Covid-19: Chiến dịch tiêm chủng "khủng" của Trung Quốc

Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng sớm nhất vào cuối năm nay thông qua tiêm chủng hàng loạt.

Mới đây, giới chức y tế Trung Quốc thông báo đã kiểm soát được đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất trong nhiều tháng qua liên quan đến biến chủng Delta.

Nhiều đợt bùng phát theo cụm liên quan đến biến chủng Delta này đã lan ra 48 thành phố ở 18 tỉnh trên toàn quốc, khiến hơn 1.282 người bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, không có ca nhiễm mới nào được ghi nhận ở các điểm nóng trong những ngày gần đây nhờ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt.

Ông Hạ Thanh Hoa, quan chức cấp cao thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, ngày 13-8 cho biết: "36 trong số 48 thành phố không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong 5 ngày liên tiếp. Trong những trường hợp này, nguy cơ bùng phát dịch trên toàn quốc nói chung có thể kiểm soát được".

Học sinh phổ thông được tiêm chủng tại Quảng Đông, Trung Quốc vào tháng 7. Ảnh: China Daily

Học sinh phổ thông được tiêm chủng tại Quảng Đông, Trung Quốc vào tháng 7. Ảnh: China Daily

Hiện tại, chỉ có TP Dương Châu ở tỉnh Giang Tô, TP Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc và Trương Gia Giới ở tỉnh Hồ Nam có số ca nhiễm mới hàng ngày đáng chú ý.

Đợt bùng phát mới nhất xuất hiện vào giữa tháng 7, sau khi 9 nhân viên dọn vệ sinh tại sân bay quốc tế Lộc Khẩu, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô được xác nhận dương tính với Covid-19. Sau đó, dịch đã lan ra nhiều nơi khiến nhà chức trách phải phong tỏa, xét nghiệm diện rộng và hạn chế đi lại.

Trung Quốc cũng đã tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch đối với các chuyến bay quốc tế và vận chuyển hàng hóa để đối phó với đợt bùng phát mới nhất. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho biết "theo kết quả giải trình tự gien, các nguồn lây nhiễm đều từ nước ngoài".

Hàng chục quan chức địa phương đã bị trừng phạt do lơ là trong công tác chống dịch đợt này, khi Trung Quốc nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của các ổ dịch trong nước.

Tiêm chủng đầy đủ hơn phân nửa dân số

Cũng theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 13-8, đến nay, hơn một nửa dân số Trung Quốc, khoảng 777 triệu người, đã được tiêm chủng đầy đủ, với hơn 1,83 tỉ mũi tiêm được sử dụng trên toàn quốc.

Một điểm xét nghiệm Covid-19 ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, ngày 3-8. Ảnh: Reuters

Một điểm xét nghiệm Covid-19 ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, ngày 3-8. Ảnh: Reuters

Nước này cũng đã tiêm chủng cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi, với hơn 60 triệu liều được sử dụng. Ông Hạ Thanh Hoa nhấn mạnh tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên là một bước không thể thiếu để xây dựng khả năng miễn dịch cộng đồng.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, tỉ lệ phản ứng bất lợi sau tiêm của thanh thiếu niên không cao hơn người lớn. Các phản ứng phổ biến là sốt, đau, mẩn đỏ và sưng tấy. Phản ứng bất thường chủ yếu là dị ứng, như phát ban, mặc dù rất hiếm.

Với dân số hơn 1,41 tỉ người, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng sớm nhất là vào cuối năm nay thông qua việc tiêm chủng hàng loạt. Như vậy, để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, Trung Quốc cần phải tiêm chủng cho 83,3% dân số.

Đó là nhận định của chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp của Trung Quốc Chung Nam Sơn tại một sự kiện ở thành phố Quảng Châu cuối tháng 7.

Điều đó có nghĩa là khoảng 1,17 tỉ người cần được tiêm chủng đầy đủ. Người dân Trung Quốc sẽ được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin của hãng dược Sinopharm hoặc Sinovac, tổng cộng 2,34 tỉ liều vắc-xin cần được tiêm để đạt được miễn dịch cộng đồng ở Trung Quốc.

7 loại vắc-xin Covid-19 nội địa

Để đẩy nhanh tiến độ, các điểm tiêm chủng tạm thời đã được thiết lập tại các trung tâm mua sắm, nhà ga, khuôn viên trường đại học, tòa nhà văn phòng và các cộng đồng dân cư trên khắp Trung Quốc. Và các xe tiêm chủng lưu động đã được điều động để người dân đi tiêm chủng thuận tiện hơn.

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt và ổ dịch Covid-19 tại một số địa phương đã làm gián đoạn vận chuyển ở nhiều khu vực của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt và ổ dịch Covid-19 tại một số địa phương đã làm gián đoạn vận chuyển ở nhiều khu vực của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trung Quốc đã thông qua 7 loại vắc-xin Covid-19 sản xuất nội địa. Công ty dược phẩm sinh học Sinovac có trụ sở tại Bắc Kinh sản xuất Coronavac, một loại vắc-xin bất hoạt. Công ty quốc doanh Sinopharm phát triển 2 loại vắc-xin Covid-19, và giống như Sinovac, chúng đều là các loại vắc-xin bất hoạt, hoạt động theo cách thức tương tự.

Ngoài ra, còn có vắc-xin vector (adenovirus) do CanSinoBIO và Viện Quân y thuộc Học viện Khoa học Quân phát triển đã được phê duyệt. Một phiên bản vắc-xin CanSino dạng hít đã được đệ trình để được cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Bên cạnh đó, vắc-xin do Anui Zhifei Longcom phát triển cũng đã được phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở Trung Quốc.

Vào tháng 6, Trung Quốc phê duyệt vắc-xin Covid-19 thứ 7 sản xuất trong nước, có thể vô hiệu hóa chéo các biến thể. Loại vắc-xin mới nhất được Trung Quốc phê duyệt do Viện Sinh học Y tế thuộc Viện Khoa học Y tế Trung Quốc (trụ sở tại Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam) phát triển.  

Lina Đào, một chuyên gia về vắc-xin ở Thượng Hải, nói với Global Times rằng đây là vắc-xin Covid-19 bất hoạt thứ 5 được phê duyệt chính thức ở Trung Quốc, điều này sẽ đưa năng lực sản xuất vắc-xin bất hoạt của Trung Quốc lên khoảng 6 tỉ liều mỗi năm, đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Phần lớn người dân Trung Quốc tiêm vắc-xin Sinopharm hoặc Sinovac.

Người dân đăng ký xét nghiệm Covid-19 ở Dương Châu, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Người dân đăng ký xét nghiệm Covid-19 ở Dương Châu, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Cân nhắc kết hợp vắc-xin để tăng hiệu quả

Hồi tháng 4, một số phương tiện truyền thông dẫn lời ông Cao Phúc (Gao Fu), giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Trung Quốc, xác nhận vắc-xin ngừa Covid-19 do nước này phát triển không có tỉ lệ bảo vệ tối ưu và các chuyên gia đang cân nhắc kết hợp các mẫu vắc-xin khác nhau để tăng hiệu quả.

Tuy nhiên sau này, ông nói với Global Times rằng chi tiết ông nói rằng vắc-xin Covid-19 của Trung Quốc có tỉ lệ bảo vệ thấp là "một sự hiểu lầm hoàn toàn".

Tháng 7, ông Cao Phúc tiết lộ đã tiêm 3 loại sử dụng công nghệ khác nhau nhưng không nêu chi tiết. Tờ Global Times dẫn lời ông Cao cho biết: "Tôi nằm trong số những người đầu tiên được tiêm vắc-xin phát triển trong nước, khi tiêm hồi tháng 5 năm ngoái. Đến giờ tôi đã tiêm 3 liều sử dụng công nghệ khác nhau và của các nhà sản xuất khác nhau. Tôi không thấy khó chịu gì". Theo South China Morning Post, chưa rõ tại sao ông Cao lại tiêm mũi thứ ba và không biết đây có phải một phần trong nghiên cứu của Trung Quốc hay không.

Trước đó, vào tháng 6, chủ tịch Công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc, ông Doãn Vệ Đông, cho biết các thử nghiệm lâm sàng trong giai đoạn đầu cho thấy kháng thể do vắc xin của hãng này tạo ra "tăng vọt lên 10-20 lần" khi tiêm thêm liều thứ 3, khoảng 3-6 tháng sau khi đã tiêm đủ 2 liều.

Cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc mới đây cho phép triển khai thí điểm tiêm trộn vắc-xin Covid-19 của hãng Sinovac với vắc-xin sử dụng công nghệ ADN của hãng công nghệ sinh học Mỹ Inovio.

Người dân Trung Quốc vẫn không dám chi tiền như trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Financial Times

Người dân Trung Quốc vẫn không dám chi tiền như trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Financial Times

Duy trì chống dịch nghiêm ngặt

Mặc dù đã tiêm số lượng lớn vắc-xin nhưng trước sự tấn công của biến thể Delta, Trung Quốc vẫn duy trì các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt. Sau đợt dịch mới, nước này đã tăng số địa điểm, đơn vị và nhóm người có nguy cơ cao từ 65 lên 85, trong đó có nhiều đối tượng làm việc tại bến cảng, sân bay, tàu du lịch, nhà hát, các trung tâm giải trí và thể thao như dọn dẹp vệ sinh, lái xe, nhân viên cộng đồng, công nhân bốc dỡ hàng…

Một hướng dẫn đeo khẩu trang mới nhất cũng vừa được công bố ngày 13-8. Theo đó, không chỉ các địa điểm trong nhà, người dân Trung Quốc còn được khuyến cáo đeo khẩu trang ở cả các địa điểm ngoài trời đông người, như quảng trường hay công viên và nhà hát.

Liên quan đến các biện pháp mới được áp dụng, ông Cao Quang Minh, quan chức Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết: "Do biến thể Delta lây lan nhanh, lây truyền mạnh nên tất cả biện pháp phòng chống dịch của chúng tôi đều xoay quanh chữ "nhanh", nhanh chóng cảnh báo và cô lập những người tiếp xúc gần với những bệnh nhân đã được xác nhận trong cộng đồng dân cư. Ví dụ, ở Bắc Kinh, thời gian cần thiết để xác định vị trí và cách ly những người tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính giảm xuống còn 8 giờ".

Theo quan chức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, khi nào nước này đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng và xã hội Trung Quốc thích nghi với việc bùng phát các cụm dịch trong cộng đồng, Trung Quốc sẽ dần mở cửa với thế giới.

Nguồn: [Link nguồn]

Tình hình Covid-19 ở Trung Quốc sau 3 tuần có đợt lây lan mới

Đợt lây lan dịch bệnh mới nhất ở Trung Quốc lan ra 48 thành phố. Trong 5 ngày gần nhất, 36 trong số các thành phố này không...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huệ Bình ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN