Chuyện gì đang xảy ra ở chảo lửa Bakhmut?

Rất khó lập tức kiểm chứng Nga hay Ukraine hiện đang chiếm ưu thế trong cuộc giao tranh khốc liệt ở chảo lửa Bakhmut thuộc tỉnh Donetsk, nhưng có một thực tế mà các bên cùng thừa nhận, đó là thị trấn từng là quê nhà của hơn 70.000 người nay chỉ còn lại đống đổ nát.

Bakhmut “chỉ còn trong tim chúng ta”

Tròn một năm sau ngày Nga hoàn tất chiến dịch bao vây nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, hôm 20/5, lãnh đạo tập đoàn an ninh tư nhân Wagner Yevgeny Prigozhin tuyên bố kiểm soát hoàn toàn thị trấn Bakhmut ở tỉnh Donetsk. Hôm 21/5, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận tuyên bố của ông Yevgeny, còn Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lời chúc mừng đến quân đội Nga và lực lượng Wagner.

Chuyện gì đang xảy ra ở chảo lửa Bakhmut? - 1

Hình ảnh binh sĩ Wagner ăn mừng cùng cờ Nga sau tuyên bố kiểm soát Bakhmut. Ảnh: SkyNews

Theo lãnh đạo Wagner, các tay súng thiện chiến của tập đoàn này sẽ rút khỏi thành phố ngay trong tuần để bàn giao khu vực cho quan đội chính quy. Hình ảnh do Wagner công bố cho thấy, lá cờ Nga đã được treo lên ở một số khu vực tại Bakhmut, trong khi các binh sĩ của nhóm được trao các phần thưởng.

Từ phía Ukraine, một số quan chức quân sự bác bỏ tuyên bố của Wagner. Đến sáng 21/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được giới truyền thông mô tả là đã thừa nhận mất Bakhmut khi ông nói "Bakhmut chỉ còn trong tim chúng tôi" lúc bình luận về tình hình chiến sự trong cuộc họp báo cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden nhân dịp tới Nhật Bản dự các sự kiện của G7.

Ban đầu, một số hãng tin cho rằng, ông Zelensky dường như còn trả lời "không" cho câu hỏi liệu Ukraine thất thủ tại Bakhmut hay chưa. Tuy nhiên, các quan chức Ukraine sau đó vội vã đính chính thông tin. New York Times khẳng định, ông Zelensky đã đáp "không" cho câu hỏi "có phải liệu Nga đã kiểm soát Bakhmut?". "Họ đã phá hủy mọi thứ", ông Zelensky nói. "Chẳng còn tòa nhà nào. Thật đáng tiếc, đó là một bi kịch… Không có gì trên không gian này, chỉ có mặt đất".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP

Giới quan sát đánh giá, rất khó để lập tức kiểm chứng liệu Ukraine còn nắm giữ phần diện tích nào ở Bakhmut hay không, bởi Moscow và Kiev có thể có cách nhìn khác nhau về ranh giới của đô thị này. Việc bên nào thực sự nắm giữ một điểm nóng chiến sự chỉ trở nên rõ ràng khi một trong hai phe tham chiến xác nhận việc rút quân. Tuy nhiên, có một thực tế mà cả hai bên cùng đồng thuận, đó là thị trấn từng là quê nhà của hơn 70.000 người nay chỉ còn lại đống đổ nát.

Hình ảnh vệ tinh do tập đoàn Maxar công bố cho thấy hồi tháng 5/2022, thị trấn này vẫn còn nguyên vẹn với các công trình phủ mái rực rỡ sắc màu và nhiều khoảnh cây cối phủ xanh mặt đất. Đúng một năm sau, Bakhmut lọt thỏm trong lớp khói bụi dày đặc, thảm thực vật biến mất, mặt đất xám xịt, hầu hết công trình đã bị san phẳng hoặc hư hỏng nặng, không thể sử dụng làm nơi ở.

Các công trình bị hư hại, cây xanh cháy xém ở Bakhmut sau nhiều tháng giao tranh. Ảnh: MAXAR

Các công trình bị hư hại, cây xanh cháy xém ở Bakhmut sau nhiều tháng giao tranh. Ảnh: MAXAR

Theo Guardian, trận đánh tại Bakhmut là được nhận định là dữ dội và kéo dài nhất từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát tháng 2/2022. Chiến thuật đặc trưng của Nga ở Bakhmut tiếp tục dựa vào hỏa lực pháo binh áp đảo. Quân đội Nga và tập đoàn Wagner thường cử các đơn vị nhỏ để thăm dò hệ thống phòng thủ và buộc Ukraine để lộ vị trí khi nổ súng, rồi pháo binh tuyến sau sẽ dập xuống vị trí phòng ngự của Ukraine. Chiến thuật này khiến Ukraine mất nhiều binh sĩ giàu kinh nghiệm, nhưng cũng khiến Nga phải sử dụng lượng nhiều đạn pháo.

Phần lớn thị trấn Bakhmut đã bị phá hủy trong chiến sự. Ảnh: Maxar

Phần lớn thị trấn Bakhmut đã bị phá hủy trong chiến sự. Ảnh: Maxar

Một ước tính của chuyên gia phương Tây được AP công bố hồi tháng 2 tiết lộ, Ukraine đang bắn từ 6.000-7.000 quả đạn pháo mỗi ngày, bằng khoảng 1/3 lượng đạn pháo mà Nga sử dụng hàng ngày trên chiến trường và tương đương lượng đạn pháo một số quốc gia châu Âu đặt mua trong cả một năm. Một phần đáng kể lượng đạn dược đó khai hỏa ở Bakhmut.

Nguy cơ và thách thức

Khi chiến sự ở Bakhmut bắt đầu nóng lên hồi đầu năm, nhiều chuyên gia phương Tây mô tả thị trấn này không có nhiều ý nghĩa chiến lược và Ukraine có thể cân nhắc rút quân.

Đích thân Tổng thống Zelensky sau đó bác bỏ những nhận định trên, cảnh báo kịch bản Kiev mất Bakhmut sẽ giúp Nga rộng đường tiến về Slovyansk và Kramatorsk, hai thành phố công nghiệp lớn ở Donetsk mà Ukraine vẫn kiểm soát. Trong đó, Kramatorsk có dân số khoảng 157.000 người, còn Slovyansk có khoảng 111.000 người sinh sống.

Bản đồ tình hình kiểm soát ở Ukraine tính đến tháng 5/2023. Ảnh: WP

Bản đồ tình hình kiểm soát ở Ukraine tính đến tháng 5/2023. Ảnh: WP

Trong những tháng giao tranh vừa qua, các cập nhật chiến sự của Nga cho thấy họ từng bước phong tỏa Bakhmut, sau đó kiểm soát lần lượt các khu vực từ Đông sang Tây, trước khi tuyên bố "giải phóng" hoàn toàn đô thị ở tỉnh Donetsk.

Truyền thông quốc tế mô tả chiến thắng của Nga ở Bakhmut, khi được xác nhận, sẽ là thành tựu quan trọng nhất mà Moscow có được từ mùa Hè năm ngoái và là một thành công mang tính chiến thuật lẫn biểu tượng cao.

Ukraine có cơ sở hạ tầng đường sá tương đối kém và Bakhmut đóng vai trò là điểm nối quan trọng của các tuyến giao thông và liên lạc cho các lực lượng Ukraine trong khu vực. Đối với Nga, việc chiếm giữ Bakhmut sẽ cho phép phá vỡ các tuyến tiếp tế này và mở đường tiến đến các mục tiêu xa hơn, đầu tiên là Chasiv Yar.

Binh sĩ Ukraine di chuyển người bị thương khỏi Bakhmut. Ảnh: AP

Binh sĩ Ukraine di chuyển người bị thương khỏi Bakhmut. Ảnh: AP

Đối với Ukraine, đây được xem là một bước lùi, bởi họ không chỉ đưa vào Bakhmut những đơn vị thiện chiến nhất mà còn cả lượng lớn đạn dược, vũ khí được các quốc gia phương Tây cung cấp.

Việc Ukraine thất thế còn là một chỉ dấu rằng, nguồn lực quân sự mà Mỹ cùng đồng minh hỗ trợ chưa thể mang đến những ưu thế vượt trội cho Kiev trên chiến trường, khiến tinh thần chiến đấu của binh sĩ giảm xuống và kéo theo nhiều tranh cãi hơn xung quanh các nỗ lực viện trợ.

Tuy nhiên, New York Times cũng nhận định, việc Nga kiểm soát Bakhmut có thể sẽ mang đến những thách thức mới cho Moscow và cơ hội cho Kiev.

Theo một số quan chức Ukraine và các nhà phân tích quân sự phương Tây, Nga có thể phải triển khai thêm lực lượng tới bảo vệ thành quả Bakhmut, động thái làm suy yếu năng lực ngăn chặn một cuộc phản công rộng lớn hơn mà Ukraine đang lên kế hoạch.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo gần Bakhmut. Ảnh: GettyImages

Binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo gần Bakhmut. Ảnh: GettyImages

Chỉ huy lực lượng mặt đất Ukraine, tướng Oleksandr Syrskiy, ngày 21/5 loan báo, Ukraine vẫn đang tiến công hai bên sườn Bakhmut, dù "chúng tôi chỉ đang kiểm soát một phần nhỏ". Vị này quả quyết, lực lượng của Ukraine vẫn có "cơ hội tiến vào thị trấn trong trường hợp tình hình thay đổi và điều đó chắc chắn sẽ xảy ra".

Một số quan chức Ukraine tin rằng các ưu thế đó cho phép quân đội của họ nã pháo vào lực lượng Nga đang hiện diện ở Bakhmut, bất chấp thực tế là Moscow mới là bên sở hữu hỏa lực áp đảo.

Nguồn: [Link nguồn]

Nga nhắc đến Mỹ sau khi ông Zelensky so sánh Bakhmut với Hiroshima thời Thế chiến II

Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng ngay lập tức và đề cập vai trò của Mỹ sau khi ông Zelensky so sánh đống đổ nát ở Bakhmut so với những gì xảy ra ở Hiroshima trong Thế chiến II.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Hà ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN