“Cuộc chiến” mới của những lính Mỹ khi trở về quê nhà từ Afghanistan

Sự kiện: Tin tức Mỹ

Nhiều quân nhân khác còn bị dày vò, bị cảm giác tội lỗi hành hạ vì vô tình đẩy dân thường vào hiểm nguy.

Sau nhiều năm tham gia những cuộc chiến không hồi kết như ở Iraq và Afghanistan, khi trở về nhà, nhiều quân nhân Mỹ rất khó khăn để có thể sống một cuộc đời bình thường.

Rất nhiều nỗi đau, dằn vặt, ám ảnh tâm lý thời hậu chiến của quân nhân Mỹ đã được chia sẻ qua bài viết của bà Marian Eide, Giáo sư tại Đại học Texas A&M nhân kỷ niệm 20 năm sự kiện 11/9 và cũng là lúc nước Mỹ vừa rút hết quân khỏi đất nước Tây Á sau hàng chục năm theo đuổi cuộc chiến dai dẳng.

Mỹ đã rút hết quân khỏi Afghansitan từ cuối tháng 8 vừa qua. Ảnh: Time

Mỹ đã rút hết quân khỏi Afghansitan từ cuối tháng 8 vừa qua. Ảnh: Time

Thường xuyên phải ra quyết định sinh tử

Bài viết được đăng tải trên báo The Conversation và tất cả các quân nhân trong bài viết đều được giấu tên để đảm bảo tính khách quan và riêng tư.

Nữ Giáo sư Marian Eide đã cùng Đại tá Michael Gibler, sĩ quan bộ binh Mỹ suốt 28 năm và có thời gian tham chiến tại Iraq cùng Afghanistan, viết cuốn sách “Hậu chiến: Những câu chuyện thật từ chiến tranh Iraq và Afghanistan”, kể lại những câu chuyện và trải nghiệm của ít nhất 30 cựu quân nhân trong thời gian từ năm 2012 - 2021.

Những quân nhân này ở độ tuổi từ 20 - 55, có nền tảng và địa vị khác nhau nhưng đều có chung cảm giác hoang mang, sợ hãi khi nhớ lại thời khắc trong và sau khi phải cầm súng chĩa vào đối phương.

Rất nhiều tân binh ra chiến trường với niềm tin, trong điều kiện chiến tranh, việc tiêu diệt kẻ địch là cần thiết và những cuộc chiến như ở Afghanistan hay Iraq đối với họ đều là chính đáng khi xét trên mặt quân sự, chính trị. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược khi những quân nhân này buộc phải đứng trước tình huống quyết định sự sống/cái chết.

Nếu trong những bộ phim về chiến tranh hay trò chơi trực tuyến, việc cầm súng tiêu diệt kẻ địch được mô tả một cách rõ ràng và cao cả như hành động vì chính nghĩa thì trong đời thực, cảm giác phải ra quyết định bóp cò, quyết định sinh mạng người khác rất khó khăn.

“Mọi người thường nghĩ tất cả đơn giản như trò chơi điện tử - Call of Duty. Nhưng thực tế, có rất nhiều tình huống chiến đấu mà bạn không biết đối tượng mình ngắm súng là ai và hành động đó có nên làm hay không”, một quân nhân tên Beau (đã được thay đổi danh tính) chia sẻ.

Beau giải thích, khi đơn vị bị tấn công, việc xác định kẻ địch đang đe dọa tính mạng của mình và đồng đội rất dễ dàng. Nhưng ở nhiều cuộc giao tranh khác, tình huống thực tế lại không hề rạch ròi.

Beau phải cố gắng nhìn nhận, tận mắt xác định thật rõ kẻ địch, đánh giá ý đồ, bất kể mạng sống đang cận kề nguy hiểm, để không phải hối hận khi giương súng.

Beau nhớ lại cảm giác khi phải nổ súng đáp trả một kẻ tấn công từ ngôi nhà gần chốt canh gác. Sau sự việc, cả đội vào lục soát, phát hiện một người đàn ông bị chết, tay vẫn cầm khẩu súng trường và xác định, kẻ địch đã bị tiêu diệt.

Trong khi cả đội chúc mừng, bản thân người cầm súng lại cảm thấy không hề thoải mái vì cảm giác chính mình đã cướp đi sinh mạng của một đồng loại.

Tổn thương và sang chấn tâm lý nghiêm trọng

Nhiều quân nhân khác còn bị dày vò, bị cảm giác tội lỗi hành hạ vì vô tình đẩy dân thường vào hiểm nguy. Binh sĩ, được gọi tên là “Robin”, nhớ lại cảm giác đau đớn khi một cậu bé bị quân Taliban hành quyết vì nghi cung cấp thông tin quan trọng cho lính Mỹ.

Hay như câu chuyện một quân nhân tên Reuben đã xả súng, ngăn chiếc xe hơi đang rồ ga, cố tình lao vào chốt kiểm soát. Sự việc xảy ra nhanh và mục đích tấn công của chiếc xe kia đã quá rõ ràng.

Nhưng khi xe dừng lại, Reuben kiểm tra bên trong, phát hiện anh không chỉ tiêu diệt người lái mà còn sát hại một cháu bé 6 tuổi ngồi ghế bên. Một viên đạn súng bắn tỉa 50 BMG đã găm trúng vào người cháu bé.

Cảnh tượng đó hằn sâu trong trí óc của Reuben nhiều năm sau. Dù Reuben tự nhủ với bản thân, hành động của mình là chính đáng nhưng những hình ảnh tại hiện trường cứ lặp đi, lặp lại. Reuben luôn phải đấu tranh tâm lý để thoát khỏi suy nghĩ mình là “quái vật”.

Vì những chấn động và xáo trộn tâm lý trong thời chiến, khi quay về nhà không ít binh sĩ phải gánh chịu những tổn thương tâm lý, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, những hành động sát thương trên chiến trường có thể gây ra tổn thương tâm lý rất lớn, làm tăng nguy cơ rối loại tâm lý, lạm dụng bia rượu và tự sát của quân nhân.

Trong khi đó, phần lớn dân thường lại không bao giờ hiểu gánh nặng về tâm lý và đạo đức mà những người như Beau, Reuben hay Robin phải chịu đựng để chia sẻ và thấu hiểu khi cần thiết.

Cuộc chiến tại Afghanistan được xem là cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, cướp đi sinh mạng của 2.448 binh lính Mỹ và khiến 20.722 người Mỹ khác bị thương.

Tờ Hindustan Times cho biết, Mỹ đã chi hơn 2.000 tỷ USD cho cuộc chiến này trong khi hơn 66.000 binh lính và cảnh sát Afghanistan cũng đã thiệt mạng trong 20 năm qua.

Tổng thống Joe Biden khẳng định, Mỹ rút toàn bộ binh lính vì đã đạt được các mục tiêu, đó là làm suy yếu al-Qaeda và ngăn chặn được các cuộc tấn công tương tự thảm kịch ngày 11/9/2001 nhằm vào Mỹ.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc Mỹ rút quân để lại một Afghanistan với rất nhiều thách thức: Nguy cơ trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, xung đột bạo lực từ tình trạng chia rẽ đất nước không chỉ đe dọa trong phạm vi lãnh thổ Afghanistan mà có thể sẽ rất nhanh chóng tác động tới cục diện, tình hình an ninh khu vực.

Nguồn: [Link nguồn]

Taliban có động thái ”rắn” sau vụ bắn chỉ thiên khiến 58 người thương vong

Việc bắn chỉ thiên không chỉ gieo giắc nỗi sợ hãi trong dân thường Afghanistan mà còn khiến nhiều người thiệt mạng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trang Trần ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN