Cuộc chiến chống ly khai ở Chechnya: Quân Nga từng bị gây khó dễ ra sao?

Bên cạnh việc quân đội Nga chưa có kinh nghiệm tác chiến đô thị, việc quân Chechnya vận dụng hiệu quả chiến thuật du kích là một trong những nguyên nhân khiến người Nga gặp khó khăn ở cuộc chiến Chechnya lần 1.

Cuộc chiến Chechnya lần 1 được xem là không hề dễ dàng với quân Nga như dự tính của Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Ảnh: Funonthnet

Cuộc chiến Chechnya lần 1 được xem là không hề dễ dàng với quân Nga như dự tính của Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Ảnh: Funonthnet

Tháng 12/1994, Moscow chính thức mở chiến dịch quân sự ở cộng hòa Chechnya sau khi các lãnh đạo vùng lãnh thổ thuộc Nga này đòi ly khai. Trái với kỳ vọng của Tổng thống Nga Boris Yeltsin khi đó, quân đội Nga vấp phải sự phản kháng dữ dội từ phe ly khai Chechnya và không thể đánh nhanh thắng nhanh như dự tính.

Cuối cùng, giới chức Nga phải kết thúc chiến dịch quân sự kéo dài 2 năm bằng thỏa thuận Khasavyurt - cho phép các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội diễn ra ở Chechnya. Đồng thời, lãnh đạo Moscow và Chechnya cũng ký một hiệp ước đảm bảo rằng đôi bên chỉ hướng tới các giải pháp hòa bình, nếu xảy ra bất kỳ tranh chấp nào.

Chiến dịch quân sự ở Chechnya (hay Cuộc chiến Chechnya lần 1) được đánh giá là “thất bại” của quân đội Nga. Trang Small Wars Journal có phân tích kỹ về chiến thuật, kế hoạch giúp người Chechnya gây khó dễ cho quân Nga.

Chiến thuật của Chechnya

Tay súng Chechnya đứng trên một chiếc xe tăng Nga ở thủ phủ Grozny năm 1994. Ảnh: Alamy

Tay súng Chechnya đứng trên một chiếc xe tăng Nga ở thủ phủ Grozny năm 1994. Ảnh: Alamy

Có nhiều yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của Chechnya trước người Nga trong Cuộc chiến Chechnya lần 1 (1994 - 1996). Đầu tiên là việc phe ly khai Chechnya sử dụng hiệu quả chiến thuật du kích. Ví dụ, người Chechnya nhận thức rõ chênh lệch về quân số cũng như vũ khí với quân Nga nên thường tránh đối đầu trực tiếp hoặc cận chiến như thông thường. Thay vào đó, họ chiến đấu ở môi trường đô thị hoặc rừng núi, phù hợp với cách đánh du kích, làm tiêu hao lực lượng của quân đội Nga. 

Tiếp theo là việc vận dụng linh hoạt chiến thuật của Chechnya. Khi người Nga bắt đầu dùng pháo binh và súng cối yểm trợ, phe ly khai Chechnya áp dụng chiến thuật "tiến gần", áp sát đối phương và buộc quân Nga phải hạn chế hỏa lực yểm trợ vì lo ngại bắn nhầm vào quân mình. 

Ngoài ra, người Chechnya còn biết lợi dụng địa hình, địa thế để chiến đấu. Cụ thể, phe ly khai thường xuyên ẩn náu cũng như cất giấu vũ khí, đạn dược ở khu vực phía nam Chechnya vì nơi đây nổi tiếng với các ngọn núi hiểm trở. Bên cạnh đó, người Chechnya cũng có những nơi trú ẩn ở cộng hòa Dagestan, cộng hòa Ingushetia (đều thuộc Nga, giáp Chechnya), và vô số các khu vực trú ẩn khác dọc biên giới với Georgia. Nhờ đó, quân ly khai Chechnya dễ dàng trốn tránh quân Nga và có điểm rút lui an toàn. 

Cơ cấu tổ chức của quân ly khai Chechnya cũng góp phần đáng kể vào hiệu quả chiến đấu. Họ thường chia thành các nhóm nhỏ và gài bom bên đường để khiến hàng ngũ quân Nga rối loạn. 

Quy mô nhỏ của các đơn vị quân ly khai Chechnya không chỉ giúp tăng khả căng cơ động và dễ dàng ẩn náu, mà còn tạo điều kiện cho các vụ tấn công bất ngờ nhằm vào những đoàn xe vận tải và các căn cứ cố định của Nga.

Trong cuộc chiến, quân ly khai Chechnya còn chú trọng tới khâu liên lạc. Họ sử dụng nhiều thiết bị liên lạc như radio, điện thoại di động... để đảm bảo thông tin không bị gián đoạn trong chiến đấu. 

Quân Chechnya có thể can thiệp vào một số hệ thống liên lạc của Nga trong những ngày đầu của cuộc chiến. Họ cũng được trao đổi kỹ về tầm quan trọng của bảo mật thông tin liên lạc. Các tay súng ly khai thường dùng tiếng bản địa khi trao đổi qua bộ đàm để tránh bị nghe lén. 

Một yếu tố khác giúp quân ly khai Chechnya có lợi thế là sự quen thuộc với quân đội Nga. Cụ thể, nhiều người Chechnya từng được đào tạo trong quân đội Liên Xô trước đây nên hiểu rõ các loại vũ khí mà Nga sử dụng. Từ đó, quân ly khai Chechnya sẽ nhắm vào điểm trọng yếu của các loại vũ khí này để phá hủy nhanh mà vẫn tiết kiệm đạn dược. Ví dụ, khi tấn công xe tăng Nga, các tay súng Chechnya thường nhắm vào pin nhiên liệu và động cơ. 

Quân ly khai Chechnya còn sử dụng nhiều vũ khí đơn giản nhưng hiệu quả để đối phó quân Nga. Họ thường sử dụng các loại vũ khí phù hợp với tác chiến đô thị, dễ sử dụng và tiện lợi khi vận chuyển như súng trường tấn công, súng bắn tỉa, tên lửa chống tăng RPG-7… 

Hai tay súng Chechnya ở thủ phủ Grozny tháng 1/1995. Ảnh: Getty

Hai tay súng Chechnya ở thủ phủ Grozny tháng 1/1995. Ảnh: Getty

Người Chechnya còn thường xuyên cử các tay bắn tỉa tới bắn phá khiến binh sĩ Nga lúc nào cũng ở trong trạng thái “căng như dây đàn”. Các tay bắn tỉa còn cản trở hoạt động của đơn vị rà phá bom mìn và quấy phá hệ thống chỉ huy của Moscow. 

Nhờ áp dụng các chiến thuật đơn giản - hiệu quả, quân ly khai Chechnya thành công cản trở các cuộc tấn công của Nga, đồng thời chia rẽ lực lượng bộ binh Nga và các xe tăng yểm trợ. 

Dù vậy, quân ly khai Chechnya chỉ thành công trong giai đoạn đầu cuộc chiến. Người Nga sau đó dần chiếm được lợi thế do quân số và hỏa lực áp đảo. 

Bước ngoặt của cuộc chiến Chechnya lần 1 xảy ra vào năm 1995 - khi quân ly khai thay đổi chiến thuật. Họ chuyển từ sử dụng các phương tiện quân sự thuần túy để chống chiến tranh sang khai thác các lỗ hổng chính trị của chính quyền Tổng thống Yeltsin. 

Quân ly khai Chechnya bắt đầu thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố quy mô lớn vào các mục tiêu "mềm" của Nga.  Tháng 6/1995, các tay súng ly khai Chechnya khiến giới chức Nga sững sờ khi chiếm một bệnh viện ở thị trấn Budennovsk (Nga) và bắt giữ hơn 1.000 con tin. Cầm đầu nhóm bắt cóc là Shamil Basayev. 

Với việc bắt giữ dân thường làm con tin, Basayev tin rằng giới chức Nga sẽ phải chấp nhận đàm phán và chấm dứt chiến sự ở Chechnya. Trong lúc bị bao vây, Basayev dọa giết các con tin trừ phi giới chức Nga từ bỏ chiến dịch quân sự, rút toàn bộ binh sĩ khỏi Chechnya và chấp thuận quá trình đàm phán với lãnh đạo Chechnya Dudayev. 

Ban đầu, đặc nhiệm Nga đột kích vào bệnh viện để giải thoát con tin nhưng do số lượng con tin quá lớn nên nhiệm vụ thất bại. Moscow buộc phải nhượng bộ phe ly khai Chechnya. 

Basayev được đáp ứng hầu hết các điều kiện và rời thị trấn Budennovsk an toàn, trong khi giới chức Nga bị chỉ trích vì cách xử lý vụ bắt cóc.

Quân ly khai Chechnya còn tận dụng truyền thông để thu hút sự chú ý của dư luận thế giới nói chung và tác động tới dư luận Nga nói riêng về cuộc chiến ở Chechnya. 

Quân ly khai Chechnya đã cấp quyền tiếp cận không giới hạn cho các phóng viên Nga, cho phép họ đi lại tự do ở Chechnya và phỏng vấn các tay súng ly khai về mục tiêu, sự bất bình của họ với quân đội Nga. 

Giới lãnh đạo Chechnya cũng mời phóng viên báo chí nước ngoài tới vùng lãnh thổ này để truyền tải thông điệp, nguyện vọng của người Chechnya cũng như ghi nhận sự tàn phá của chiến tranh ở đây. 

Việc Chechnya khéo léo sử dụng truyền thông khiến tinh thần của quân nhân Nga phần nào bị ảnh hưởng. Quân nhân Nga cảm thấy đang chiến đấu trong một cuộc chiến mà công chúng Nga không ủng hộ.

Quân Chechnya cũng lợi dụng cảm xúc của người dân Chechnya bị mất người thân do chiến tranh để tuyển vào hàng ngũ. Quân số của phe ly khai Chechnya phát triển nhanh chóng.  

Cuối cùng, phe ly khai Chechnya đã đạt được hầu hết mục tiêu chính trị nhờ vận dụng linh hoạt các chiến thuật du kích, khả năng phản ứng nhanh trước quân đội Nga, tận dụng tốt địa hình, hiểu rõ các lỗ hổng chính trị và quân sự của Moscow và tranh thủ được sự ủng hộ của người dân địa phương.

Cuộc chiến Chechnya lần 1 cho thấy điều gì?

Ảnh: Alexander Nemenov

Ảnh: Alexander Nemenov

Theo trang Small War Journal, chiến dịch quân sự của Nga ở Chechnya (1994 - 1996) được cho là một thất bại vì nhiều lý do. Thứ nhất, do thiếu kế hoạch thống nhất, phối hợp kém hiệu quả và thu thập thông tin tình báo kém, giới chức Nga coi cuộc chiến ở Chechnya chỉ là một chiến dịch nhỏ và cho rằng hỏa lực mạnh của Moscow sẽ dễ dàng khuất phục phe ly khai Chechnya. 

Thứ hai, trước khi mở chiến dịch quân sự, chính quyền Tổng thống Yeltsin chưa nhận rõ điểm yếu của quân đội Nga và điểm mạnh của người Chechnya. Điều đó góp phần khiến các lực lượng Nga vốn rệu rã và thiếu huấn luyện bài bản nhanh chóng tan vỡ khi tiến vào Chechnya đối đầu với quân ly khai. 

Thứ ba, Nga thiếu một chiến lược gắn kết để đối phó với đối phương. Tổng thống Nga Yeltsin không xác định rõ các mục tiêu thực tế có thể đạt được trước khi Moscow mở chiến dịch quân sự. Đôi khi, Chính quyền Nga khiến các lãnh đạo quân sự nước này bối rối vì đưa ra những mệnh lệnh mơ hồ và thiếu thực tế. 

-------------------------

Tình hình ở Chechnya rơi vào bất ổn sau khi Nga rút quân năm 1996. Các nhóm cực đoan chiếm ưu thế và thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố ở các khu vực thuộc Nga, giáp Chechnya. Năm 1999, ông Putin - lúc đó là Thủ tướng Nga - quyết định đưa quân trở lại Chechnya. Đó cũng là lúc cuộc chiến Chechnya lần 2 bắt đầu. Mời độc giả cùng tìm hiểu về cuộc chiến này trong bài tiếp theo, đăng trên mục Thế giới, lúc 19h ngày 10/5.

Nguồn: [Link nguồn]

Nước cộng hòa từng đòi ly khai khỏi Nga và cuộc chiến căng thẳng với Moscow

Khi lệnh cho quân đội Nga tiến vào Chechnya tháng 12/1994, ông Boris Yeltsin, Tổng thống Nga khi đó, tự tin rằng cuộc chiến Nga - Chechnya sẽ sớm kết thúc với chiến thắng chóng vánh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN