Chống Covid-19 kiểu “ngược dòng thế giới" ở Thụy Điển: Sẽ đi về đâu?

Bất chấp Covid-19 đang lây lan khắp châu Âu, cuộc sống thường nhật của người dân vẫn diễn ra tại Thụy Điển với các quán bar, trường học, nhà hàng và các rạp chiếu phim mở cửa.

Đến ngày 1.4, Thụy Điển – quốc gia với 10 triệu dân, đã ghi nhận 4.947 ca nhiễm Covid-19 và 239 người tử vong.

Đây là con số khá thấp so với nhiều quốc gia châu Âu khác như Italia, Tây Ban Nha, Đức và Pháp, tuy nhiên so với quy mô dân số khoảng 10 triệu dân thì không phải là nhỏ, và số ca nhiễm virus tại Thụy Điển vẫn đang tăng lên từng ngày.

Chính phủ Thụy Điển cho rằng, một lệnh phong tỏa toàn quốc trong dịch Covid-19 sẽ dẫn đến thảm họa kinh tế, nhất là sắp tới Lễ Phục sinh, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao.

Cách tiếp cận chống dịch có phần “thoải mái” của chính phủ Thụy Điển đang khiến nhiều chuyên gia và người dân trong nước tỏ ra không hài lòng.

Quân đội Thụy Điển đang xây dựng một bệnh viện dã chiến chống dịch Covid-19 (ảnh: NBC)

Quân đội Thụy Điển đang xây dựng một bệnh viện dã chiến chống dịch Covid-19 (ảnh: NBC)

Ngày 10.3, một nhóm bác sĩ cùng nhà nghiên cứu đã đăng bài viết trên một tờ báo y khoa hàng đầu Thụy Điển để cảnh báo về "tác động khủng khiếp" có thể xảy ra nếu nước này không có những hành động quyết liệt hơn.

Mới đây, một bản kiến nghị với chữ ký của hơn 2.000 bác sĩ, chuyên gia y tế, nhà khoa học của Thụy Điển đã được gửi về chính phủ kêu gọi thực hiện ngay lập tức các biện pháp chống Covid-19 mạnh mẽ và nghiêm ngặt nhất tương tự như các nước châu Âu khác.

“Chúng ta đang không xét nghiệm đầy đủ người bệnh, không theo dõi đầy đủ nguồn lây lan. Chính phủ đang dẫn chúng ta đến thảm họa”, Giáo sư Cecilia Soderberg Naucler, chuyên gia y tế đến từ Học Viện Karolinska, Thụy Điển (một trong những học viện y tế lớn nhất châu Âu), cho biết.

"Tôi có cảm giác rằng họ muốn để cho dịch lây lan tự nhiên để tạo miễn dịch cộng đồng, nhưng đó là biện pháp đáng sợ phải trả giá bằng tính mạng của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người", Olle Kamp, giáo sư tại Học viện Karolinska, cho biết.

Một nhà hàng rất đông đúc tại Stockholm (ảnh: NBC)

Một nhà hàng rất đông đúc tại Stockholm (ảnh: NBC)

Tuần trước, Giám đốc Sở Y tế Stockholm – ông Bjorn Eriksson, đã kêu gọi mọi người giúp đỡ để ngăn dịch lây lan.

“Bão đang xuất hiện ở đây. Chúng tôi không biết nó đã xuất hiện trong bao lâu nhưng chắc chắn nó sẽ ngày càng tệ hơn”, ông Bjorn Eriksson phát biểu.

Nhiều người dân Thụy Điển cũng có những phản ứng không hài lòng về chiến lược chống dịch kiểu "ngược dòng" của chính phủ.

"Tôi nghĩ nó hơi vô trách nhiệm. Họ nên làm nhiều hơn thế. Họ đã quá xem nhẹ nó. Hầu như mọi nơi vẫn mở cửa và tình hình sẽ ngày càng xấu đi. Mọi người đều thấy lo lắng về nó", một phụ huynh đang đón con ở một trường mầm non tại Thụy Điển trả lời phỏng vấn của tờ Telegraph.

“Tôi đang làm việc từ một quán cà phê ở Thụy Điển. Tôi thấy trên Twitter các clip về những thành phố không một bóng người, những xe tải quân sự chuyển thi thể người chết tại Italia, còn chật kín xung quanh tôi bây giờ vẫn là những nhóm thiếu niên đang tán gẫu, những bà mẹ có con nhỏ và những người việc tự do”, Derek Robertson, một nhà báo của tờ The Guardian, viết trong bài bình luận của mình.

Quán cà phê đông kín người vào mỗi sáng ở Thụy Điển (ảnh: The Sun)

Quán cà phê đông kín người vào mỗi sáng ở Thụy Điển (ảnh: The Sun)

Tuy nhiên, ông Anders Tegnell, trưởng cố vấn y tế cho chính phủ Thụy Điển khẳng định, các chiến lược chống dịch của nước này đang đi đúng hướng và sẽ có hiệu quả.

“Chúng tôi đang cố gắng làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh. Điều này tạo đủ thời gian để chăm sóc và điều trị cho những bệnh nhân nhiễm mới virus. Không có bằng chứng nào trong thời điểm này cho thấy, việc thực hiện nhiều biện pháp mạnh tay hơn sẽ tạo ra sự khác biệt”, ông Anders Tegnell phân tích.

Theo ông Bjorn Olsen, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Uppsala (Thụy Điển), các biện pháp mà chính phủ Thụy Điển đang áp dụng có thể sẽ có hiệu quả do đặc thù về đời sống xã hội tại nước này.

Ông Bjorn Olsen cho rằng, tại Thụy Điển, thanh niên thường rời gia đình và sống tự lập từ khoảng 18 – 19 tuổi. Kiểu sống đơn lẻ này giúp giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh so với những nước châu Âu khác, điển hình như Itlia, nơi thường có 2 – 3 thế hệ sống cùng nhau dưới một mái nhà.

“Chúng tôi có rất nhiều người độc thân sống ở Stockholm và các thành phố lớn khác. Điều này có thể làm giảm tốc độ lây lan dịch bệnh”, ông Bjorn Olsen cho biết.

Thụy Điển mới đây đã thắt chặt quy định cấm tụ tập hơn một chút, theo đó, không cho phép người dân tụ tập từ 50 người trở lên thay vì 500 người như trước đây.

Đường phố đông đúc tại Thụy Điển giữa dịch Covid-19 (ảnh: The Sun)

Đường phố đông đúc tại Thụy Điển giữa dịch Covid-19 (ảnh: The Sun)

Các quốc gia láng giềng của Thụy Điển là Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy đều đã đóng cửa biên giới, nhà hàng, quán bar, trường học và một số doanh nghiệp không thiết yếu từ nhiều tuần trước. Đáng nói, những quốc gia này đều có số người tử vong chưa vượt quá 100 trường hợp, thay vì 239 trường hợp như tại Thụy Điển.

“Tất cả chúng ta, đều phải chịu một phần trách nhiệm với đất nước. Chúng tôi không thể đặt ra quy định rồi cấm tất cả mọi thứ. Không ai bị bỏ rơi trong dịch bệnh này và mỗi người cần phải xác định trách nhiệm to lớn của mình”, Thủ tướng Thụy Điển - ông Stefan Lofven, phát biểu.

Chiến lược chống dịch Covid-19 của Thụy Điển rất đề cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân. Các chuyên gia cho rằng, điều này bắt nguồn từ truyền thống tôn trọng sự tự do của người dân và người dân cũng đặt niềm tin, tuân thủ rất tốt các hướng dẫn mà chính phủ Thụy Điển đưa ra.

“Có một vài thời điểm quan trọng trong cuộc sống và bạn phải hy sinh. Sự hy sinh không chỉ vì lợi ích của bạn mà còn cho cả những người xung quanh, cho đất nước. Thời điểm đó là vào lúc này”, ông Stefan Lofven phát biểu khi đưa ra khuyến cáo người dân nên hạn chế tiếp xúc xã hội và làm việc tại nhà.

Trước đó, chính phủ Anh được cho là cũng tiếp cận phương thức chống dịch kiểu Thụy Điển nhưng đến ngày 23.3, Anh đã phải tuyên bố phong tỏa toàn quốc.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Dịch Covid-19 chưa hết, Italia lại đối mặt với mối nguy mới

Đến ngày 1.4, Italia đã ghi nhận tổng cộng 105.792 ca nhiễm Covid-19 với 12.428 người tử vong. Trong khi miền Bắc Italia đang...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – The Sun, NBC News, Telegraph ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN