Bước đi mới của ông Putin nhằm 'hất cẳng' Mỹ ở Địa Trung Hải

Sự kiện: Vladimir Putin

Tổng thống Putin đã quyết định đàm phán với Syria về việc mở rộng các căn cứ của mình ở đây, việc này sẽ là tiền đề để Nga hạn chế ảnh hưởng Mỹ, độc bá Địa Trung Hải.

Tổng thống Nga Putin. Nguồn: eastday.com.

Tổng thống Nga Putin. Nguồn: eastday.com.

Tổng thống Nga Putin hôm 29/5 đã ký quyết định giao cho Bộ Quốc phòng cùng với Bộ Ngoại giao Nga tiến hành đàm phán với chính phủ Syria về việc mở rộng căn cứ quân sự của Moscow tại quốc gia này. Theo quyết định, các cơ quan có liên quan của Nga sẽ đàm phán với Damascus về việc chuyển giao thêm cho quân đội Nga sử dụng các tài sản bất động sản và vùng nước trong khuôn khổ thỏa thuận về triển khai nhóm Không quân Nga tại Syria được ký từ ngày 26/8/2015.

Trước đó, Tổng thống Nga hôm 25/5 cũng ký quyết định cũng bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Damacus Aleksandr Efimov làm đại diện đặc biệt của Tổng thống về phát triển quan hệ với Syria. Đại sứ Aleksandr Efimov mới nhận nhiệm sở tại Damacus từ tháng 1/2020, việc tăng cường trao đổi với Chính phủ Syria về vấn đề trên là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ông.

Hợp tác quân sự, quốc phòng giữa Nga và Syria được đẩy mạnh kể từ khi Moscow tham gia cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia Trung Đông này theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tháng 9/2015, Nga chính thức đưa quân đến đồn trú tại căn cứ không quân Hmeymim để hỗ trợ Quân đội Chính phủ Syria chống lại lực lượng phiến quân.

Tháng 12/2017, Tổng thống Putin tuyên bố sẽ rút quân khỏi Syria, tuy nhiên, căn cứ không quân Hmeymin và căn cứ hải quân Tartus vẫn tiếp tục tồn tại. Theo thỏa thuận giữa Nga và Syria, Quân đội Nga có thể được triển khai vô thời hạn tại căn cứ không quân Hmeymim.

Lực lượng Nga tại căn cứ Hmeymim. Nguồn: eastday.com.

Lực lượng Nga tại căn cứ Hmeymim. Nguồn: eastday.com.

Còn đối với căn cứ Tartus, căn cứ này nằm trong thành phố cảng bên bờ biển Địa Trung Hải ở phía tây Syria. Theo các hiệp ước và thỏa thuận có liên quan được ký kết bởi Liên Xô và chính phủ Syria trong thế kỷ trước, Nga có một căn cứ hỗ trợ vật liệu và thiết bị của Hải quân Nga ở Tartus, là căn cứ quân sự duy nhất của Nga ở khu vực Địa Trung Hải.

Theo thỏa thuận bổ sung đạt được giữa Nga và Syria năm 2017, Quân đội Nga có thể neo đậu tới 11 tàu chiến, bao gồm cả tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Theo thỏa thuận, Nga có thể sử dụng cảng Tartus trong 49 năm mà không phải trả phí. Nếu cả Nga và Syria đều không đề nghị ngừng thực thi thỏa thuận trước khi hết hạn, thỏa thuận sẽ được tự động gia hạn thêm 25 năm.

Bình luận về việc Nga đàm phán mở rộng các căn cứ tại Syria, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Yury Shvytkin cho rằng, kế hoạch này nhằm mở rộng tính năng và nâng cao khả năng đảm bảo an ninh của các căn cứ quân sự của Nga ở Syria.

Căn cứ Hải quân của Nga ở cảng Tartus. Nguồn: eastday.com.

Căn cứ Hải quân của Nga ở cảng Tartus. Nguồn: eastday.com.

Theo ông Yury Shvytkin, hiện nay căn cứ Tartus có chức năng khá hạn chế và chưa thể được coi là một căn cứ hải quân đúng tiêu chuẩn. Theo đó, trước mắt, Quân đội Nga sẽ hiện đại hóa căn cứ Tartus đến mức độ sẽ cho phép các tàu tuần dương có thể tiến vào cảng. Để làm được việc này, cần phải tiến hành đào sâu và mở rộng luồng vào cảng Tartus. Sau đó, sẽ tiến hành mở rộng công năng phục vụ các tàu chiến ra vào cảng để sửa chữa, tiếp nhiên liệu và khi cần thiết có thể giáng đòn tấn công chớp nhoáng vào các nhóm khủng bố.

Về căn cứ không quân Hmeymim, ông Shvytkin cho rằng, tại đây có các sân bay quân sự và dân sự đang hoạt động song song, điều này là không phù hợp. Hiện Nga đã triển khai khoảng 30 máy bay chiến đấu phản lực và trực thăng, trong số này có các máy bay hiện đại hàng đầu của quân đội Nga, như Su-35, Su-34 và Su-24, trực thăng tấn công Mi-35 và Mi-8AMTSH.

Do vậy, cần phải tách biệt hoàn toàn hoạt động dân sự và quân sự tại căn cứ này để có thể đảm bảo an toàn cho các nhân viên và các thiết bị. "Việc mở rộng sẽ cho phép chúng ta giải quyết hiệu quả hơn các nhiệm vụ được giao cho nhóm chiến đấu của quân đội (Nga) tại Syria và, tất nhiên, để đảm bảo an toàn cho đội ngũ quân nhân và các thiết bị chiến đấu, xe bọc thép đặt tại căn cứ này", ông Shvytkin nói.

Giới quan sát cho rằng, với việc mở rộng các căn cứ quân sự ở Syria, với sự hiện diện của các máy bay chiến đấu và chiến hạm thường trực, Nga sẽ có lực lượng không quân và hải quân mạnh ở Trung Đông, đặc biệt là phía đông Địa Trung Hải, hình thành một thế trận hỗ trợ lẫn nhau, tạo thành chỉnh thể thống nhất của sức mạnh quân sự Nga ở Trung Đông.

Căn cứ của Nga có vai trò quan trọng trong việc khống chế toàn cục ở Địa Trung Hải. Nguồn: eastday.com.

Căn cứ của Nga có vai trò quan trọng trong việc khống chế toàn cục ở Địa Trung Hải. Nguồn: eastday.com.

Không chỉ vậy, việc mở rộng căn cứ Tartus cũng cho phép Hải quân Nga duy trì hoạt động thường xuyên của các lực lượng mới thành lập. Vừa qua Nga đã xúc tiến thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân Địa Trung Hải với khoảng 10 tàu chiến hiện diện thường trực ở vùng biển này, theo mô hình Liên đội số 5 Địa Trung Hải dưới thời Liên Xô, với đối thủ chính là Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ.

Lực lượng này được thành lập với ý định chiến lược là: bảo vệ Syria; kiểm soát phần đông của Địa Trung Hải; bảo vệ lối vào Biển Đen và bóp nghẹt ý đồ xâm nhập Biển Đen của hải quân Mỹ-NATO; đối phó với Hạm đội 6 và ngăn chặn đường tiếp viện của Hạm đội 5 Mỹ ở vùng Vịnh Persian, qua biển Đỏ, vượt kênh đào Suez sang Địa Trung Hải hỗ trợ cho Hạm đội 6.

Với việc có thể duy trì hoạt động thường xuyên của lực lượng mới ở Địa Trung Hải, Nga sẽ kiểm soát các kênh thương mại hàng hải khổng lồ của Mỹ, châu Á và châu Âu ở khu vực này. Ngoài ra, tăng cường hiện diện tại biển Địa Trung Hải cũng cho phép Nga giữ vững vị thế địa - chính trị ở Nam Âu, Trung Đông, Bắc Phi, đặc biệt là với Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Iraq, Syria, Lebanon, Ai Cập và một số quốc gia khác.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao ông Putin điều binh sĩ đến mỏ vàng lớn nhất nước Nga?

Tổng thống Vladimir Putin mới đây đã ra lệnh cho quân đội Nga điều động binh sĩ đến mỏ vàng lớn nhất nước này, nơi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Trí (lược dịch) ([Tên nguồn])
Vladimir Putin Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN