Nước cộng hòa từng đòi ly khai khỏi Nga và cuộc chiến căng thẳng với Moscow

Khi lệnh cho quân đội Nga tiến vào Chechnya tháng 12/1994, ông Boris Yeltsin, Tổng thống Nga khi đó, tự tin rằng cuộc chiến Nga - Chechnya sẽ sớm kết thúc với chiến thắng chóng vánh thuộc về người Nga. Tuy nhiên, thực tế không như vậy.

Binh sĩ Nga ở Chechnya tháng 12/1994. Ảnh: AP

Binh sĩ Nga ở Chechnya tháng 12/1994. Ảnh: AP

Cộng hòa Chechnya từng đòi ly khai khỏi Nga, trong khi chính quyền Moscow không muốn điều này xảy ra vì có thể trở thành tiền lệ xấu. Xung đột giữa đôi bên bùng phát và được thể hiện rõ qua 2 cuộc chiến. Loạt bài lần này sẽ cùng độc giả tìm hiểu về các cuộc chiến này.

Nước cộng hòa đòi ly khai khỏi Nga

Việc Chechnya – nước cộng hòa thuộc Nga – đòi ly khai là vấn đề khiến Nga "phát sốt" thời hậu Liên Xô. Theo tờ DW, nếu Chechnya thực sự độc lập khỏi Nga, một làn sóng đòi ly khai có thể xuất hiện ở nhiều vùng lãnh thổ khác, đẩy Moscow vào tình trạng mất kiểm soát.

Dudayev, một trong những người quyền lực nhất ở Chechnya kể từ năm 1991, đã tuyên bố Chechen National Congress (OKChN) – tổ chức do ông này đứng đầu - là cơ quan quyền lực tối cao ở cộng hòa Chechnya. 

Nhận ra việc các quan chức Nga đang chật vật đối phó "cơn sốt” ly khai ở Chechnya, Tổng thống Nga Yeltsin tuyên bố, Moscow không ủy quyền cho OKChN nắm quyền kiểm soát tối cao ở Chechnya.

Tuy nhiên, ông Yeltsin để lỡ cơ hội ngăn chặn Dudayev khi OKChN tổ chức trước các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống vào cuối tháng 10/1991 - sớm nửa tháng so với ngày dự kiến. Dudayev trở thành Tổng thống của cộng hòa Chechnya. 

Sau khi lên nắm quyền, Dudayev đơn phương tuyên bố Chechnya độc lập. Động thái này buộc Tổng thống Nga Yeltsin phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở cộng hòa Chechnya. Bên cạnh đó, ông Yeltsin cũng cử 1.000 binh sĩ Nga tới ngay thủ phủ Grozny của Chechnya. 

Tuy nhiên, sau khi quân Nga tới sân bay Grozny, họ buộc phải rút lui khi bị những người ủng hộ có vũ trang của Dudayev bao vây. Để trả đũa, ông Yeltsin định gửi thêm quân tới Chechnya nhưng bối cảnh chính trị ở Nga lúc đó không thuận lợi để làm điều đó. Dudayev tạm thời vẫn là lãnh đạo của cộng hòa Chechnya cho tới năm 1994. 

Trong thời gian ngắn ngủi nắm quyền, Dudayev tích cực phá bỏ mọi công cụ kiểm soát của Nga ở cộng hòa Chechnya. Trong sắc lệnh nhậm chức, Dudayev tuyên bố Chechnya ly khai khỏi Nga và ban hành Luật về chủ quyền nhà nước của cộng hòa Chechnya. 

Bên cạnh việc thúc đẩy chính quyền Chechnya tách khỏi Nga hoàn toàn về chính trị, Dudayev cũng cố gắng để Chechnya có nền kinh tế tự cung tự cấp. 

Tuy nhiên, đến giữa năm 1992, những thay đổi đầy tham vọng của Dudayev đã thất bại. Kể từ đó, khó khăn kinh tế và bất ổn chính trị bủa vây Chechnya dẫn đến tình trạng bất ổn ở nước cộng hòa này. 

Về phía Nga, đầu năm 1994, chính quyền Yeltsin ngừng tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vấn đề Chechnya và bắt đầu chuẩn bị mở chiến dịch quân sự. 

Dẫu vậy, Yeltsin vẫn muốn Dudayev bị chính các đối thủ chính trị ở Chechnya lật đổ. Kỳ vọng này của Tổng thống Nga khi đó nhanh chóng sụp đổ khi mâu thuẫn nội bộ khiến các đối thủ chính trị của Dudayev thất bại trong cuộc tấn công vào Grozny hồi tháng 11/1994. 

Bên cạnh đó, danh tiếng của người Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi quân của Dudayev áp giải các quân nhân Nga công khai trước báo giới. 

Giữa tháng 11/1994, nhận thấy Tổng thống Nga đang cân nhắc nghiêm túc việc dùng sức mạnh quân sự vào Chechnya, Dudayev nhiều lần tìm cách quay lại bàn đàm phán với Nga. Tuy nhiên, Hội đồng An ninh Nga đã quyết định cho một chiến dịch quân sự ở Chechnya. Vài tuần sau, quân đội Nga tiến vào Chechnya. Giới chức Nga tuyên bố "sẵn sàng khôi phục trật tự và luật pháp" ở Chechnya. 

Chiến dịch quân sự của Nga ở Chechnya

Trước khi Moscow tấn công Chechnya, một số quan chức chính phủ Nga và những người làm việc tại Bộ Quốc phòng nước này bày tỏ sự nghi ngờ về chiến dịch quân sự của Nga ở Chechnya.

Sergei Yushenkov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga khi đó, cố gắng ngăn cuộc chiến ở Chechnya. Tướng Gromov - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga khi đó - cũng phản đối cuộc chiến này. Ông Gromov chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó về kỳ vọng thiếu thực tế và không chuẩn bị kỹ càng cho cuộc chiến. 

Tháng 12/1994, các chuyên gia quân sự Nga đã tranh cãi gay gắt về tình trạng thiếu sự huấn luyện trong quân đội, dẫn tới hơn 550 sĩ quan ở mọi cấp bậc bị kỷ luật, sa thải hoặc tự rời bỏ quân đội vì phản đối cuộc chiến ở Chechnya. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự của Nga vẫn diễn ra tại đây. Các nhà hoạch định quân sự Nga chỉ có chưa đầy 2 tuần để di chuyển và bố trí lực lượng cũng như vật tư. 

Xe tăng Nga tiến vào một ngôi làng ở Chechnya vào ngày 11/12/1994. Ảnh: Reuters

Xe tăng Nga tiến vào một ngôi làng ở Chechnya vào ngày 11/12/1994. Ảnh: Reuters

Ngày 11/12/1994, quân đội Nga tiến vào Chechnya theo 3 hướng. Binh đoàn phía Bắc di chuyển tới từ thị trấn Mozdok ở Bắc Ossetia. Binh đoàn phía Tây di chuyển từ thành phố Vladikavkaz (Nga) băng qua Cộng hòa Ingushetia (thuộc Nga) để tới Chechnya. Binh đoàn phía Đông bắt đầu tiến công ở Cộng hòa Dagestan (thuộc Nga). 

Mục tiêu chính của quân đội Nga trong chiến dịch này là nắm quyền kiểm soát các khu vực xa trung tâm ở Chechnya. Từ đây, quân đội Nga có thể tấn công thẳng vào thành phố Grozny – thủ phủ của Chechnya.

Khi binh sĩ Nga từ Binh đoàn phía Bắc tiến vào Chechnya, họ không gặp phải nhiều sự kháng cự từ người địa phương vì khu vực phía bắc của Chechnya có xu hướng thân Nga và chịu ảnh hưởng lớn từ các đối thủ của ông Dudayev. 

Tuy nhiên, Binh đoàn phía Đông và phía Tây đã vấp phải sự chống trả quyết liệt từ phe ly khai Chechnya. Việc quân đội Nga tiến vào Chechnya đã bất ngờ làm thay đổi tình hình chính trị ở khu vực phía đông và tây của nước cộng hòa này. Chính quyền ly khai của Dudayev nhận được sự ủng hộ lớn của người dân Chechnya. Hàng nghìn dân thường Chechnya, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, đã chặn đường đi và thậm chí là chiến đấu chống lại các binh sĩ Nga. 

Sự phản kháng từ người dân địa phương làm chậm đáng kể bước tiến của quân đội Nga. Các binh sĩ Nga đầu tiên tiến vào Chechnya có mặt gần thủ phủ Grozny hôm 20/12/1994 - muộn hơn 1 tuần so với kế hoạch ban đầu. 

Tới ngày 26/12/1994, toàn bộ các lực lượng Nga mới tiếp cận và bao vây Grozny. Tuy nhiên, quân ly khai Chechnya vẫn có thể ra vào thành phố Grozny nhờ tận dụng những lối đi bí mật, nhất là ở khu vực phía nam.

Vài ngày sau khi Grozny bị bao vây, 6.000 binh sĩ Nga tìm cách chọc thủng phòng tuyến của Grozny và kỳ vọng chiếm được dinh Tổng thống Chechnya. Tuy nhiên, quân đội Nga đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của phe ly khai Chechnya – một lực lượng được tổ chức tốt. Điều đó khiến quân Nga không thực hiện được ý đồ đánh nhanh thắng nhanh, chiếm toàn bộ thành phố mà phải tấn công từng con phố ở Grozny. 

Quân Chechnya ở thủ phủ Grozny. Ảnh: Getty

Quân Chechnya ở thủ phủ Grozny. Ảnh: Getty

Vào thời điểm tiến vào Chechnya, quân đội Nga được trang bị tương đối tốt nhưng không phải lực lượng chuyên nghiệp như thời hậu Thế chiến II. Sau sự kiện Liên Xô tan vỡ năm 1991, quân đội Nga được huấn luyện không bài bản, khả năng lập kế hoạch tác chiến bị hạn chế và mức độ sẵn sàng huy động là rất kém, theo trang Small Wars Journal. 

Ngoài ra, các lực lượng mặt đất Nga cũng không có các cuộc tập trận cấp sư đoàn kể từ năm 1992. Nhiều đơn vị cấp tiểu đoàn được báo cáo thực tế chỉ có 55-60% sức mạnh. 

Cùng với đó, các binh sĩ Nga không được huấn luyện về chiến tranh đô thị và không có sự phối hợp cơ bản giữa các chỉ huy và cấp dưới. Ví dụ, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ An ninh Nội địa Nga đều được giao nhiệm vụ trong chiến dịch quân sự ở Chechnya, nhưng không đơn vị nào trong số này được huấn luyện cùng nhau trước đó. Điều này gây ra mâu thuẫn trong nội bộ quân Nga. 

Chính quyền Nga khi đó cũng không thành lập bất kỳ cơ quan điều phối nào nhằm giải quyết các vấn đề chính trị ở Chechnya. Thời điểm đưa quân tới Chechnya, Nga còn thiếu một chiến lược an ninh quốc gia thống nhất với toàn bộ khu vực Bắc Caucasus. 

Khác với quân đội Nga, các lực lượng ly khai Chechnya được chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chiến. Trong trận chiến ở thủ phủ Grozny, các tay súng Chechnya, di chuyển cả trên mặt đất lẫn dưới lòng đất (hầm, hào), để tấn công quân đội Nga từ nhiều hướng khác nhau. 

Các tay súng Chechnya còn đứng trên những tòa nhà cao tầng, ném lựu đạn cùng bom xăng tự chế vào đối phương, làm chậm bước tiến của quân Nga trong thành phố. 

Quân ly khai Chechnya, những người có lợi thế phòng thủ, đã vận dụng kiến thức tác chiến đường phố để khiến quân Nga bối rối. Cụ thể, họ tháo các biển báo trên đường phố và đặt chúng ở những nơi dễ gây nhầm lẫn để khiến quân Nga bối rối vì không có đầy đủ bản đồ về Grozny.

Quân Chechnya cũng nhận thức rõ về các hệ thống hỏa lực trực tiếp và gián tiếp của Nga. Vì vậy, họ không tập trung sức mạnh chiến đấu vào các vị trí cố định mà sử dụng chiến thuật "du kích", di chuyển từ xe này sang xe khác để bắn tên lửa chống tăng vào xe tăng và xe bọc thép chở quân của Moscow.

Cuối cùng, hàng nghìn binh sĩ Nga bị mắc kẹt trên các đường phố Grozny vì không có kinh nghiệm chiến đấu trong đô thị. Sau khi nhận ra không thể giành quyền kiểm soát ở thủ phủ Grozny, quân đội Nga chuyển sang áp dụng chiến thuật "áp đảo lực lượng". Quân Nga liên tiếp nã pháo và không kích vào thành phố Grozny cùng các thành phố lớn khác của Chechnya. 

Gần như các thành phố của Chechnya bị san phẳng sau các đợt không kích dữ dội. Con số thương vong lớn khiến nhiều người Chechnya phẫn nộ với quân Nga. Số lượng người gia nhập các lực lượng đối phó Nga ở Chechnya ngày càng tăng. 

Một tay súng Chechnya cầu nguyện trong Cuộc chiến Chechnya lần 1. Ảnh: Getty

Một tay súng Chechnya cầu nguyện trong Cuộc chiến Chechnya lần 1. Ảnh: Getty

Chiến sự ở thủ phủ Grozny của Chechnya kéo dài trong vài tuần. Quân Nga giành được quyền kiểm soát Dinh Tổng thống ở Grozny hôm 19/1/1995. Ngày hôm sau, quân đội Nga treo cờ liên bang ở dinh Tổng thống Chechnya. Ngay sau đó, quân đội Nga bàn giao Grozny cho các lực lượng thuộc Bộ Nội vụ Nga (MVD). Các lực lượng thuộc Bộ Nội vụ Nga được giao nhiệm vụ tước vũ khí của các nhóm quân Chechnya, bảo vệ các cơ sở quan trọng của thành phố, hộ tống các đoàn viện trợ nhân đạo và duy trì trật tự công cộng trong thành phố. 

Trong khi Grozny bình lặng dưới sự kiểm soát của các lực lượng MVD cho tới năm 1996, quân ly khai Chechnya ở các thị trấn và làng mạc nông thôn tiếp tục phản kháng dữ dội. Khi quân đội Nga kiểm soát một số khu vực ở miền bắc Chechnya, quân Chechnya di chuyển về khu vực miền núi phía nam và lập căn cứ tại đây. Quân Chechnya nhận được sự hỗ trợ lớn từ người dân địa phương. 

Thực tế, do ảnh hưởng mạnh mẽ của mô hình xã hội thị tộc ở Chechnya, hàng nghìn người Chechnya đã gia nhập vào các lực lượng chiến đấu của nước này để báo thù cho người thân thương vong do chiến sự, cũng như đòi lại danh dự cho cá nhân và gia tộc. 

Dù thất bại trong việc giữ Grozny, các lực lượng ly khai của Chechnya tiếp tục kháng cự, chống lại quân đội Nga trong suốt 2 năm. Tháng 3/1996, quân Chechnya cố chiếm lại Grozny, nhưng quân đội Nga thắng thế và giữ được thành phố này. Một tháng sau, một sự kiện lớn xảy ra khi quân đội Nga theo dõi được tín hiệu điện thoại của Tổng thống Chechnya Dudayev và tấn công tên lửa vào địa điểm có tín hiệu. Ông Dudayev thiệt mạng trong vụ tấn công. 

Tháng 8/1996, các lực lượng ly khai Chechnya tấn công vào thủ phủ Grozny lần thứ 3. Họ gây bất ngờ cho quân MVD của Nga và phong tỏa 3 lối chính vào Grozny để ngăn quân tiếp viện của Moscow. 

Các lực lượng Nga ở Grozny một lần nữa gặp khó khăn khi tác chiến trong đô thị. Giao tranh ở thủ phủ của Chechnya kéo dài trong hơn 2 tuần. Cuối cùng, quân MVD không giữ được Grozny. Trận chiến ở thủ phủ của Chechnya kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn. Thỏa thuận này cũng chấm dứt Chiến tranh Chechnya lần 1.

Giới chức Nga kết thúc chiến dịch quân sự kéo dài 2 năm bằng thỏa thuận Khasavyurt - cho phép các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội diễn ra ở Chechnya. 

Tháng 3/1997, Maskhadov - người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Chechnya - có cuộc gặp với Tổng thống Nga Yeltsin để ký một hiệp ước đảm bảo rằng đôi bên chỉ hướng tới các giải pháp hòa bình nếu xảy ra bất kỳ tranh chấp nào.

Theo trang Small Wars Journal, Cuộc chiến Chechnya lần 1 đã cướp sinh mạng của khoảng 6.000 binh sĩ Nga và khoảng 50.000 tay súng và dân thường Chechnya. Đây được xem là thất bại của chính quyền Yeltsin khi không thể khuất phục phe ly khai Chechnya dù đã mở chiến dịch quân sự. Đồng thời, nó cũng làm lộ rõ một số điểm yếu của quân đội Nga thời điểm đó như không có kinh nghiệm tác chiến đô thị, chưa có kế hoạch tác chiến nhất quán...

--------------------------

Có nhiều yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của Chechnya trước người Nga trong Cuộc chiến Chechnya lần 1 (1994 - 1996). Những yếu tố này sẽ được đề cập và phân tích trong bài kỳ tới, đăng trên mục Thế giới lúc 19h ngày 8/5. 

Nguồn: [Link nguồn]

Cuộc chiến chống ly khai ở Chechnya: Quân Nga từng bị gây khó dễ ra sao?

Bên cạnh việc quân đội Nga chưa có kinh nghiệm tác chiến đô thị, việc quân Chechnya vận dụng hiệu quả chiến thuật du kích là một trong những nguyên nhân khiến người Nga gặp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
An ninh thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN