Covid-19: Người nhiễm đã tiêm và người nhiễm chưa tiêm lây bệnh cho người khác ra sao?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Một số nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về tải lượng virus cao nhất giữa những người đã tiêm và chưa tiêm vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, những người đã tiêm phòng ít có khả năng bị nhiễm, ít lây nhiễm cho người khác và loại bỏ virus nhanh hơn. 

Người đã tiêm phòng dù có nhiễm Covid-19 cũng sẽ ít khả năng lây bệnh cho người khác hơn những người nhiễm chưa tiêm phòng. Ảnh minh họa: PA

Người đã tiêm phòng dù có nhiễm Covid-19 cũng sẽ ít khả năng lây bệnh cho người khác hơn những người nhiễm chưa tiêm phòng. Ảnh minh họa: PA

Theo trang The Conversation, một số nghiên cứu gần đây cho thấy, tải lượng virus cao nhất ở người nhiễm đã tiêm chủng (ca nhiễm đột phá) và người nhiễm chưa tiêm chủng là tương tự nhau. Điều này khiến không ít người đặt dấu hỏi về hiệu quả của vắc xin Covid-19 trong phòng bệnh. 

Điều này đáng lo ngại ra sao? Những người nhiễm dù đã tiêm phòng có dễ lây bệnh cho người khác như những người nhiễm chưa tiêm phòng hay không? Điều này có ảnh hưởng tới các kế hoạch mở cửa trở lại trong tương lai hay không? 

Các nghiên cứu này chỉ cho thấy tải lượng virus cao nhất của cơ thể người bệnh trong quá trình nghiên cứu, đồng nghĩa là nó mang tính thời điểm. 

Những người đã tiêm phòng dù bị nhiễm nhưng có khả năng loại bỏ virus SARS- CoV-2 nhanh hơn, có mức độ virus tổng thể thấp hơn và thời gian tải lượng virus trong cơ thể ở mức cao sẽ ngắn hơn. Vì vậy, những người đã tiêm vắc xin Covid-19 dù bị nhiễm nhưng vẫn ít lây lan cho người khác. 

Tải lượng virus cao nhất tương tự

Một nghiên cứu trên tạp chí The Lancet theo dõi 602 người tiếp xúc gần với 471 người nhiễm Covid-19 ở Úc. Các nhà khoa học đã ghi lại sự lây truyền và tải lượng virus của những người trong nhóm.

Nhóm nghiên cứu phát hiện không có sự khác biệt về tải lượng virus cao nhất giữa người nhiễm đã tiêm và chưa tiêm vắc xin Covid-19. Nghiên cứu cũng cho thấy, chỉ có một sự chênh lệch nhỏ về số ca nhiễm ở các thành viên trong gia đình của người nhiễm chưa tiêm và đã tiêm. Điều này cho thấy mức độ lây nhiễm là tương tự nhau. 

Một nghiên cứu khác, chưa được các nhà khoa học kiểm chứng, cũng cho thấy sự tương tự về tải lượng virus ở những người nhiễm đã tiêm và chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19. Một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) về tình hình dịch bệnh tại bang Massachusetts hồi tháng 7 cho thấy điều tương tự. 

Tuy nhiên, chúng ta không nên quá lo lắng về các kết quả nghiên cứu trên, theo The Conversation. Dữ liệu từ các nghiên cứu trên chỉ đại diện cho số ít trong dân số. Ngoài ra, biện pháp xét nghiệm PCR được sử dụng trong các nghiên cứu đó không cung cấp thông tin về tải lượng virus tổng thể toàn thời gian mà chỉ đưa ra tải lượng virus ở một thời điểm nhất định. 

Tải lượng virus là gì?

Tải lượng virus đề cập đến số lượng virus có trong dịch cơ thể của một người nào đó tại một thời điểm nhất định. Các nhà khoa học có thể đo được tải lượng virus bằng cách xét nghiệm máu hay kiểm tra dịch mũi, dịch hầu họng. 

Tóm lại, người có tải lượng virus cao hơn được cho là người dễ lây bệnh hơn cho người khác. 

Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng trong thực tế. Ví dụ, một số người mắc Covid-19 không triệu chứng và có tải lượng virus thấp. Những người này vẫn dễ có khả năng lây bệnh cho người khác vì họ không biết mình nhiễm bệnh nên không tuân thủ các biện pháp giãn cách, đeo khẩu trang hoặc ở nhà. 

Người đã tiêm phòng sẽ loại bỏ virus nhanh hơn

Kết quả của nghiên cứu trên tạp chí Lancet cho thấy sự tương đồng về tải lượng virus giữa người nhiễm đã tiêm và chưa tiêm chủng. Nhưng nghiên cứu đó không cung cấp bằng chứng chắc chắn về việc vắc xin kém hiệu quả trong việc ngăn chặn lây truyền trong cộng đồng. 

Dù tải lượng virus giữa người nhiễm đã tiêm và chưa tiêm có thể tương đương nhau ở một thời điểm, nhưng người nhiễm đã tiêm sẽ có tải lượng virus tổng thể thấp hơn. Vì vậy, họ ít có khả năng lây lan bệnh cho mọi người xung quanh. 

Theo The Conversation, vắc xin Covid-19 đẩy nhanh quá trình đào thải virus khỏi cơ thể. Do đó, người nhiễm đã tiêm có ít nguy cơ lây nhiễm cho người khác hơn. Điều này được cho là đúng với cả biến chủng Delta. 

Dù có các ca nhiễm đột phá, nhưng việc tiêm phòng đầy đủ vẫn làm giảm đáng kể nguy cơ bị nhiễm Covid-19. 

Các nghiên cứu ước tính, tỷ lệ ca nhiễm đột phá chiếm khoảng 0,2 - 4%. Trên thực tế, tỷ lệ này có nghĩa là cứ 100 người được tiêm phòng Covid-19 thì có tối đa 4 người trong số họ bị nhiễm Covid-19. 

Vì vậy, ngay cả khi tải lượng virus tương tự giữa các ca nhiễm đã tiêm với các ca nhiễm chưa tiêm, số lượng người nhiễm đột phá vẫn ít hơn rất nhiều.  

Nguồn: [Link nguồn]

Kỳ lạ những người ”miễn nhiễm” với Covid-19 và cơ hội chế vắc xin ngừa mọi biến chủng

Các nhà nghiên cứu cho rằng, hiểu được cách một số người "miễn nhiễm" tự nhiên với Covid-19 dù có tiếp xúc với...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN