Biến thể Delta sắp “thống trị” toàn cầu, Mỹ chờ kịch bản tồi tệ?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Chuyên gia khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 18-6 cho biết biến thể Delta, lần đầu được xác định ở Ấn Độ, đang trở thành chủng trội toàn cầu trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 mới bùng phát ở nhiều nơi.

TS Soumya Swaminathan phát biểu trong cuộc họp báo: "Biến thể Delta dần trở thành biến thể thống trị trên toàn cầu vì khả năng lây nhiễm tăng nhanh".

Anh ghi nhận sự gia tăng mạnh về các ca mắc biến thể Delta trong khi quan chức y tế hàng đầu của Đức dự đoán biến thể này sẽ trở thành chủng trội ở nước này bất chấp tỉ lệ tiêm chủng tăng.

Nga cũng thông báo biến thể Delta đến từ Ấn Độ đang chiếm phần lớn các ca nhiễm mới tại quốc gia này. Điện Kremlin chỉ trích thái độ chần chừ trong việc tiêm chủng đã khiến số ca mắc mới tiếp tục tăng cao sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục 9.056 tại Moscow hôm 18-6.

Bà Soumya Swaminathan, trưởng khoa học gia của WHO. Ảnh: Reuters

Bà Soumya Swaminathan, trưởng khoa học gia của WHO. Ảnh: Reuters

Các quan chức WHO cho hay châu Phi vẫn là khu vực đáng lo ngại dù khu vực này ghi nhận số ca mắc mới chiếm khoảng 5% và ca tử vong mới chiếm khoảng 2% toàn cầu.

Ông Mike Ryan, người đứng đầu chương trình các tình trạng khẩn cấp của WHO, cho rằng số ca nhiễm mới ở Namibia, Sierra Leone, Liberia và Rwanda tăng gấp đôi trong tuần trước khi khi vấn đề tiếp cận vắc-xin còn hạn chế.

Bà Swaminathan cũng bày tỏ thất vọng về thất bại của CureVac trong bối cảnh các biến chủng mới có khả năng lây lan cao làm tăng nhu cầu về vắc-xin mới hiệu quả hơn. Trước đó, công ty CureVac của Đức thông báo thất bại trong phát triển vắc-xin khi sản phẩm của họ chỉ đạt hiệu quả ngừa dịch 47%, thấp hơn mức tiêu chuẩn 50% của WHO.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky cho rằng biến thể Delta có thể trở thành chủng trội ở Mỹ trong hai hoặc 3 tháng tới. Biến thể này dễ lây lan nhất và có nhiều khả năng gây bệnh nặng hơn cho những người chưa được chủng ngừa.

Tổng thống Biden hôm 18-6 đã kêu gọi những người Mỹ chưa tiêm phòng cần nhanh chóng tiêm vắc-xin sớm nhất có thể khi đưa ra lý do về mối nguy hiểm do biến thể Delta gây ra.

Phát biểu từ Nhà Trắng, ông Biden cho rằng: "Ngay cả khi chúng ta đang đạt được tiến bộ đáng kinh ngạc về tiêm phòng thì vẫn còn mối đe dọa nghiêm trọng và chết người".

Ông Biden cho rằng: "Đây là một biến thể dễ lây nhiễm hơn, có khả năng gây tử vong cao hơn và đặc biệt nguy hiểm đối với những người trẻ tuổi nhưng tin tốt là chúng ta có giải pháp. Khoa học và dữ liệu rõ ràng cho thấy rằng vắc-xin là hình thức hiệu quả nhất giúp ngừa biến thể mới". 

Đến nay khoảng 65% người Mỹ từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin.

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc gia có số ca Covid-19 tử vong cao nhất ĐNA đối mặt đợt bùng phát mới

Ngày 17/6, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận hơn 12.600 ca nhiễm Covid-19, đánh dấu số ca nhiễm trong ngày kỷ lục kể từ cuối...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Mai ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN