên mấy lần đều không chuẩn tấu. Yêu cầu Hòa Thân cùng bộ Hình thương nghị lại.

Tuần phủ Giang Tô là Mẫn Ngọc Nguyên hiểu ý Càn Long, dâng tấu:

- Lý Thị Nghiêu từng giữ trọng trách. Lại tài năng hơn người. Nên được coi là ngoại lệ mà tha (tội chết) cho.

Càn Long vì vậy phán Lý Thị Nghiêu “trảm giam hậu” (giam lại, tiếp tục cân nhắc việc xử trảm). Hòa Thân không đạt được mục đích giết hại Lý Thị Nghiêu. Nhưng qua sự việc lần này, ông ta cũng chứng tỏ được năng lực và phẩm chất của mình với Càn Long. Khiến cho Càn Long tin tưởng và sủng ái nhiều hơn.

Hòa Thân mới đặt chân vào quan trường đã đi một nước cờ rất khôn ngoan. Ông ta đứng sau giật dây người khác tố cáo đại thần để tránh bị liên lụy. Nhưng khi có lệnh điều tra, thì lại hăng hái đi trước để lập công đầu.

Sau vụ đại án này, Hòa Thân được thăng chức làm thượng thư bộ Hộ, cơ quan trọng yếu quản lý tài chính của triều Thanh. Từ đây, ông ta “chuột sa chĩnh gạo”, mặc sức tham ô, vơ vét.

____________

Hòa Thân là một kẻ tham lam nhưng lại thường xuyên được giữ những chức vụ có liên quan đến quản lý tài chính, tiền bạc. Không chỉ dựa vào tham nhũng, Hòa Thân còn vô vàn cách thức kiếm tiền khác khiến hậu thế phải bất ngờ. Mời bạn đón đọc chi tiết trong bài kỳ sau, xuất bản vào sáng 25/09/2019

Nghèo túng, thi rớt, dựa vào thủ đoạn nào Hòa Thân được Càn Long đích thân ban chức tước?

Ẩn sâu dưới sự sủng ái đặc biệt mà Càn Long dành cho Hòa Thân, là một câu chuyện ít ai ngờ tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN