Còn lại gì sau khi Mỹ kết thúc sứ mệnh quân sự ở Afghanistan?

Sự kiện: Tin tức Afghanistan

Khi 5 chiếc máy bay vận tải quân sự Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan hôm 30/8, có đến 200 người Mỹ và hàng ngàn người Afghanistan bị bỏ lại và giờ họ phải dựa vào Taliban để được phép ra đi.

Lực lượng Mỹ khi đang bảo vệ sân bay Kabul ngày 17/8. Ảnh: Reuters

Lực lượng Mỹ khi đang bảo vệ sân bay Kabul ngày 17/8. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục cố gắng đưa những người Mỹ và Afghanistan rời đi, đồng thời làm việc với các nước láng giềng của Afghanistan để bảo đảm họ có thể ra đi bằng đường bộ hoặc chuyến bay thuê bao sau khi sân bay Kabul mở cửa lại.

“Chúng tôi không ảo tưởng rằng việc này sẽ dễ dàng và nhanh chóng”, ông Blinken nói. Ông cho biết khoảng 100 người Mỹ vẫn còn ở Afghanistan.

Phát biểu không lâu sau khi Lầu Năm góc thông báo hoàn tất việc rút quân ngày 30/8, ông Blinken nói rằng Đại sứ quán Mỹ ở Kabul vẫn đóng cửa và để trống trong tương lai gần, và các nhà ngoại giao Mỹ sẽ làm việc tại Doha, Qatar.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để giúp các công dân Mỹ, công dân nước ngoài và người Afghanistan ra đi nếu họ lựa chọn như vậy. Cam kết của chúng tôi đối với họ không có thời hạn chót”, ông Blinken nói trong bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao.

Tướng thuỷ quân lục chiến Frank McKenzie, tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ, nói với báo giới rằng quân đội Mỹ đã đón được 1.500 người Afghanistan trong những giờ phút cuối cùng của sứ mệnh sơ tán. Nhưng giờ Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ làm việc với Taliban để giúp đỡ những người còn lại.

Ông McKenzie khẳng định không có công dân nào mắc kẹt ở sân bay. Ông nói quân đội Mỹ vẫn có khả năng đón thêm người Mỹ trước khi hết giờ, nhưng “không còn người nào đến sân bay nữa”.

“Có rất nhiều việc đau lòng trong quá trình ra đi này. Chúng tôi không thể đón tất cả mọi người như chúng tôi mong muốn. Nhưng tôi nghĩ nếu ở lại thêm 10 ngày, chúng tôi cũng không thể đón tất cả mọi người như mong muốn được”, ông McKenzie nói.

Hơn 114.000 người đã được Mỹ đưa đi từ sân bay Kabul trong 2 tuần qua. Nhưng kết thúc của giai đoạn hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan đang đặt ra nhiều câu hỏi mới cho chính quyền Biden.

Số phận những người ở lại

Một số ít người Mỹ chọn cách tiếp tục ở lại Afghanistan để được ở bên gia đình.

Chính quyền Biden nói họ hy vọng Taliban sẽ tiếp tục để người Mỹ và những người Afghanistan rời đi sau khi Mỹ hoàn tất rút quân. Nhưng đang có lo ngại rằng những người đó sẽ ra đi như thế nào nếu không còn sân bay nào hoạt động.

Bên cạnh đó còn có lo ngại rằng Taliban có thể trả đũa hàng chục ngàn người Afghanistan, trong đó có những phiên dịch làm việc cho quân đội Mỹ, các nhà báo và nhà hoạt động vì nữ quyền.

Điều gì sẽ xảy ra với sân bay Kabul?

Trong 2 tuần qua, quân đội Mỹ bảo vệ và vận hành sân bay quốc tế Hamid Karzai của Kabul với gần 6.000 binh lính.

Taliban đang đàm phán với các chính phủ như Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ để đề nghị hỗ trợ tiếp tục các chuyến bay dân sự - cách duy nhất để nhiều người khác có thể rời khỏi Afghanistan.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm qua nói rằng cần sửa chữa sân bay Kabul trước khi nối lại các chuyến bay dân sự.

Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm về an ninh của sân bay này trong 6 năm qua. Duy trì sân bay mở cửa sau khi lực lượng nước ngoài bàn giao quyền kiểm soát không chỉ giúp Afghanistan kết nối với thế giới, mà còn để duy trì các hoạt động viện trợ.

Tương lai quan hệ Mỹ - Taliban?

Mỹ nói rằng họ sẽ không để các nhà ngoại giao ở lại Afghanistan và sau này mới quyết định sẽ làm gì dựa trên hành động của Taliban.

Nhưng chính quyền Biden sẽ phải xác định làm cách nào để bảo đảm khủng hoảng kinh tế và nhân đạo không xảy ra ở Afghanistan.

Liên Hợp quốc cho biết hơn 18 triệu người, tương đương một nửa dân số Afghanistan, cần viện trợ, và một nửa trẻ em dưới 5 tuổi ở quốc gia này đang bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng sau 2 vụ mùa thất bát chỉ trong vòng 4 năm.

Một số quốc gia như Anh nói rằng không quốc gia nào nên tự ý công nhận Taliban là chính phủ của Afghanistan.

Mối đe doạ khủng bố

Hiện có những câu hỏi về cách Washington và Taliban có thể hợp tác và chia sẻ thông tin về những mối đe doạ do IS gây ra.

ISIS-K, một chi nhánh của IS, đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công vào sân bay Kabul ngày 26/8, khiến 13 lính Mỹ và nhiều người Afghanistan thiệt mạng.

Mỹ triển khai ít nhất 2 cuộc không kích bằng máy bay không người lái nhằm vào nhóm này để trả đũa, và ông Biden nói Mỹ sẽ tiếp tục trả đũa.

ISIS-K là kẻ thù của Taliban, nhưng giới tình báo Mỹ tin rằng lực lượng này đang lợi dụng tình hình bất ổn ở Afghanistan hiện nay để củng cố vị trí và tuyển mộ những thành viên muốn rời khỏi Taliban.

Nguồn: [Link nguồn]

Taliban nổi giận về đợt không kích của Mỹ nhằm vào IS ở Afghanistan

Taliban lên án mạnh mẽ đợt không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ ngày 28.8, tiêu diệt hai kẻ khủng bố cấp cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - AP, Reuters ([Tên nguồn])
Tin tức Afghanistan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN