Chân dung nhân vật quyền lực bậc nhất của Taliban

Thủ lĩnh chính trị cấp cao nhất của Taliban vừa có chuyến trở về đất nước trong chiến thắng, sau 20 năm đối đầu với Mỹ và các đồng minh.

Mullah Abdul Ghani Baradar là nhân vật quyền lực bậc nhất của Taliban. (Ảnh: AP)

Mullah Abdul Ghani Baradar là nhân vật quyền lực bậc nhất của Taliban. (Ảnh: AP)

Mullah Abdul Ghani Baradar đang đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán của Taliban với các quan chức chính phủ Afghanistan bị hạ bệ trong tấn công vừa qua của Taliban trên khắp cả nước. Taliban nói họ muốn một chính phủ Hồi giáo bao trùm và khẳng định họ hiện nay đã ôn hoà hơn so với thời kỳ lãnh đạo trước đây.

Nhưng nhiều người vẫn hoài nghi, và mọi ánh mắt giờ đang nhìn vào Baradar, khi nhân vật này chưa nói gì mấy về cách Taliban sẽ quản trị đất nước.

Tiểu sử của Baradar cũng là hành trình của Taliban phát triển từ một lực lượng dân quân Hồi giáo đối đầu với các lãnh chúa trong cuộc nội chiến những năm 1990, sau đó là thời kỳ cai quản đất nước bằng việc áp dụng luật Hồi giáo hà khắc rồi chống lại Mỹ trong suốt 2 thập kỷ. Những gì Baradar trải qua cũng cho thấy mối quan hệ phức tạp giữa Taliban với quốc gia Pakistan láng giềng.

Baradar là thủ lĩnh duy nhất còn sống được đích danh “trùm” Taliban Mullah Mohhamed Omar bổ nhiệm làm cấp phó. Vì thế, Baradar có vị trí gần như huyền thoại trong lực lượng này. Baradar cũng được biết đến nhiều hơn lãnh tụ tối cao Taliban Maulawi Hibatullah Akhunzada, người được tin là đang ẩn náu ở Pakistan và chỉ thỉnh thoảng ra tuyên bố.

Ngày 17/8, Baradar đáp xuống TP Kandahar ở miền nam Afghanistan, nơi khởi phát của phong trào Taliban. Kết thúc 20 năm lưu vong, Baradar được những người ủng hộ vây quanh khi bước xuống từ chiếc máy bay của chính phủ Qatar và được một đoàn xe hộ tống đưa đi.

Baradar, người được cho là đang độ tuổi 50, sinh ra ở tỉnh Uruzgan, miền nam Afghanistan. Giống như nhiều thủ lĩnh khác trong Taliban, Baradar từng tham gia hàng ngũ CIA và lực lượng thánh chiến mujahideen được Pakistan hậu thuẫn để chống lại Liên Xô trong giai đoạn trước kia.

Trong những năm 1990, Afghanistan rơi vào nội chiến, các nhóm thánh chiến giao tranh và tạo ra nhiều vương quốc nhỏ. Các lãnh chúa lập ra các chốt và bắt các du khách để kiếm tiền phục vụ hoạt động quân sự.

Năm 1994, Mullah Omar, Baradar và những người khác lập ra Taliban (nghĩa là “những sinh viên Hồi giáo”). Khi đó, Taliban chủ yếu gồm các giáo sĩ và thanh niên trẻ tuổi mộ đạo, trong đó nhiều người bị đuổi khỏi nhà và chỉ biết đến chiến tranh. Việc giải thích và áp dụng hà khắc của họ về Hồi giáo và cũng là cách khiến Taliban tách biệt với những lãnh chúa khét tiếng tham nhũng.

Baradar sát cánh với Mullah Omar khi thủ lĩnh này dẫn dắt Taliban giành quyền điều hành đất nước vào năm 1996, sau đó duy trì phong trào trong suốt 2 thập kỷ sau khi bị Mỹ lật đổ năm 2001.

Trong thời kỳ cầm quyền từ năm 1996-2001, tổng thống và hội đồng chính phủ hoạt động tại thủ đô Kabul. Nhưng Baradar dành phần lớn thời gian ở Kandahar, thủ đô tinh thần của Taliban và không nắm vai trò chính thức nào trong chính phủ.

Mỹ tấn công Afghanistan sau vụ khủng bố 11/9 nhằm tiêu diệt lực lượng khủng bố al-Qaida do Osama bin Laden đứng đầu và trú ẩn dưới cái ô của Taliban. Sau khi bị lật đổ, Baradar, Omar và các thủ lĩnh Taliban khác chạy sang nước láng giềng Pakistan.

Trong những năm sau đó, Taliban tổ chức những cuộc nổi dậy đáng gờm từ các khu vực bộ lạc bán tự trị dọc biên giới gập ghềnh. Baradar bị bắt ở TP Karachi, miền nam Pakistan, vào năm 2010, trong một chiến dịch phối hợp của CIA và lực lượng chống khủng bố Pakistan.

Khi ấy, Baradar đã có những cử chỉ hoà bình với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai hồi đó, nhưng Mỹ đang nghiêng về một chiến thắng quân sự và dường như Pakistan muốn có vai trò trong bất kỳ tiến trình chính trị nào. Việc Baradar bị bắt đã trao quyền cho những thủ lĩnh khác của Taliban, những người ít cởi mở với ngoại giao hơn.

Ông Karzai xác nhận Baradar đã cố gắng hoà giải và bản thân ông đã hai lần đề nghị người Mỹ và Pakistan trả tự do cho Baradar nhưng đều bị gạt đi. Đến năm 2013, Baradar từ chối đề nghị trả tự do vì điều kiện mà Mỹ và Pakistan đặt ra.

Ông Karzai giờ lại tham gia các cuộc đàm phán với Taliban để định hình chính phủ mới, và cuối cùng vẫn phải ngồi xuống với Baradar.

Năm 2018, Taliban giành quyền kiểm soát phần lớn vùng nông thôn của Afghanistan. Chính quyền Trump khi đó đang tìm cách thoát khỏi cuộc chiến dài nhất của Mỹ nên đã thuyết phục Pakistan thả Baradar trong năm đó và bắt đầu xúc tiến đàm phán hoà bình với Taliban.

Baradar dẫn đầu nhóm đàm phán của Taliban đến Qatar tham dự nhiều vòng đối thoại, để cuối cùng đạt được một thoả thuận vào tháng 2/2020. Baradar đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi đó.

Theo thoả thuận, Taliban đồng ý dừng tấn công các lực lượng quốc tế và không để Afghanistan trở thành thiên đường cho các nhóm khủng bố nhằm đổi lấy việc Mỹ rút quân.

Tuần trước, Taliban liên tục giành quyền kiểm soát các tỉnh thành chỉ trong vài ngày, rồi cuối cùng tiến vào thủ đô Kabul mà gần như không gặp cản trở nào.

Trong phát biểu đầu tiên tại Kabul cuối tuần trước, Baradar thừa nhận bản thân mình cũng ngạc nhiên, nói rằng “không bao giờ nghĩ chúng tôi sẽ có chiến thắng ở Afghanistan”.

“Giờ là phép thử. Chúng tôi phải xử lý các thách thức trong việc phục vụ và bảo vệ quốc gia của chúng ta, và mang lại một cuộc sống ổn định từ nay trở đi”, Baradar nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Những thủ lĩnh bí ẩn của Taliban là ai?

Sáu nhân vật quan trọng đã dẫn dắt phong trào của Taliban chống lại chính phủ do phương Tây hậu thuẫn suốt từ năm 2001,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - AP ([Tên nguồn])
Phong trào Hồi giáo Taliban Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN