Cá voi tiến hóa to hơn gấp 10.000 lần từ loài 4 chân như chó, và vẫn chưa dừng lại
Những con cá voi khổng lồ, ăn nhuyễn thể còn có thể phát triển lớn hơn nếu kích cỡ và số lượng những con mồi của chúng tiếp tục phát triển lớn hơn, theo một nghiên cứu mới được công bố.
Cá voi vẫn chưa đạt tới kích thước cực đại của chúng (Ảnh: Getty)
Cá voi là động vật đồ sộ nhất còn đang sống trên hành tinh của chúng ta, thậm chí còn lớn hơn cả những con khủng long lớn nhất. Theo Nicholas Pyenson, người phụ trách nghiên cứu hóa thạch các loài động vật có vú tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ Smithsonian, loài thú khổng lồ dưới biển này tiến hóa từ những sinh vật trên cạn có 4 chân giống chó, và đã lớn gấp 10.000 lần kích thước ban đầu của chúng trong hơn 50 triệu năm qua.
Các sinh vật có kích thước lớn hơn bao giờ cũng có nhiều lợi thế, từ việc khó trở thành con mồi cho các loài khác, đến khả năng giữ ấm và di chuyển ở khoảng cách lớn một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cá voi vẫn có một số yếu tố giới hạn sự tăng trưởng kích thước của chúng.
Để tìm hiểu những giới hạn này là gì, các nhà nghiên cứu đã gắn các thiết bị cảm biến đa điểm vào nhiều loại cá voi, cũng như cá heo và cá heo chuột. Những thiết bị này bao gồm máy ảnh, cảm biến áp suất, gia tốc kế và các bộ ghi dữ liệu khác. Các nhà nghiên cứu cũng ước tính chủng loại và số lượng con mồi của các loài trên bằng nhiều phương pháp khác nhau. Đối với cá voi hàm lược, họ sử dụng các thiết bị âm thanh để kiểm tra mật độ của các mảng nhuyễn thể. Đối với cá voi có răng, họ xem xét kích thước và số lượng các phần mỏ và sỏi thính mực được tìm thấy trong dạ dày của những con cá voi bị mắc cạn.
Kết hợp tất cả các dữ liệu này lại với nhau, các nhà nghiên cứu có thể xác định được cá voi đã tiêu tốn bao nhiêu năng lượng khi ăn và hấp thu được bao nhiêu năng lượng từ thức ăn của chúng.
Đối với cá voi có răng, yếu tố giới hạn dường như nằm ở kích thước những con mồi của chúng. Ngay cả ở những loài có kích thước lớn nhất như cá nhà táng, nguồn thức ăn chủ yếu của chúng chỉ là những loại mực ống cỡ trung bình - có thể do số lượng mực khổng lồ ngoài đại dương giờ không còn nhiều.
Nhưng cá voi hàm lược, những gã khổng lồ thực thụ ngoài đại dương, lại hấp thu được nhiều năng lượng một cách tương đối dễ dàng khi chỉ một hớp của chúng là đã nuốt được một số lượng lớn loài nhuyễn thể hoặc các sinh vật nhỏ khác.
Bằng cách này, những loài như cá voi xanh "về cơ bản đang ăn các loại siêu sinh vật", Jeremy Goldbogen, giáo sư ngành sinh lý học đối chiếu tại Đại học Stanford và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Nhưng những sinh vật nhỏ này chỉ xuất hiện ở nồng độ lớn trong vài tháng mỗi năm ở một số khu vực, đây có thể là yếu tố hạn chế lớn nhất cho sự phát triển của cá voi.
Nhờ đó, giáo sư Goldbogen đã đi đến kết luận rằng các loài cá voi hàm lược vẫn chưa hoàn toàn phát triển hết kích cỡ của mình.
"Có thể trong vài triệu năm tới, chúng ta sẽ thấy một loài còn lớn hơn cả cá voi xanh ở thời điểm hiện tại."
Nguồn: [Link nguồn]
Xác một con cá voi trôi dạt vào bờ biển Khánh Hòa hôm 19.6 và dựa trên hình ảnh chụp lại, đây có thể là cá voi lưng gù,...