"Bóng ma" khổng lồ xuất hiện giữa thiên hà chứa Trái Đất

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Một nhóm thiên văn học quốc tế đã xác định được một "ngôi sao bóng ma" khổng lồ, thoắt ẩn thoắt hiện đầy bí hiểm, cách Trái Đất 25.000 năm ánh sáng.

Clip mô tả ngôi sao khổng lồ bị vật thể nhỏ nhưng được bao phủ bởi đĩa mờ che khuất

Theo Phys.org, ngôi sao khổng lồ mang tên VVV-WIT-08 không hiện hữu liên tục trong ống kính thiên văn. Có những giai đoạn nó đột ngột giảm độ sáng rồi biến mất khỏi bầu trời, sau đó một thời gian lại "hiện hình" như một bóng ma.

"Bóng ma" giữa thiên hà chứa Trái Đất có thể là một ngôi sao khổng lồ bị thứ gì đó thường xuyên che khuất - Ảnh đồ họa từ nhóm nghiên cứu

"Bóng ma" giữa thiên hà chứa Trái Đất có thể là một ngôi sao khổng lồ bị thứ gì đó thường xuyên che khuất - Ảnh đồ họa từ nhóm nghiên cứu

Công trình dẫn đầu bởi tiến sĩ Leigh Smith từ Viện thiên văn học của Cambridge (Anh), với sự cộng tác của nhiều nhà khoa học từ Đại học Edinburgh, Đại học Hertfordshire (Anh), Đại học Warsaw (Ba Lan) và Đại học Andres Bello (Chile).

"Bóng ma" vũ trụ này nằm trong vùng dày đặc của thiên hà chứa Trái Đất Milky Way, gần về phía trung tâm thiên hà.

Thông thường những ngôi sao có giai đoạn ánh sáng mờ đi là do một hành tinh hoặc một ngôi sao nhỏ, tối (có thể đã chết) đồng hành với nó vô tình chắn ngang khoảng không gian giữa ngôi sao chính và Trái Đất. Tuy nhiên bí ẩn ở đây là VVV-WIT-08 là một dạng sao "quái vật" ngoại cỡ. Như vậy hành tinh nào đủ lớn để làm nó tắt ngấm ánh sáng hoàn toàn một thời gian? Nếu đó là một ngôi sao đồng hành lớn khác cũng vô lý, vì rõ ràng thứ bay ngang là "một vật thể bóng tối".

Sau quá trình phân tích, bài công bố trên Monthly Notices of Royal Astronomical Society kết luận người đồng hành đó là một hành tinh hoặc một ngôi sao nhỏ, nhưng được vây quanh bởi một đĩa vật chất khổng lồ. Giả thuyết thứ 2 kém vững chắc hơn là có rất nhiều vật thể bóng tối trôi nổi quanh ngôi sao này, tuy nhiên nếu như vậy chúng phải bay ngang cùng một lúc mới có thể che hoàn toàn ngôi sao.

Vì tính chất đặc biệt này, VVV-WIT-08 được đặt biệt danh là "ngôi sao khổng lồ nhấp nháy. Nó được tìm thấy bởi kính thiên văn VISTA đặt tại Đài thiên văn Nam Âu (ESO), được sử dụng trong một nhiệm vụ kéo dài gần 10 năm nhằm tìm kiếm những thiên thể có độ sáng biến đổi. Điều thú vị là khi nhìn vào một ngôi sao sáng biến đổi, chúng ta có thể dựa vào dữ liệu quang phổ của nó để nghiên cứu về vật thể bay ngang.

Nguồn: [Link nguồn]

Kinh hãi ”điểm tử thần” nơi thiên thạch đồng loạt lao vào Trái Đất

Các thiên thạch lao xuống Trái Đất suốt 500 triệu năm qua đều đến từ một điểm bí ẩn duy nhất trên vành đai tiểu hành...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Anh ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN